[In trang]
Lê Viết Lượng – Một trong những người thầy đầu tiên của ngành Ngân hàng
Thứ bảy, 20/11/2021 - 16:02
Nếu ai đã từng đến Học viện Ngân hàng ở 12 Chùa Bộc, Hà Nội thì không thể nào không dừng chân để ngắm nhìn bức tượng bán thân của cụ Lê Viết Lượng được tạc dựng từ năm 2001.
Nếu ai đã từng đến Học viện Ngân hàng ở 12 Chùa Bộc, Hà Nội thì không thể nào không dừng chân để ngắm nhìn bức tượng bán thân của cụ Lê Viết Lượng được tạc dựng từ năm 2001. Đây là công trình ghi nhớ vị cố Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam – người đã đặt nền móng cho ngành Ngân hàng Việt Nam. Không chỉ vậy, cố Tổng Giám đốc Lê Viết Lượng còn được biết đến với cương vị một người cộng sản chân chính, kiên cường, tài năng đức độ.
Bức tượng Cố Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Lê Viết Lượng
Lê Viết Lượng sinh năm 1900 tại làng Lương Điền (nay là xã Hậu Lộc) huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình trung nông nghèo nhưng giàu lòng yêu nước. Các cụ thân sinh đều tham gia phong trào Văn Thân chống đế quốc. Quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh lúc bấy giờ cũng sục sôi phong trào đấu tranh chống chế độ áp bức bóc lột, sưu cao thuế nặng. Vì thế, cậu thanh niên Lê Viết Lượng đã sớm bộc lộc lòng yêu nước thương nòi. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh học trò nghèo Lê Viết Lượng sau khi lấy bằng Pờ-ri-me (Primaire) năm 1919 đã không thể tiếp tục theo hết các bậc học ở ngôi trường danh tiếng Quốc học Huế mà phải bỏ nửa chừng về quê theo gia đình lên huyện miền núi Hương Sơn làm nghề sơn tràng. Ở đây Lê Viết Lượng vừa tự học vừa đi dạy học và âm thầm tham gia các tổ chức thanh niên tiến bộ, đến năm 1927 thì vào đảng Tân Việt, được phân công phụ trách các huyện Hương Khê, Đức Thọ, Can Lộc. Ngày 3/2/1930, thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam thì ngày 6/2/1930, ông được kết nạp vào Đảng và được giao nhiệm vụ làm xứ ủy trung kỳ phụ trách các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng. Ông trở thành một đảng viên Cộng Sản kiên cường ra sức tuyên truyền giác ngộ quần chúng, phát triển đảng viên.
Trong thời gian hoạt động dưới vỏ bọc của “Thầy trợ Lượng”, ông tích cực đi hoạt động cách mạng, phân phát tài liệu cho các liên lạc viên. Bọn mật thám theo dõi thầy từ lâu và đã đến giờ ra tay, cuối năm 1930, lúc bước lên cầu Bạch Hổ, thầy bị bọn mật thám bắt rồi còng tay giải về phòng tra xét hỏi của chánh mật thám Trung Kỳ. Mặc cho những lời đe dọa của bọn mật thám thầy vẫn khẳng định là mình bị bắt sai. Tra hỏi không được chúng chuyển sang tra tấn, đòn roi tới tấp đánh vào người, thân thể rỉ máu, thầy vẫn không khai - mở đầu một phẩm chất mới - người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Đồng chí Lê Viết Lượng từng bị thực dân Pháp bắt giam qua ba hỏa ngục trần gian từ Lao Bảo, Kon Tum đến Ban Mê Thuột. Ông trở thành người giữ kỷ lục bị cầm tù lâu nhất, đằng đẵng 15 năm từ năm 1930 với 3 bản án khổ sai chung thân. Trong những năm bị tù đày tàn khốc nhưng ông và các đồng chí đấu tranh kiên cường chống chế độ nhà tù hà khắc, tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho bính lính, tù nhân, công nhân... Trong kho tư liệu lịch sử của những chiến sĩ cộng sản bị tù đày, với cố Tổng Giám đốc Lê Viết Lượng, có bài thơ thật đau lòng “cho vợ đi lấy chồng”, thuận tình cho người vợ trẻ mới cưới trước ngày bị bắt, được đi lấy chồng khác: “Xa xôi ngàn dặm kiếp lênh đênh / Xin mượn lời thơ gửi chút tình / Vì nghĩa búa liềm dâng tính mệnh / Nên tình chăn gối phải hy sinh / Bách niên đành chịu sai lời hứa / Tái giá xin đừng giữ chữ trinh / Ân ái vẫn còn ghi chút đỉnh / Ra làm cách mạng cứu sinh linh”.
