[In trang]
Điều hành chính sách tiền tệ: Điểm tựa niềm tin
Thứ ba, 01/10/2019 - 09:12
“Nếu nhìn tổng thể kể cả các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô thì chúng ta đạt được thành công, trong đó nổi bật là chính sách tiền tệ, trong chính sách tiền tệ thì điều hành tỷ giá, lãi suất là rất quan trọng”
“Nếu nhìn tổng thể kể cả các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô thì chúng ta đạt được thành công, trong đó nổi bật là chính sách tiền tệ, trong chính sách tiền tệ thì điều hành tỷ giá, lãi suất là rất quan trọng”, TS. Trần Du lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh tại phiên họp quý 3/2019 của Hội đồng diễn ra hôm 25/9 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Ảnh minh họa
Không chỉ TS. Trần Du lịch mà hầu như tất cả các thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đều ghi nhận và đánh giá cao kết quả điều hành chính sách tiền tệ những tháng đầu năm, đặc biệt việc duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá đã trở thành một điểm tựa niềm tin để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Quả vậy bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nền kinh tế bước vào năm 2019 cũng đối mặt với vô vàn khó khăn, trong đó căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh, thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Bối cảnh đó đã buộc hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới phải đảo ngược quan điểm chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng. Sự chuyển hướng đột ngột của chính sách tiền tệ tại nhiều nền kinh tế lớn đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động không ngừng. Đáng chú ý là đồng USD vẫn duy trì được sức mạnh bất chấp việc Fed cắt giảm lãi suất, trong khi đồng nhân dân tệ lại giảm giá mạnh. Việc đồng nhân dân tệ lần đầu tiên xuyên thủng ngưỡng tâm lý 7 nhân dân tệ/USD cũng khiến nhiều đồng tiền trong khu vực giảm theo.
Diễn biến trái chiều của USD và nhân dân tệ - đồng tiền của hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam - đã tạo một sức ép không nhỏ đến tỷ giá, lãi suất trong nước. Thế nhưng dưới sự điều hành chủ động, linh hoạt của NHNN, thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng vẫn vững vàng trong bão, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, tính đến ngày 20/9/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,44% so với cuối năm 2018; huy động vốn của các TCTD tăng 8,68%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 8,4%, phù hợp với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.
Đặc biệt, mặt bằng lãi suất huy động được duy trì ổn định trong bối cảnh sức ép lạm phát, tỷ giá những tháng đầu năm là khá lớn. Không những vậy, mặt bằng lãi suất cho vay còn có xu hướng giảm sau khi các NHTM Nhà nước lớn hai lần tiên phong cắt giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Thị trường ngoại hối, tỷ giá cũng được duy trì ổn định bất chấp việc nhiều đồng tiền trên thế giới và khu vực rớt giá mạnh so với USD. Theo đó, tính đến nay, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng 335 đồng/USD, tương đương tăng 1,47%; trong khi chỉ số USD đã tăng 2,39% so với đầu năm. Thậm chí giá mua – bán USD của các ngân hàng hầu như không tăng so với cuối năm 2018.
Không những vậy, trước xu hướng nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed và ECB, NHNN cũng đã nhanh chóng giảm 0,25% các mức lãi suất điều hành để giúp các TCTD có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các TCTD. Không chỉ vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, động thái giảm lãi suất của NHNN cũng có tác động hết sức tích cực đến tỷ giá trong nước.
Không chỉ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng, sự điều hành chính sách tiền tệ hết sức linh hoạt, chủ động của NHNN còn góp phần tích cực vào việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Tại cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo điều hành giá, các thành viên của Ban cũng ghi nhận, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng chỉ tăng 2,52%, thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm qua một phần cũng nhờ việc NHNN cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất điều hành làm ổn định lãi suất và tỷ giá, kiểm soát lãi suất cơ bản ở mức 1,91% trong 9 tháng.
“Điểm sáng nhất là ổn định niềm tin, giữ vững được giá trị VND trước sự rung lắc của thị trường thế giới”, TS. Trần Du Lịch đánh giá và cho rằng điều đó đã củng cố niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Phát biểu tại phiên họp quý 3 của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng cũng ghi nhận: Về cơ bản NHNN đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao và đạt được mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra; chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.