Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:50

Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:50

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 09:34 ngày 21/05/2018

Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân các KCN vùng Đồng bằng sông Hồng

Gặp gỡ với gần 1.000 cán bộ CĐ và CNLĐ các KCN Đồng bằng sông Hồng sáng 20.5 tại Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng, giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam sẽ vươn lên để có năng suất lao động (NSLĐ) tốt hơn, từ đó có phúc lợi tốt hơn, đúng như chủ đề của buổi gặp gỡ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) đối thoại với 1.000 công nhân các KCN vùng Đồng bằng sông Hồng ngày 20.5. Ảnh: SƠN TÙNG
Thủ tướng cho rằng, để được như vậy, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến, công nhân cần phải học tập để nâng cao trình độ, chất lượng lao động.
“Công nhân phải tự bảo vệ mình bằng tay nghề giỏi” - Thủ tướng nhắn nhủ.
Đánh giá cao tinh thần tự lực tự cường, biết nắm lấy cơ hội
Điểm mới trong buổi gặp gỡ lần này là, bên cạnh Thủ tướng, đại diện các ban, ngành, địa phương trực tiếp trả lời những vấn đề CNLĐ đặt ra liên quan đến lĩnh vực của mình.
Mở đầu buổi gặp gỡ, Thủ tướng bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến trực tiếp của công nhân (CN) một cách cởi mở, thẳng thắn để từ đó, Đảng, Nhà nước sẽ tháo gỡ, giải quyết những vấn đề bức xúc nhất đặt ra; hỗ trợ GCCN trong thời gian tới, để giai cấp này xứng đáng đóng vai trò lịch sử trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 sắp tới.
Thủ tướng nhấn mạnh: Kể cả có robot, tự động hóa, thì CN cũng đóng vai trò quan trọng, quyết định trong sự phát triển của đất nước.
Được sự khích lệ của Thủ tướng, các CN đã tự tin đặt những câu hỏi đến người đứng đầu Chính phủ. Một trong những vấn đề CN quan tâm là vấn đề NSLĐ, việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến.
Anh Đoàn Văn Vương (CN Cty Young One, KCN Hòa Xá, tỉnh Nam Định) bày tỏ, khi cuộc cách mạng này đến, việc làm trong lĩnh vực giày da, may mặc sẽ bị thu hẹp, vậy cần giải pháp gì để bảo đảm việc làm? Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ mang đến thách thức mà còn mang lại thời cơ.
Để vươn lên, theo Phó Thủ tướng, có nhiều giải pháp, trong đó CN cần phải tăng cường học hỏi để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể chuyển sang công việc khác.
Cũng trao đổi về vấn đề NSLĐ, Thủ tướng cho rằng, NSLĐ còn thấp, tất yếu dẫn đến thu nhập, đời sống, phúc lợi của NLĐ chưa cao. Do đó, CNLĐ phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng lao động, xây dựng ý thức kỷ luật lao động mới, nâng cao kiến thức pháp luật và tác phong công nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, góp phần nâng cao NSLĐ trong từng doanh nghiệp và sức cạnh tranh chung của nền kinh tế đất nước.
Thủ tướng đã hỏi ngược lại anh Đoàn Văn Vương: “Anh đã chuẩn bị gì cho cuộc cách mạng 4.0?”. Anh Vương chia sẻ, để tránh tình trạng bị mất việc làm, bản thân anh luôn tích cực học tập để nâng cao trình độ, tay nghề, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin để làm chủ máy móc; đồng thời nâng cao kỷ luật lao động để đảm bảo không bị mất việc làm, ngay cả khi robot, tự động hóa xuất hiện.
Chia sẻ với CN, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư - nhấn mạnh, NSLĐ không phụ thuộc hoàn toàn vào CNLĐ mà còn phụ thuộc vào việc tái cơ cấu nền kinh tế, tạo việc làm hơn nữa cho lực lượng lao động trẻ và CNLĐ không ngừng nâng cao năng lực để cải thiện tay nghề.
Tự vươn lên, học tập để vượt qua hoàn cảnh khó khăn, đạt được ước mơ của mình là câu chuyện của anh Vũ Xuân Đạt (CN Cty Kefico, Hải Dương). Từ một phụ hồ rồi vào làm Cty, với ước mơ làm chủ tri thức, Đạt vừa học vừa làm, thi được vào vị trí quản lý của Cty hiện nay, làm trưởng chuyền quản lý 80 CN.