Năm 1945, Nhật, Pháp đánh nhau, ông vượt ngục về Nghệ An chuẩn bị khởi nghĩa. Lúc này phong trào Việt Minh nổi dậy khắp nơi, ông vui mừng phấn khởi hy vọng những ước mơ của mình đang được trở thành hiện thực. Được trả tự do giữa lúc nhân dân cả nước sục sôi chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền, ông quyết định chưa về quê mà lo tìm đến cơ sở, tiếp tục hoạt động cách mạng bằng cách bắt liên lạc với các cơ sở hoạt động của Đảng. Không thể có gì mừng vui hơn, Lê Viết Lượng được cử đi dự Hội Nghị Diên Hồng ở cây đa Tân Trào do chính Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc chủ trị hội nghị. Năm 1946, cụ được bầu Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Nghệ An, sau đó là Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Liên khu IV, thay Cụ Hồ Tùng Mậu ra Chiến khu làm Tổng Thanh tra Chính phủ. Cụ Lê Viết Lượng cũng là Đại biểu Quốc hội các khóa I, II. Năm 1951, ông lên chiến khu Việt Bắc, được Bác Hồ trực tiếp dặn dò ân cần giao nhiệm vụ cộng tác cùng cụ Nguyễn Lương Bằng chuẩn bị thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Tháng 5/1951, Ngân hàng Quốc gia Việt Namra đời, cụ Nguyễn Lương Bằng làm Tổng Giám đốc, cụ Lê Viết Lượng làm Phó. Từ 1952, cụ Lê Viết Lượng là Tổng Giám đốc NHQGVN cho tới năm 1963. Trong điều kiện rất khó khăn của cuộc kháng chiến và những năm đầu hòa bình lập lại, được Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo, cụ Lê Viết Lượng đã dồn hết tâm huyết, sức lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Ngân hàng, đạt được những thành công rất vẻ vang, góp phần vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Nhà cách mạng Lê Viết Lượng – Người đặt nền móng chocông tác đào tạo đội ngũ cán bộ ngành Ngân hàng
Cố Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Lê Viết Lượng đã để lại di sản vật chất và tinh thần rất quý báu cho ngành ngân hàng. Được Bác Hồ giao phó, được Đảng và Nhà nước tin cậy, ông đã xây dựng một nền tài chính tự chủ của một quốc gia độc lập. Một trong những viên gạch đầu tiên phải kể đến đó là công tác tổ chức đào tạo cán bộ cho ngành ngân hàng Việt Nam.
Ngay từ khi mới thành lập ngân hàng ở chiến khu, ông Lê Viết Lượng coi nhiệm vụ đào tạo và sử dụng cán bộ là chiến lược quan trong phát triển ngành ngân hàng. Ông đã đặt ra yêu cầu chọn cán bộ vào làm việc tại ngân hàng vừa có đạo đức phẩm chất tốt, vừa có chuyên môn sâu. Do số lượng nhân sự có nghiệp vụ ngân hàng không nhiều tại thời điểm đó, ông Lê Viết Lượng đã quyết định tất cả các cán bộ ngân hàng đều phải thay phiên đi học các khóa đào tạo về ngân hàng; từ đó,những lớp học đầu tiên về kế toán và tín dụng được ra đời ngay trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp quyết liệt nhất. Cùng với việc triển khai đào tạo cấp tốc, ông khuyến khích phát triển các hình thức đào tạo tập trung, tại chức, tự học, những ai học giỏi, tận tụy công tác được xem xét khen thưởng xứng đáng.
