Thứ sáu, 29/03/2024 | 14:07

Thứ sáu, 29/03/2024 | 14:07

Tin hoạt động ngân hàng

Cập nhật lúc 08:48 ngày 10/01/2018

Ngân hàng vừa là nguồn lực, vừa là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng đối với phát triển kinh tế trong năm 2017 tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2018 diễn ra chiều ngày 09/01/2018 tại Hà Nội và các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.


Năm 2017 là năm kinh tế Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ và toàn diện với 13 chỉ tiêu vượt mức kế hoạch đề ra. Tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,81% cao hơn mục tiêu 6,7%, lạm phát bình quân ở mức 3,53% thấp hơn mục tiêu 4% đề ra từ đầu năm, xuất siêu 2,7 tỷ đôla; xuất khẩu ước đạt 214 tỷ đôla, tăng 21%, trong đó nông nghiệp đã phục hồi và đạt trên 36 tỷ đôla. Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tốt với vị trí dẫn đầu tiếp tục là sản xuất công nghiệp, tăng khoảng 9,5%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng 14%. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, thể hiện ở năng suất lao động tăng khoảng 5,87%; chỉ số ICOR khoảng 5%. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo GII tăng 12 bậc. Kết quả này cho thấy chúng ta đã có một năm thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô với các chính sách chủ động và phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ, đặc biệt là giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng, tích cực của chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng với vai trò vừa là nguồn lực, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Thủ tướng đánh giá cao sự điều hành của NHNN năm qua thể hiện 5 mặt chính sau:

Thứ nhất, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, duy trì được sự ổn định của thị trường tiền tệ, tiếp tục kiểm soát được lạm phát ở mức 3,53%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác phát huy tác dụng. Từ đó tạo nền tảng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức thấp trong trung và dài hạn.

Thứ hai, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng được điều hành ổn định và diễn biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ xuất khẩu, thực hiện tốt mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính sách tỷ giá hợp lý đã giúp tăng nhanh quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước lên trên 53 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, góp phần huy động được nguồn lực ngoại tệ, củng cố vị thế, tăng tiềm lực và uy tín quốc gia, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư ngoài nước, ngưởi dân trong nước”.

Thủ tướng công khai khẳng định: “Nhà nước công khai bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người gửi tiền”

Thứ ba, ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế với tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2017 đạt trên 6,5 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 18%, tức là đã cung ứng thêm 1,2 triệu tỷ đồng nguồn vốn cho nền kinh tế trong năm 2017. Kết quả này đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra.

Cơ cấu tín dụng đã có sự chuyển dịch tích cực, vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai tích cực tạo động lực hỗ trợ trực tiếp cho các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... đều đạt mức tăng trưởng cao. Tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro (chứng khoán, bất động sản...) được kiểm soát tương đối tốt. Chính sách lãi suất được điều hành hợp lý. Lãi suất cho vay trong năm qua đã giảm 0,5-1% giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí vốn. Các ngân hàng cam kết sau Hội nghị này tiếp tục giảm tiếp 0,5%

Các chương trình tín dụng cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả và đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước, xây dựng nông thôn mới và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn.

Thứ tư, quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2 (2016-2020) được ngành Ngân hàng quan tâm triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ. Ngành Ngân hàng đã tích cực xây dựng, trình Chính phủ ban hành Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và chủ động đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý giúp đẩy nhanh quá trình này với 2 văn bản pháp lý quan trọng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4 là Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các TCTD.

Chính sách tốt sẽ làm cho hoạt động Ngành tốt, tiếp tục củng cố niềm tin đối với hệ thống ngân hàng, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Kết quả tái cơ cấu và xử lý nợ xấu bước đầu đã giúp hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì được sự ổn định, ngăn ngừa được nguy cơ gây mất an toàn hệ thống và từng bước cải thiện tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTMCP lành mạnh cải thiện chất lượng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó tiếp tục củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng và đóng góp thiết thực vào quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.

Khen ngợi ngành NH đối với những nỗ lực và kết quả năm qua, Thủ tướng nói: „Rất nhiều bông hoa đẹp đang ngồi trong Hội nghị này, chúc mừng các đồng chí“.

Thứ năm, công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, có ý nghĩa thiết thực tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Nhờ đó, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam đã tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN. Năm 2017 cũng là năm thứ hai liên tiếp NHNN dẫn đầu các Bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính.

Thứ sáu, công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, có ý nghĩa thiết thực tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN và người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Nhờ đó, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam đã tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN. Năm 2017 cũng là năm thứ hai liên tiếp NHNN dẫn đầu các Bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính.

