[In trang]
Ngành Ngân hàng tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19 tại khu vực Tây Nguyên
Thứ ba, 29/09/2020 - 14:32
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 3 với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại” diễn ra chiều ngày 28/12/2019 tại Đắk Lắk,
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 3 với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại” diễn ra chiều ngày 28/12/2019 tại Đắk Lắk, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú đã tham dự và trả lời các câu hỏi của bà con nông dân liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này có sự tham dự của hơn 400 đại biểu gồm lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đại diện các Ban Đảng, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan thông tấn, báo chí, đặc biệt là sự có mặt của đông đảo bà con nông dân đến từ các địa phương cả nước - đại diện cho hàng chục triệu hộ nông dân tham gia đối thoại trực tiếp với Thủ tướng.
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ III càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân, chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm bị ảnh hưởng không nhỏ trong dịch Covid-19 vừa qua.
Mở đầu Hội nghị, Đ/c Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ III được tổ chức nhằm lắng nghe và giải quyết những khó khăn của nông dân về tình hình sản xuất cũng như vướng mắc thậm chí bất cập trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiếp nông dân, nông thôn.
Tại Hội nghị, bà con nông dân đặt các câu hỏi cho Thủ tướng cùng các đại biểu tập trung thảo luận và đối thoại về các giải pháp và chính sách khuyến khích nông dân chuyển sang sản xuất lớn, hợp tác, liên kết, hình thành các hình thức kinh tế tập thể gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; Quy trình chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn chưa hoàn thiện; Việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp chưa cụ thể, thiếu đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao ở nông thôn chưa được đầu tư đúng mức; Thị trường sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư phân bón vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế; Tình hình trạng tranh chấp đất đai, tài sản trên đất giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp, giữa nông dân với đơn vị, tổ chức khác...
Về lĩnh vực ngân hàng, bà con nông dân đặc biệt quan tâm tới các chương trình cho vay ưu đãi hay chương trình khoanh nợ, giãn nợ đối với nông dân vùng Tây Nguyên do đang gặp khó khăn về giá cả, dịch bệnh; giải pháp đẩy lùi tín dụng đen; bảo hiểm cho nông nghiệp và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn nói chung và Tây Nguyên nói riêng.
Ông Nguyễn Sỹ Thanh, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015, ở phố Tân Tiến, phường Quang Thành, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đặt câu hỏi với ngành Ngân hàng về chương trình cho vay ưu đãi và chương trình khoanh nợ, giãn nợ đối nông dân vùng Tây Nguyên do đang gặp khó khăn về giá cả, dịch bệnh. Và ở khu vực nông thôn thì ngành Ngân hàng sẽ làm gì để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khi số lượng máy ATM còn hạn chế?
Phó Thống đốc thường trực NHNN cho rằng, đây là vấn đề chung của cả vùng Tây Nguyên, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã triển khai nhiều chương trình, chính sách tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp như chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP (NĐ55) ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều ưu đãi đặc thù, sau đó là Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ55 với nhiều điểm đột phá nhằm đẩy mạnh tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng như: nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình lên gấp 2 lần so với mức cũ; mở rộng áp dụng cho vay không cần tài sản bảo đảm đối với các khách hàng thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không thuộc khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao; cơ chế xử lý nợ đặc thù (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ) cho khách hàng bị thiệt hại về vốn vay do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh,…
Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã vào cuộc rất sớm với nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN chỉ đạo các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữa nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid -19, từ đó tạo thuận lợi để khách hàng vay mới phục vụ sản xuất - kinh doanh. Từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 02 lần liên tiếp đều chỉnh giảm lãi suất điều hành tạo cơ sở để các TCTD giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.
Về vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Thống đốc thường trực cho biết: Thời gian qua, Chính phủ đã có những chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn. NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020. Tiếp theo đó, ngay trong tháng 01/2020, NHNN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có giải pháp hướng đến phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn.