Đạt chia sẻ, mình từng khát khao cháy bỏng được học tập và giờ, Đạt chỉ có một mong ước là có được chiếc máy tính mới thay cho chiếc máy tính đã dùng 10 năm qua.
Lắng nghe câu chuyện của Đạt, Thủ tướng xúc động cho rằng, câu chuyện này là điển hình của một tinh thần khát vọng vươn lên, tự hoàn thiện bản thân mình để nắm lấy cơ hội cho bản thân. Đáp ứng nguyện vọng của anh Đạt, Thủ tướng tặng anh bộ máy tính mới, giúp anh học tập, làm việc tốt hơn.
Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Tổng LĐLĐVN trao hỗ trợ 18 “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân lao động.Ảnh: SƠN TÙNG
Phải đảm bảo quyền lợi cho NLĐ ở DN có chủ bỏ trốn
Không kìm được lòng mình, chị Phạm Thị Nga chia sẻ, chị đang làm việc tại KCN Nguyễn Đức Cảnh. Trước đây, chị làm việc ở một Cty may mặc tại Tiền Hải (Thái Bình), nhưng sau đó ông chủ bỏ trốn khiến chị cùng nhiều CN bị nợ nhiều tháng lương cũng như bảo hiểm. Chị mong muốn Thủ tướng quan tâm để đảm bảo quyền lợi cho CN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, tinh thần của Chính phủ là phải đảm bảo quyền lợi cho NLĐ ở DN có chủ bỏ trốn. Trong trường hợp chủ bỏ trốn, không có khả năng trả nợ, thì Nhà nước xem xét dùng ngân sách để đảm bảo quyền lợi CN được tốt hơn.
Thủ tướng giao cho Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình kiểm tra lại trường hợp DN trên để giải quyết; đồng thời nhắn nhủ, các địa phương khi chọn các DN FDI đầu tư phải xem xét kỹ năng lực tài chính của những đơn vị này để không xảy ra tình trạng chủ DN bỏ trốn.
Tại cuộc gặp gỡ, CNLĐ còn nêu lên những vấn đề lớn, khó khăn khác đang gặp phải như: Nhà ở, trường học cho con, giải pháp của chính quyền các cấp để môi trường làm việc, bữa ăn ca được đảm bảo, không gây hại cho sức khỏe công nhân; vấn đề an ninh, an toàn ngoài khu vực hàng rào khu công nghiệp; việc sửa đổi Nghị định 49/2013 trong đó có việc bỏ và cắt giảm thang lương, bảng lương gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NLĐ, tạo kẽ hở để DN ép tiền lương của CĐ; vấn đề chênh lệch lương hưu giữa lao động nam và nữ; vấn đề CN hầm lò; vấn đề đóng và hưởng BHXH.
Các vấn đề này đã được Ủy viên T.Ư Đảng - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Ủy viên T.Ư Đảng - Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến; Thượng tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công an - trực tiếp trả lời.
Lắng nghe ý kiến trao đổi, trả lời những băn khoăn, khúc mắc của anh chị em CNLĐ, Thủ tướng yêu cầu các lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và DN trao đổi, giải đáp các vấn đề mà CNLĐ và cán bộ CĐ nêu ra. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành cần có giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ NLĐ.
Thu tiền điện, nước sinh hoạt giá cao hơn quy định là vi phạm pháp luật
Một vấn đề nóng đối với CN nhà trọ là giá điện. CN Nguyễn Thị Thanh Huyền (Cty TNHH NMS Việt Nam, Hà Nam) đặt câu hỏi với Thủ tướng về tình trạng NLĐ ngoại tỉnh thuê nhà trọ phải chịu tiền điện, nước theo giá kinh doanh, tức là giá cao hơn các hộ gia đình sinh hoạt.
Trước câu hỏi này, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn EVN - cho biết: Theo quy định, các khu nhà trọ được sử dụng giá điện sinh hoạt như giá điện bậc thang. Việc tăng giá là không đúng quy định pháp luật. EVN sẵn sàng phối hợp địa phương kiểm tra việc áp giá, các quy định của Chính phủ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo ông Thành, khi phải đóng tiền điện giá cao hơn quy định, NLĐ trong các khu nhà trọ có thể gọi trực tiếp đến số 19006768 để phản ánh và được giải quyết kịp thời.
