[In trang]
Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Thứ ba, 26/11/2019 - 14:14
Diễn đàn kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam do VCCI, Phòng Thương mại Công nghiệp Châu Âu (EUROCHAM), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phối hợp tổ chức đã khai mạc sáng 25.11 tại TP.Hồ Chí Minh.
Diễn đàn kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng Thương mại Công nghiệp Châu Âu (EUROCHAM), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phối hợp tổ chức đã khai mạc sáng 25.11 tại TP.Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu tham gia diễn đàn.
Đại diện ILO tại Việt Nam nhận xét: Các doanh nghiệp của Việt Nam ngày càng có trách nhiệm hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Chính phủ cũng tạo ra môi trường thúc đẩy phát triển kinh tế, kinh doanh với tiêu chuẩn lao động tốt hơn.
Các doanh nghiệp cần tích hợp trách nhiệm xã hội của mình trong hoạt động kinh doanh của chuỗi cung ứng toàn cầu, vì người mua hàng ở các nước cũng có nhu cầu thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn cầu và điều này phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO.
Đại diện UEROCHAM cho biết, hiện vẫn còn nhiều rào cản để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào nền kinh tế Châu Âu, do đó đòi hỏi sự trách nhiệm xã hội cũng như môi trường nhiều hơn của doanh nghiệp.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng cơ hội tốt hơn doanh nghiệp trong nước khi Việt Nam mở cửa thị trường và cần phải “cởi trói” cho doanh nghiệp vì chỉ khi nào các doanh nghiệp tư nhân phát triển thì mới đem lại lợi ích cho người Việt Nam.
Tiến sĩ Cung cũng khuyến cáo: “Cần phải tôn trọng quy luật của thị trường, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro về thể chế và chỉ tập trung đối phó với các rủi ro của thị trường, cạnh tranh với các đối thủ hơn là phải đối phó với sự thay đổi, kém minh bạch, rõ ràng trong quy định pháp luật”.
Trao đổi tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho biết: Ở Việt Nam, tình trạng giới chủ vi phạm pháp luật còn khá phổ biến dưới nhiều hành vi khác nhau. Tổ chức Công đoàn sẽ tích cực tham gia giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường đối thoại thực chất để xây dựng các thỏa ước lao động tập thể mang lại quyền lợi cho NLĐ.
Trong dịp sửa đổi Luật Công đoàn tới đây, tổ chức Công đoàn sẽ đề xuất đưa vào quy định về quyền giám sát độc lập của tổ chức Công đoàn; thông qua đó, sẽ kịp thời phát hiện vi phạm của doanh nghiệp nếu có và sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý, góp phần thúc đẩy đưa pháp luật đi vào cuộc sống để bảo đảm các quyền lợi của NLĐ.
Nam Dương (Báo Lao động)