[In trang]
Gói đất trời trong bánh chưng xanh
Thứ ba, 13/02/2018 - 13:44
Một cái Tết sẽ không là trọn vẹn nếu thiếu màu xanh của bánh chưng, cuộc sống dù có bộn bề và nhiều lo toan nhưng một chiếc bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên chắc chắn phải có.

Một cái Tết sẽ không là trọn vẹn nếu thiếu màu xanh của bánh chưng, cuộc sống dù có bộn bề và nhiều lo toan nhưng một chiếc bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên chắc chắn phải có...

“Mùa xuân về trước hiên nhà

Khoác màu áo mới điệu đà thanh tân

Ngoài kia hoa nở đầy sân

Gió xuân hây hẩy trong ngần trinh nguyên”

Mùa xuân đang đến rất gần với mọi người, mọi nhà. Phố xá như được tô điểm rực rỡ hơn bởi sắc xuân của hoa đào, hoa mai. Người người tấp nập sắm sửa cho ngày Tết nào mâm ngũ quả, nào bánh kẹo mứt… Nhưng trong mỗi ngôi nhà trên khắp mọi miền đất nước, Tết sẽ không trọn vẹn nếu thiếu chiếc bánh chưng xanh. Bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt, mang ý nghĩa văn hóa và tâm linh sâu sắc.

Tết của người Việt là Tết của sự đoàn viên, sum họp gia đình sau một năm tất bật với những bộn bề của công việc. Hình ảnh cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng trong cái tiết trời lành lạnh của những ngày giáp Tết, cảm giác bình yên đến lạ. Thông thường các gia đình Việt có thói quen gói bánh chưng vào ngày 27 và 28 âm lịch. Đối với mỗi người dân Việt, chiếc bánh chưng không chỉ là một món ăn đơn thuần mà nó mang trong mình sự hòa quyện tinh tế giữa đất và trời.

Cùng với truyền thuyết Lang Liêu xa xưa, chiếc bánh chưng gói ghém trong đó cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Là sự hòa quyện độc đáo giữa các sản phẩm của trồng trọt, chăn nuôi. Bên ngoài là chiếc lá dong xanh có sẵn từ thiên nhiên, bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu nấu ăn cội rễ của dân tộc: gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn…

“Bên ngoài xanh lá dong xanh

Bên trong nếp đỗ mỡ hành hạt tiêu

Gói nghĩa tình, gói yêu thương

Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ”

Bánh chưng mang trong mình sự dẻo thơm, đậm đà mà bất kỳ ai thưởng thức cũng nhớ mãi hương vị ngon ngọt của nó. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi đây là món ăn mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Để có được những chiếc bánh chưng xanh, dậy mùi thơm đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mỉ trong từng công đoạn từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến công đoạn nấu và bảo quản bánh.

Từ xa xưa, ông bà ta đã rất chú trọng trong việc chọn nguyên liệu làm bánh. Và 4 nguyên liệu chính không thể thiếu là gạo nếp, đậu xanh, thịt heo và lá dong. Gạo nếp được lựa chọn từ những hạt dài chắc mẩy, to đều và thơm mới. Gạo nếp phải được vo sạch, ngâm khoảng 1-2 tiếng. Sau đó, vớt ra xóc muối cho vừa ăn và để ráo nước thì mới bắt tay vào gói. Đậu làm nhân phải là đậu xanh nguyên lõi, có màu vàng và không bị thâm thì mới bở ngon. Đậu được đãi sạch và nấu chín, sau đó nắm tròn thành từng chiếc nhỏ cho từng cái bánh.

Bên cạnh đậu xanh, thịt heo là một nguyên liệu không thể thiếu khi làm nhân bánh. Thịt heo làm nhân khiến món bánh chưng thêm thơm ngon, béo ngậy, cân bằng với phần gạo nếp bên ngoài. Người gói bánh chưng thường rất cẩn thận trong việc chọn thịt heo, phải là loại thịt ba chỉ, không nên chọn thịt nguyên nạc.

