[In trang]
CÁC VẤN ĐỀ VỀ TIỀN LƯƠNG, GIỜ LÀM, TUỔI HƯU TRONG BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI): Không thể đi ngược xu hướng tiến bộ
Thứ năm, 24/10/2019 - 08:13
Ngày 23.10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Ngày 23.10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đây là dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và dư luận vì liên quan trực tiếp đến người lao động cả nước, nhất là vấn đề về tiền lương, giờ làm, tuổi nghỉ hưu... Tổng LĐLĐVN đã có đề xuất giảm giờ làm việc trong tuần và tăng thêm ngày nghỉ lễ để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động… 
Nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ
Công Thương là một ngành có đông công nhân lao động, ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công thương Việt Nam (CĐCTVN) đã bày tỏ sự đồng tình và nhấn mạnh giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của thế giới, mang lại hiệu quả tích cực ở nhiều khía cạnh.
Ông Huy cho biết, theo ghi nhận của CĐCTVN, năm 2018, trong ngành đã xảy ra 352 vụ tai nạn lao động, tập trung ở các lĩnh vực sản xuất, cơ khí luyện kim, sử dụng và vận hành các loại máy, thiết bị... Đây đều là những khu vực lao động nặng nhọc, độc hại và đòi hỏi NLĐ phải làm việc với cường độ cao, không có đủ thời gian để hồi phục sức khỏe, tái tạo sức lao động. Do vậy, giảm giờ làm là cần thiết nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ; để NLĐ có thời gian chăm sóc bản thân và gia đình; để họ có thể học tập và nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019, CĐCTVN đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Công đoàn, chế độ chính sách cho NLĐ tại một số CĐ trực thuộc. Qua kiểm tra sơ bộ cho thấy, một số đơn vị đã áp dụng chế độ làm việc từ 40 - 44h/tuần như Cty Liên doanh Dây đồng VN (40h/tuần); Cty Tôn Phương Nam (44h/tuần); Cty CP Caosu Đà Nẵng (40 - 44h/tuần); Cty CP Bao bì Habeco (44h/tuần)… Đây đều là những doanh nghiệp thực hiện chế độ đối với NLĐ rất tốt, năng suất lao động ổn định. Điều này chứng minh rằng việc giảm giờ làm tưởng chừng sẽ khiến năng suất lao động giảm, nhưng thực tế giảm giờ làm khiến cho năng suất lao động của nhiều doanh nghiệp ổn định hoặc tăng mạnh. Kết quả này bắt nguồn từ sự hào hứng, năng động và sáng tạo của NLĐ khi đã dành đủ thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình.
Chủ tịch CĐCTVN Trần Quang Huy cho rằng giảm giờ làm là cần thiết, phù hợp với xu hướng chung hiện nay là tăng cường thay đổi giải pháp công nghệ, cải tiến tổ chức lao động để tăng năng suất, chứ không phải tăng thời gian làm việc. CĐCTVN mong muốn có thêm các đơn vị trong ngành Công Thương cho lao động làm việc 40 - 44h/tuần và được quy định rõ tại nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể… của đơn vị. Những đơn vị trong ngành đã áp dụng chế độ làm việc 40 - 44h/tuần khẳng định việc giảm thời gian làm việc đã tạo động lực để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, đổi mới quản trị doanh nghiệp, dễ dàng thích nghi với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
“Có thể nói, giảm giờ làm là xu thế tiến bộ được nhiều nước phát triển áp dụng hiệu quả nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và gia đình cho NLĐ, giúp NLĐ có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập, nâng cao trình độ... Đây cũng là tiền đề để thực hiện mục tiêu việc làm bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế tại Việt Nam nói riêng và là nền tảng cho cuộc cách mạng 4.0 phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu nói chung” - ông Huy nhận định.
NLĐ muốn tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm
Mới đây, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc lắng nghe ý kiến của cán bộ CĐ các cấp, CNVCLĐ Thủ đô vào dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội đã đại diện CNVCLĐ cho biết đại đa số ý kiến CNVCLĐ đề nghị giảm thời giờ làm việc bình thường của NLĐ từ “48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần”; Điều 107 (làm thêm giờ): Đề nghị giữ nguyên khung thỏa thuận làm thêm giờ như trong Bộ luật Lao động 2012; nếu tăng đề xuất khi chi trả tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ phải được tính theo lũy tiến; Điều 112 (Nghỉ lễ, Tết): Đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm.
“Việc tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ giúp cho NLĐ có thêm một số ngày nghỉ trong năm để NLĐ được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển” - ông Hùng nhận định.
Về tuổi nghỉ hưu (điều 169), LĐLĐ TP.Hà Nội đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu (được quy định tại Khoản 2 Điều 169) trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: Đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Cụ thể: Công thức tăng tuổi nghỉ hưu theo các nhóm có thể được khái quát như Công chức (tăng tất cả), Viên chức (tăng một bộ phận lớn), Công nhân lao động (chỉ tăng một bộ phận nhỏ và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên là 58)…
Công nhân lao động mong muốn được tăng ngày nghỉ có hưởng lương - là ý kiến của ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam.
Theo ông Nghiệp, quy định số ngày nghỉ lễ, Tết có hưởng lương của Việt Nam tổng cộng 10 ngày/năm đã duy trì từ nhiều năm qua. Trong thời gian đó, trình độ, tay nghề của NLĐ Việt Nam đã được nâng lên, năng suất lao động cũng được tăng cao, trong khi số ngày nghỉ có hưởng lương của NLĐ Việt Nam còn thấp, chỉ là 10 ngày/năm, thấp nhất trong khu vực và thấp so với bình quân của thế giới (khoảng 17 ngày/năm). Thực tế tại doanh nghiệp, vào dịp Tết Nguyên đán đều cho CN nghỉ dài ngày hơn so với quy định của Nhà nước hiện nay là 5 ngày. Nếu có thêm ngày nghỉ, CN sẽ có thêm thời gian để chăm lo cho gia đình, con cái và thêm thời gian nghỉ ngơi. Đặc biệt, Báo Lao Động đăng thông tin từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL ngày 18.2.1946 ấn định số ngày nghỉ lễ, Tết có hưởng lương đã là 18 ngày/năm, điều này cho thấy sự quan tâm của Bác với giai cấp lao động. Do đó, khi Tổng LĐLĐVN đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ có hưởng lương cho NLĐ, hầu hết CN trong công ty đều rất phấn khởi và mong muốn Quốc hội đồng ý với đề xuất này.
“CN cũng mong muốn Quốc hội thông qua đề xuất giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần theo đề xuất của Tổng LĐLĐVN” - ông Cù Phát Nghiệp nói. 
NHÓM PV (BÁO LAO ĐỘNG)