Thứ tư, 17/04/2024 | 04:54

Thứ tư, 17/04/2024 | 04:54

Kiến thức đời sống

Cập nhật lúc 15:01 ngày 26/01/2017

Năm Đinh Dậu tản mạn về tranh Gà

Gà là con vật rất gần gũi, thân thuộc với đời sống người dân Việt từ xưa đến nay. Trong thơ ca, hội họa, hình ảnh con gà xuất hiện nhiều, với những ý nghĩa biểu đạt rất đa dạng.

Dân gian có câu "Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc". Đó là 4 thú chơi tao nhã của người Việt xưa. Chưa xác định được chính xác thú chơi tranh dân gian ngày Tết của người Việt xuất hiện từ bao giờ (có quan điểm là vào thời Trần, 1225 - 1400, nhưng cũng có quan điểm là từ thời nhà Lý, 1010 - 1225). Chỉ biết thú treo tranh Tết của các gia đình Việt, nhất là ở vùng Bắc Bộ đã có từ lâu đời. Đây là một thú vui, một phong tục đẹp của người Việt. Trong các dòng tranh dân gian treo tết, tranh Gà là thứ khó có thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt xưa.

Trong bài thơ “Xuân” của nhà thơ trào phúng Tú Xương có câu thơ rất hóm hỉnh:

Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột

Om sòm trên vách bức tranh gà (1)

                          (Xuân - Tú Xương)

Chỉ 2 câu thơ mà Tú Xương lột tả được thần thái bức tranh Gà và thú chơi tranh Gà Tết của người Việt trong dịp Tết cổ truyền (những năm cuối thế kỷ XIX). Riêng bức “tranh gà” được tác giả biểu đạt 1 các tượng thanh "om sòm", gợi sự vui mắt, sinh động, rực rỡ sắc màu.

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ cũng đã vẽ “bức tranh” về phiên Chợ Tết cổ truyền ở nông thôn Việt Nam qua những câu thơ gợi không khí sôi động, háo hức, tươi vui và đầy màu sắc. Bên cạnh hình ảnh thầy khóa “hí hoáy viết thơ xuân”, cụ đồ đọc “vài hàng câu đối đỏ”, “anh chàng bán pháo dưới cây đa”, hay những mẹt cam đỏ chót, thúng gạo nếp, con gà trống mào thâm…, còn nổi bật hình ảnh:

Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà, 

Quên cả chị bên đường đang đứng gọi 

(Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ) (2)

Những năm đầu thế kỷ XX, nhà thơ Bàng Bá Lân cũng gợi hình ảnh đặc trưng Tết Việt trong những câu thơ giản dị:

Tết về nhớ bánh chưng xanh 

Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh Lợn - Gà

Nhớ cành đào thắm đầy hoa, 

Nhớ giây phút đợi giao thừa nghiêm trang

(Tết xưa - Bàng Bá Lân) (3)

Tết xưa, phần lớn các gia đình Việt thường treo các bức tranh dân gian thuộc nhiều đề tài để bày tỏ những ước vọng và lời chúc phúc trong dịp năm mới. Có những dòng tranh dân gian nổi tiếng ở Việt Nam như Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội), làng Sình (Huế). Dù dòng tranh nào thì đối với tranh dân gian treo tết cũng thường có màu sắc sặc sỡ, tươi tắn với mong ước đón chào một năm mới tốt lành.

Riêng với tranh Gà, người Việt vẫn quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức: văn, võ, dũng, nhân, tín. Đó là những đức tính rất cần có của một bậc quân tử. Gà cũng là biểu tượng của ước mong sung túc, con đàn cháu đống, đông vui, hạnh phúc. Nên tranh Gà là một lựa chọn một lời chúc phúc đầu xuân, thể hiện ước mơ cuộc sống no ấm. Điều này thể hiện rất rõ trong các bức tranh dân gian Đông Hồ với hình ảnh con gà được cách điệu, mang tính ước lệ cao.

Gà đàn (tranh Đông Hồ - sưu tầm)

 

Bức tranh Gà đàn thể hiện ước mơ của người nông dân là được con đàn cháu đống, gia đình đông vui, hạnh phúc.


Gà đại cát (tranh Đông Hồ - sưu tầm)

Bức tranh Gà đại cát thể hiện một lời chúc tụng và ước vọng cho một cuộc sống may mắn. Trong bức tranh “Gà Đại Cát”, gà được dân gian quan niệm vừa cấm quỷ, vừa cầu may.


Kê cúc (tranh Đông Hồ - sưu tầm)

Trong bức “Kê cúc”, hình ảnh gà trống oai phong, hùng dũng, một mình oai vệ ngẩng cao đầu, mào đỏ thắm, cựa sắc nhọn, ngực ưỡn, đuôi xòe... rõ ràng mang tới điềm lành, đại cát, nghinh xuân. 

Treo tranh Tết nói chung và tranh Gà nói riêng nhân dịp đầu Xuân là một phong tục đẹp, nhưng lâu nay cũng đã vắng dần. Mặc dù gần đây thú treo tranh Tết cũng đã trở lại ít nhiều, nhưng cũng không còn thuần nhất như thuở xưa. Bây giờ có nhiều lựa chọn hơn cho những bức tranh Tết, như tranh chơi tranh tranh đồng, tranh thêu, tranh khảm trai, tranh chạm khắc gỗ, tranh bột màu, sơn dầu hay sơn mài... Nhưng vẫn thấy thiếu vắng các bức tranh Gà như thời xưa từng “om sòm trên vách”.

Nhân tết Đinh Dậu 2017, những bức tranh Gà lại thấy xuất hiện trở lại, dù ít hay nhiều nhưng vẫn đượm màu dân tộc, với những nét vẽ phóng khoáng, rắn rỏi, vẫn đượm chất thơ với nét oai vệ, dũng mãnh của những chú gà trống rực rỡ sắc màu.

Các bức tranh gà tết của Hà Hoàng

Sự trở lại của tranh Tết là một lời khẳng định, thú chơi tranh Tết vẫn thực sự là một phần hồn của Tết Việt xưa - nay.

P.L

 



(1). Có bản ghi chép là “Đỏ lòm trên vách bức tranh gà”/ “Loẹt lòe trên vách bức tranh gà”
(2). “Chợ Tết” sáng tác năm 19393.
(3). “Tết xưa” sáng tác năm Đinh Dậu, 1957
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 1
  • 5
  • 4
  • 8
  • 3
  • 2
  • 8
lên đầu trang