Đặc biệt, Phó Thống đốc nhấn mạnh, hiện nay chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh là có thể tiếp cận được nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tài chính số cho người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà không cần có nhiều máy ATM. NHNN đang nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money), hướng đến đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo với hình thức chuyển tiền đơn giản, chỉ cần có điện thoại thông minh là đã có thể thanh toán, chuyển tiền.
Nông dân Kiều Viết Vân tới từ xã Ear Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk có nguyện vọng mong Chính phủ và ngân hàng cùng các TCTD khác xem xét sớm có giải pháp ưu tiên như: giảm lãi suất, coi hợp đồng bảo hiểm là điều kiện vay vốn và cho vay toàn bộ phí mua bảo hiểm.
Trả lời về vấn đề này, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Đặc thù của sản xuất nông nghiệp là thường xuyên gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, mất mùa. Vì vậy, NĐ55 đã quy định chính sách khuyến khích người dân mua bảo hiểm trong nông nghiệp. Tuy nhiên, đối với đề nghị coi hợp đồng bảo hiểm là điều kiện vay vốn, việc mua bảo hiểm nông nghiệp là cần thiết nhưng NHNN không có cơ sở để quy định hợp đồng bảo hiểm là điều kiện vay vốn bắt buộc nhằm tạo điều kiện cho TCTD và khách hàng được chủ động thỏa thuận trên cơ sở nhu cầu, điều kiện tài chính và khả năng mua bảo hiểm của từng khách hàng.
Về vấn đề tín dụng đen, sau phần trả lời của Bộ Công an về việc trấn áp tội phạm tín dụng đen, Thủ Tướng Chính phủ yêu cầu Phó Thống đốc Đào Minh Tú làm rõ hơn.
Phó Thống đốc cho biết thêm, đã có nhiều Hội nghị do ngành Ngân hàng phối hợp với các Bộ, ban, ngành tổ chức. Tháng 3/2018, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị và truyền thông rộng rãi để giúp bà con nhận diện thực chất tín dụng đen, từ đó phòng chống tín dụng đen và biết cách tiếp cận với nguồn tín dụng chính thức từ ngân hàng với mức lãi suất phù hợp. Đến nay, tình hình tín dụng đen giảm tích cực, tỷ lệ người dân sử dụng nguồn vốn tín dụng đen trước đây nếu là 100% thì giờ là 40%. Hiện nay, trên thực tế tín dụng đen núp bóng công ty tài chính hoạt động không hợp pháp để đánh lừa người dân cho vay với lãi suất cao. Các công ty tài chính hay các TCTD được cấp phép thì hoạt động theo khuôn khổ pháp luật, dưới sự kiểm tra, giám sát của NHNN.
Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vừa qua là giai đoạn rất thành công trong việc kiến tạo chuỗi giá trị nông sản của nước ta, khi Việt Nam tham gia ký kết hơn 15 Hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương với các đối tác trên thế giới, đặc biệt là 2 hiệp định lớn là: Hiệp định CPTPP với 11 nước Châu Á - Thái Bình Dương và Hiệp định EVFTA với Liên minh Châu Âu mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, chúng ta đã xuất khẩu được những lô hàng gạo, tôm, cà phê, dừa... đầu tiên vào châu Âu với thuế suất bằng 0% theo hiệp định thương mại tự do EVFTA. Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi chúng ta cũng chịu rất nhiều tác động, nhất là những ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Ngành Ngân hàng trao tặng 100 căn nhà tình nghĩa với tổng trị giá 7 tỷ đồng cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Thủ tướng yêu cầu sau Hội nghị này, các Bộ, ngành cần bắt tay ngay vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà bà con nông dân đã nêu tại Hội nghị. Thủ tướng hy vọng, lớp nông dân mới với kiến thức, ý chí, tư duy mới cùng tinh thần tự lực tự cường, đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ Hội nghị đối thoại, Thủ tướng cùng các Bộ, ngành cũng có buổi làm việc với Tỉnh ủy Đắk Lắk. Tại đây, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng và Thống đốc, ngành Ngân hàng đã trao tặng 100 căn nhà tình nghĩa, với tổng giá trị 7 tỷ VND cho bà con nghèo có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh.
QM (SBV)