Để khi bánh chín, phần mỡ của thịt ba chỉ gần như tan vào bánh, còn phần nạc rất mềm và thơm khiến bánh ngon và dẻo vô cùng. Khi thái thịt để làm bánh chưng cần thái miếng to đều, không thái miếng nhỏ. Và một điều đặc biệt chú ý, không ướp thịt với nước mắm. Điều này sẽ khiến bánh chưng không để được lâu.

Đối với lá dong nên chọn lá bánh tẻ (tức là lá chưa già nhưng cũng không quá non), bởi lá bánh tẻ thường mềm dẻo hơn các loại lá khác. Để gói bánh thường dùng các lá to đều nhau, không bị rách, có màu xanh đậm, cuống nhỏ. Trước khi gói, cần đem rửa sạch rồi tráng qua nước sôi thì lá dong sẽ dẻo hơn, khi gói không bị rách.

Không chỉ nguyên liệu chính mà các loại gia vị cũng được người gói bánh lựa chọn rất kỹ lưỡng. Để bánh chưng luôn được thơm ngon thì hành và tiêu là hai loại gia vị không thể thiếu. Vị cay cay của hạt tiêu làm cho nhân bánh thêm phần hấp dẫn và không bị ngán. Nên chọn tiêu nguyên hạt mới, còn nguyên vị thơm.

Lạt buộc cũng được người gói bánh chuẩn bị kỹ càng, được chọn từ những đốt giang dài từ 70-90 cm. Đốt giang được cạo vỏ ngoài, sau đó chẻ từng miếng đều nhau.

Ông bà ta thường ngâm ống giang trước khi chẻ để có độ mềm, còn khi chẻ thành lạt thì phơi khô để khi gói bánh sẽ chắc tay và dễ buộc hơn. Riêng khâu chuẩn bị nguyên liệu cũng đã thấy được sự công phu, tỉ mỉ của người làm. Nhưng để hương vị của chiếc bánh chưng luôn tràn đầy trong những ngày Tết thì công đoạn luộc và bảo quản bánh cũng vô cùng quan trọng.

Luộc là một công đoạn quyết định bánh chưng có dẻo thơm và đậm vị hay không. Bánh chưng thường được luộc kỹ từ 10 - 12 tiếng để bánh chín đều từ trong nhân ra ngoài, thịt mỡ ngấm đều thân bánh tạo độ béo. Có một mẹo nhỏ để bánh được xanh, rền và ngon hơn thì khi nấu bánh nên để lửa râm râm và nấu được nửa thời gian thì phải vớt bánh ra rửa qua nước lạnh. Sau đó, thay nước toàn bộ nồi bánh rồi nấu tiếp.

Sau khi vớt bánh, dùng khăn nhúng nước lã rửa sạch bên ngoài bánh. Tìm chỗ thoáng mát trong nhà, xếp bánh ra rồi đặt 1 tấm ván lên trên. Tiếp đó cho thêm chậu nước hoặc vật nặng đè lên trên tấm ván để bánh được săn, chắc. Khi bánh nguội hoàn toàn là có thể cắt bánh đem thắp hương trên mâm cỗ ngày Tết.

Bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho đất, nhân đậu xanh vo tròn tượng trưng cho trời. Chính vì vậy mà bánh chưng xuất hiện trong mâm cỗ của người Việt để tỏ lòng biết ơn với trời đất đã mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Bên cạnh đó, chiếc bánh chưng xanh còn gợi cho ta nhớ đến niềm mơ ước an cư lạc nghiệp của con người: nhân nhụy vàng, thịt mỡ chín… là sự màu mỡ của lúa chín đồng quê, của đời sống chăn nuôi an vui xóm làng.

Một cái Tết sẽ không là trọn vẹn nếu thiếu màu xanh của bánh chưng, cuộc sống dù có bộn bề và nhiều lo toan nhưng một chiếc bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên chắc chắn phải có. Và đây cũng là cách để chúng ta có thể ôn lại và lưu giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc mỗi dịp Tết đến xuân về.

 

Theo thoibaonganhang.vn - bài của Bích Nhật