[In trang]
Thu hút cán bộ giỏi vào làm công tác công đoàn
Thứ tư, 08/06/2022 - 14:42
​Ngày 7.6, Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động (Tổng LĐLĐVN) tổ chức Hội thảo Quốc gia dự báo phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam khi nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Ngày 7.6, Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động (Tổng LĐLĐVN) tổ chức Hội thảo Quốc gia dự báo phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam khi nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Hội thảo Quốc gia về dự báo phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam khi nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ảnh: Bảo Hân
Dự báo mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam 
Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Quốc gia “Nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong điều kiện nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” do TS Lê Cao Thắng - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công đoàn làm chủ nhiệm.  
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Anh Thơ - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động - cho biết, hội thảo được tổ chức với mong muốn các nhà khoa học, các cán bộ quản lý trao đổi và dự báo phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại thế hệ mới.  
Tại hội thảo, các nhà khoa học trình bày những báo cáo khoa học với các chủ đề: Dự báo mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam khi nước ta tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới; giải pháp đổi mới nội dung, phương thức công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; dự báo hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong điều kiện có nhiều tổ chức đại diện người lao động; sửa đổi, bổ sung pháp luật về lao động và công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới; dự báo, thời cơ và thách thức đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam khi thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; giải pháp đổi mới nội dung, phương thức công đoàn tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong các đơn vị doanh nghiệp; một số vấn đề cần quan tâm khi sửa đổi Luật Công đoàn trong bối cảnh hiện nay.  
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn  
Vấn đề nâng cao năng lực của cán bộ công đoàn được nhiều đại biểu đề cập đến trong các phần tham luận. PGS.TS Vũ Quang Thọ (nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn) cho rằng, Công đoàn Việt Nam cần nâng cao năng lực của đội ngũ thông qua chính sách đào tạo cán bộ công đoàn các cấp từ trung ương tới địa phương. Cùng với đó, cần xây dựng khung năng lực cán bộ công đoàn làm căn cứ để rà soát, sắp xếp lại đội ngũ và làm cơ sở có thể phát triển nguồn cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp.  
Ngoài ra, gắn việc nâng cao chất lượng đội ngũ với sử dụng, sắp xếp cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn các cấp, từ công đoàn cơ sở trở lên; chú trọng phát hiện các nhân tố mới trong công nhân lao động để bồi dưỡng, đào tạo thành các cán bộ công đoàn cơ sở và là nguồn cho đội ngũ công đoàn các cấp; chuyên trách hoá đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở. Những người này phải được đào tạo nghiệp vụ công đoàn, có kiến thức sâu về quan hệ lao động, kiến thức hội nhập quốc tế và có các kỹ năng tập hợp quần chúng trong hoạt động công đoàn.  
Ông Hoàng Văn Tình - Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra (Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang) nhấn mạnh, cần quan tâm thực hiện các chế độ chính sách và đề xuất cơ chế đãi ngộ phù hợp trong điều kiện cụ thể, nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn yên tâm công tác và thu hút cán bộ giỏi vào làm công tác công đoàn. 
Ở góc độ rộng hơn, PGS.TS Nguyễn Hữu Chí (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, trước mắt Công đoàn Việt Nam cần tập trung đổi mới phương thức tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, người lao động, nhất là công đoàn cơ sở; đa dạng hoá phương thức truyền thông, quảng bá, trong đó tập trung sử dụng hiệu quả mạng xã hội và các nhân vật công chúng; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động công đoàn theo hướng khoa học, kịp thời, thiết thực, cấp trên phục vụ cấp dưới, công đoàn cơ sở gắn bó và phục vụ đoàn viên, người lao động, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hướng mạnh về cơ sở, tăng cường phối hợp, coi trọng giám sát và phản biện xã hội, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động công đoàn.
Bảo Hân (Laodong.vn)