Thứ bảy, hệ thống NHTM đã thực hiện các hoạt động an sinh xã hội rất kịp thời cho vùng khó khăn. Có những ngân hàng làm tới hàng chục trường học, làm hàng trăm ngôi nhà cho vùng bão lũ. Các ngân hàng đã chia sẻ lợi ích của mình cho người nghèo, vùng thiên tai bão lũ.

Năm qua, NHNN cũng đã làm tốt công tác cán bộ; Công tác truyền thông của NHNN cũng đã rất tốt, họp báo đều đặn để cung cấp thông tin cho xã hội về chủ trương điều hành CSTT, hoạt động ngân hàng để người dân hiểu rõ và nâng cao niềm tin đối với ngành Ngân hàng.

Với những kết quả tích cực đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương thành tích của ngành Ngân hàng.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề cần được ngành Ngân hàng tiếp tục quan tâm xử lý để đạt kết quả tốt hơn, như:

Mặc dù chất lượng tín dụng được cải thiện đáng kể nhưng chưa chủ động mạnh mẽ theo hướng thị trường để góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế; Quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD vẫn diễn ra chậm hơn so với yêu cầu. Một số TCTD còn thiếu mạnh dạn, thiếu quyết tâm trong việc giải quyết hạn chế yếu kém và xác định lộ trình, giải pháp thực hiện tái cơ cấu và chiến lược phát triển kinh doanh…

Để khắc phục những hạn chế tồn tại nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Ngân hàng đi tiên phong trong thực hiện phương châm hành động năm 2018 của Chính phủ với 10 chữ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” để hỗ trợ Chính phủ chương trình triển khai kinh tế - xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng, nhằm đạt được các mục tiêu năm 2018 và cả nhiệm kỳ.

Để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2018, Thủ tướng đồng ý với 8 chữ theo đề xuất của NHNN là “chủ động, an toàn, linh hoạt, hiệu quả” và đề nghị ngành Ngân hàng thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm: 

Thứ nhất, chính sách tiền tệ, tỷ giá phải tiếp tục được điều hành hiệu quả và kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để  thực hiện cho được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp và thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2018 cũng như trong trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ chính trị tổng quát, xuyên suốt của ngành Ngân hàng với vai trò chủ đạo để cùng với các Bộ, ngành thực hiện cho được mục tiêu chung của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi. Phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Phát huy vai trò chủ đạo của thị trường tiền tệ trong việc duy trì sự ổn định của thị trường tài chính, hỗ trợ thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Thứ hai, tín dụng ngân hàng cần tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện tích cực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Muốn vậy, tín dụng cần tiếp tục được mở rộng hợp lý và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển và tạo động lực cho tăng trưởng. Đồng thời, cần quan tâm phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng, tài chính vi mô để góp phần kích thích sản xuất phát triển. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

“Đề nghị NHNN tiếp tục vươn lên với tầm nhìn rộng lớn hơn thực hiện đúng chức năng về điều tiết kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo cho vay công bằng trong khu vực các lĩnh vực của nền kinh tế”, Thủ tướng nói.

Thứ ba, tập trung nguồn lực thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD lành mạnh củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, phấn đấu Việt Nam có một số ngân hàng có quy mô ngang tầm với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát của NHNN để phát hiện kịp thời và hạn chế tối đa những sai phạm, nhất là những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, các TCTD phải thực hiện nâng cấp về vốn, quản trị rủi ro và giám sát tài chính cho hệ thống ngân hàng trong nước theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

NHNN và các TCTD cần quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và vấn đề rủi ro đạo đức để có biện pháp quản lý hữu hiệu, hạn chế tối đa những sai phạm do cố ý làm trái gây ra.

Thứ năm, phát triển, ứng dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại để theo kịp xu hướng phát triển mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn để hạn chế những rủi ro, tiêu cực, tội phạm từ mặt trái của công nghệ số. Tiếp tục triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai thực hiện Đề án hoàn thiện khung phát lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Phải có thể chế để quản lý để đảm bảo an toàn.

Đẩy mạnh công tác truyền thông và làm tốt công tác giáo dục tài chính cộng đồng để nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng an toàn, hiệu quả.

Thúc đẩy các dự án nghiên cứu tăng khả năng ứng phó của hệ thống ngân hàng đối với rủi ro hệ thống.

Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ ngân hàng. Tạo điều kiện đầu tư kinh doanh phát triển, khuyến khích khởi nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.

Thủ tướng cũng đề nghị NHNN cần quan tâm tới phẩm chất cán bộ ngân hàng, đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất, siết chặt kỷ luật kỷ cương. Thủ tướng nhấn mạnh "Tất cả các cán bộ làm ngân hàng phải thực hiện phương châm mà Chính phủ đưa ra là  “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”".

Theo sbv.gov.vn

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 0
  • 7
  • 1
  • 8
  • 6
  • 8
  • 5
lên đầu trang