Bên cạnh đó, với tầm nhìn dài hạn nhằm đào tạo các thế hệ tương lai cho ngành ngân hàng, ông Lê Viết Lượng đã chỉ đạo xây dựng hệ thống trường học đảm bảo chất lượng, tiêu biểu như trường Nghiệp vụ Ngân hàng tại hội sở Ngân hàng Pháp Hoa – Hải Phòng, khu trường tại Chùa Bộc theo quy mô đại học – nay là Học viện Ngân Hàng tại Hà Nội, và thiết lập một loạt các trường nghiệp vụ sơ cấp, trung cấp, bổ túc văn hóa ở các tỉnh khu vực Bắc Ninh, Xuân La, Cổ Mễ, Trường Đào tạo cán bộ miền núi Bắc Thái...Với chủ trương đúng đắn và hành động quyết liệt, những thế hệ cán bộ nòng cốt đầu tiên vừa có phẩm chất tốt, vừa có chuyên môn sâu ra đời; phong trào thi đua học tập trong ngành Ngân hàng gây tiếng vang ngoài xã hội. Có thể nói, ngành Ngân hàng đã tiên phong trong lĩnh vực đào tạo. (Được Thủ tướng biểu dương, được Bộ Giáo dục đề nghị làm báo cáo về đào tạo cán bộ để làm đúc rút kinh nghiệm)
Truyền thống vẻ vang được nối tiếp để phát triển ngành Ngân hàng bền vững
Kỷ niệm 70 năm kể từ ngày Ngân hàng Quốc gia được tạo lập (1951 – 2021), ngành Ngân hàng đã có nhiều thay đổi, dưới tác động của những thành tựu về khoa học & công nghệ thông tin, quan hệ quốc tế và xu hướng toàn cầu hoá. Tuy nhiên, trọng tâm để Ngành phát triển bền vững vẫn là con người. Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng như hiện nay, con người cần có tri thức và kỹ năng; điều này đặc biệt đúng với ngành Ngân hàng do đặc điểm của Ngành chịu tác động của xu hướng quốc tế mạnh mẽ. Để có tri thức và kỹ năng thì không thể không qua đào tạo hoặc tự đào tạo. Như vậy, bài học về sự chú trọng đào tạo nhân sự của cố Tổng giám đốc Lê Viết Lượng cách nay 70 năm không chỉ đúng trong thời kỳ đó - thời kỳ đất nước còn chiến tranh, mà còn hoàn toàn phù hợp trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay. Sự hoạch định chiến lược nhân sự của nhà cách mạng Lê Viết Lượng không chỉ để lại bài học cho ngành Ngân hàng mà còn mang ý nghĩa xã hội rộng hơn.Nhận thấy tầm quan trọng của phát triển con người, Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị “đưa con người vào trọng tâm của quá trình phát triển. Con người là trung tâm của phát triển bền vững”…
Trong bối cảnh chung, Học viện Ngân hàng đã từng bước đổi mới theo hướng xây dựng nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục và đào tạo phù hợp chuẩn quốc tế và đặc thù Việt Nam;thực hiện đánh giá và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; liên kết hoạt động đào tạo và các đề tài nghiên cứu với các cơ sở giáo dục Việt Nam và trên thế giới;phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường đào tạo ngoại ngữ, phát triển kỹ năng,...Các thế hệ sinh viên, học viên của Học viện đã và đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong ngành và nền kinh tế, là bằng chứng sinh động và thuyết phục về sự nỗ lực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Tác giả: ThS. Nguyễn Thu Hương - ThS. Vương Linh Nhâm
Khoa Kinh doanh quốc tế - Học viện ngân hàng