[In trang]
Đại dịch Covid-19 - Một năm nhìn lại: Chăm lo cho người lao động từ trong khó khăn
Thứ ba, 12/01/2021 - 10:25
Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động.
Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động. Trong bối cảnh đó, các cấp công đoàn cả nước đã nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanhvà chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vượt qua khó khăn góp phần thực hiện “mục tiêu kép”của Chính phủ.
Đ/c Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khảo sát tình hình việc làm, công tác phòng chống dịch Covid-19 tại CTy Samsung Thái Nguyên (tháng 2/2020)
Chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19 thiết thực và bằng nhiều hình thức đa dạng.
Ngay từ khi dịch bệnh Covid - 19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 2 năm 2020, các cấp công đoàn cả nước, nhất là công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trong doanh nghiệp và tại cộng đồng. Lãnh đạo Tổng Liên đoàn đã trực tiếp đi nắm bắt tình hình, kiểm tra công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh, tặng quà và động viên người lao động tại một số tỉnh có ca lây nhiễm bệnh. Nhằm góp phần san sẻ phần nào khó khăn vất vả của đội ngũ nơi tuyến đầu chống dịch, Tổng Liên đoàn đã trao hỗ trợ 2 tỷ đồng tới cán bộ, chiến sỹ, các y bác sỹ, CNVCLĐ đang ứng trực tại các cơ sở y tế.Đã hỗ trợ 500 triệu đồng để động viên, tiếp sức cho đội ngũ y bác sỹ tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung khi dịch bùng phát trở lại.
Đặc biệt, ngày 22/5/2020, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn ban hành Quyết định 643/QĐ-TLĐ về việc hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19 từ nguồn tài chính công đoàn và các nguồn huy động xã hội khác. Tính đến ngày 09/12/2020, các cấp Công đoàn đã thực hiện việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hỗ trợ 656,937.6 tỷ đồng, trong đó, chi từ nguồn tài chính công đoàn là 428,971.5 tỷ đồng và chi từ nguồn xã hội hóa và người sử dụng lao động hỗ trợ là 227,966.1 tỷ đồng; chi từ Tổng Liên đoàn là 3,026 tỷ đồng, chi từ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương là 91,699.7 tỷ đồng, chi từ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là 145,795.9 tỷ đồng, chi từ cơ sở là 416,416 tỷ đồng.
Để kịp thời trang bị các phương tiện, thiết bị bảo đảm phòng chống dịch, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã sớm có chủ trương cho phép các cấp công đoàn sử dụng kinh phí hỗ trợ cho người lao động trong công tác phòng, chống dịch bệnh lây lan. Nhiều LĐLĐ tỉnh, thành phố, ngành đã chủ động trích ngân sách công đoàn để hỗ trợ kịp thời người lao động mua khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, xà phòng, nước muối sinh lý, vitamin C... để cung cấp miễn phí cho đoàn viên, người lao động. Đã có hàng trăm tỷ đồng và hàng triệu chiếc khẩu trang y tế, khẩu trang vải, nước rửa tay và xà phòng đã được các cấp công đoàn vận động hỗ trợ phòng chống dịch và phát miễn phí tới người lao động. Ở giai đoạn cao điểm của dịch, tổng số tiền quyên góp ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 trong hệ thống Công đoàn là 327,716 tỷ đồng.
Song song với việc tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người lao động tại nơi làm việc, khu nhà trọ, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động các cấp Công đoàn đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chính quyền để có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh; thương lượng với người sử dụng lao động để sắp xếp, bố trí các phương án lao động phù hợp, bảo vệ việc làm cho người lao động; tư vấn, hướng dẫn hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và trả lời thắc mắc của người lao động nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động, tránh xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Cuối tháng 7/202, khi dịch Covid-19 bắt đầu khởi phát trở lại, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và LĐLĐ tỉnh Quảng Nam, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn kịp thời chỉ đạo các cấp Công đoàn tích cực tuyên truyền, ổn định tình hình tư tưởng người lao động để họ yên tâm làm việc; trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động để đảm bảo tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc do bị cách ly hoặc do tiếp xúc gần các ca lây nhiễm... Các cấp công đoàn đã vận động, phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhiều hình thức đồng hành cùng người lao động như: lắp đặt cây ATM gạo, bán hàng giảm giá, phiên chợ 0 đồng; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ, điện, nước sinh hoạt cho đoàn viên, người lao động với số tiền hàng chục tỷ đồng.
CNLĐ ngành may - một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19
Chăm lo cho người lao động từ trong “căn cơ”
Không chỉ là các hoạt động trực tiếp, công tác tham gia xây dựng chính sách để bảo vệ, chăm lo cho NLĐ từ trong “căn cơ” đã được Tổng Liên đoàn tích cực tham gia. Trong đó, tích cực tham gia xây dựng và kiến nghị với Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 (Nghị quyết 42 và Quyết định 15); tham giavới Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn phòng chống lây lan dịch bệnh trong công nhân lao động như: Hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá của người lao động(Công văn số 1133/BYT-MT); Hướng dẫn phòng chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động (Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG). Cùng Bộ Y tế giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại Thái Nguyên, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, và Bình Dương nhằm khuyến cáo các doanh nghiệp đảm bảo tốt công tác an toàn vệ sinh tại nơi làm việc trong mùa dịch.
Tổng Liên đoàn đã ban hành Cùng với đó, ngày 18/3/2020, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Công văn 245/TLĐ về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 đến ngày 31/12/2020; Công văn số 771/TLĐ ngày 29/7/2020 về việc miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đối tượng đoàn viên công đoàn có thu nhập thấp hơn mức lương cơ sở.
Ngày 28 tháng 10 năm 2020, Tổng Liên đoàn cũng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (gói hỗ trợ lần 2). Theo đó, Tổng Liên đoàn đồng tình với đề nghị có chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn (phải thuê nhà hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi); chính sách giảm lãi suất vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm cho đối tượng là người lao động đang vay vốn; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động và một số kiến nghị bổ sung chính sách liên quan đến việc duy trì thẻ bảo hiểm  y tế cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tổng Liên đoàn cũng kịp thời ban hành Công văn số 1170/TLĐ ngày 29/10/2020triển khai thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng chính phủ để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, nhằm khắc phục khó khăn và động viên, hỗ trợ cho người lao động.
Có thể nói, dịch Covid-19 là một thử thách khó khăn đối với CNLĐ và hoạt động Công đoàn. Nhưng từ trong khó khăn đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới cho thấy sự quyết liệt trong đảm bảo an toàn, sức khỏe, chăm lo việc làm, đời sống cho CNLĐ của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Để thấy tin tưởng hơn “Ở đâu CNLĐ khó, ở đó có Công đoàn”.
ĐL