Về vấn đề này, Thủ tướng khẳng định chủ nhà trọ lấy tiền điện cao hơn giá điện sinh hoạt đối với CN là vi phạm pháp luật và yêu cầu chính quyền địa phương phải kiểm tra thật nghiêm, chấn chỉnh tình trạng này.
***
Thủ tướng hoan nghênh những thành quả sáng tạo của người lao động Việt Nam
Sáng 20.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm 11 gian hàng trưng bày 33 sản phẩm “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Hồng”.
Tại các gian hàng, Thủ tướng hoan nghênh những thành quả sáng tạo của NLĐ Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ để những sản phẩm sáng tạo của người Việt phát triển, đồng thời bày tỏ mong muốn NLĐ tiếp tục có những sáng tạo, phát huy bàn tay tài hoa và khối óc để có nhiều sản phẩm chất lượng hơn nữa, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Trước đó, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải đã trao chứng nhận cho 33 sản phẩm và bằng khen cho Top 11 sản phẩm xuất sắc tham dự triển lãm “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Hồng năm 2018”.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Thanh Hải cho biết: “Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN rất tự hào về những sản phẩm tham gia triển lãm. Đây là những sản phẩm tiêu biểu chất lượng cao được tạo ra từ chính bàn tay và khối óc của NLĐ Việt Nam.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, tôi xin gửi lời cảm ơn đến các doanh nghiệp đã tạo điều kiện để NLĐ phát huy sáng kiến, sáng tạo; NLĐ Việt Nam hăng hái thi đua lao động sản xuất tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường có thể thay thế hàng nhập ngoại phục vụ nhân dân cả nước”. P.V
Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng CNLĐ cần phát huy tinh thần tự lực tự cường của giai cấp công nhân; phải tự học tập, tự rèn luyện, nắm bắt được cơ hội của cuộc cách mạng 4.0; luôn đi đầu trong phong trào cách mạng. Các DN phải áp dụng mạnh mẽ ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động.
DN phải quan tâm hơn nữa đến CNLĐ bởi đây chính là nguồn lực của DN, không có nguồn lực tốt thì không có DN tốt. Các bộ, ngành và địa phương cần có chính sách và giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ NLĐ. Do các thiết chế CĐ đều nằm ở các địa phương nên các địa phương phải cùng Tổng LĐLĐVN triển khai thiết chế CĐ, đem lại lợi ích cho CNLĐ.
Tại buổi đối thoại, Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Tổng LĐLĐVN trao tặng 65 suất học bổng và 18 “Mái ấm CĐ” cho các công nhân.
Tham dự chương trình gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với CN các tỉnh Đồng bằng sông Hồng còn có các đồng chí: Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư; Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH; Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KHĐT.
Đến dự chương trình còn có các đồng chí lãnh đạo 11 tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Về phía Tổng LĐLĐVN có các đồng chí: Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN; Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; và các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch LĐLĐ các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng. NHÓM PV
“Học bổng giúp tôi “gặt chữ” tốt hơn”
Đó là chia sẻ của anh Phạm Văn Dương (SN 1994, CN Cty TNHH Samsung Electronic Việt Nam, tỉnh Bắc Ninh) - một CN tham dự cuộc gặp với Thủ tướng. Anh cũng vinh dự được nhận học bổng do Thủ tướng đích thân trao tặng.
Anh Dương tâm sự: Học bổng này càng ý nghĩa với anh hơn, khi hiện nay anh đang vừa làm CN, vừa đi học cao đẳng. “Học bổng của Thủ tướng vì vậy càng thêm ý nghĩa đối với tôi, giúp cho việc “mưu cầu con chữ” của tôi được thuận lợi hơn; khiến tôi càng quyết tâm để thực hiện mục tiêu mình đã chọn” - anh Dương chia sẻ. TẤT THẢO
“Giấc mơ có một ngôi nhà đã trở thành hiện thực”
Tại buổi đối thoại, chị Phạm Thị Miền (SN 1983, Cty TNHH Sumidenso VN, Hải Dương) đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Tổng LĐLĐVN trao tặng “Mái ấm CĐ”. Chị Miền xúc động: “Đã bao năm nay, gia đình tôi mơ ước có một ngôi nhà vững chắc để mùa đông không lạnh, mùa hè thoáng mát.
Nay giấc mơ đó đã thành hiện thực bởi sự quan tâm, chăm lo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tổ chức CĐ. Sau khi có “Mái ấm CĐ”, tôi sẽ cố gắng hơn nữa chăm lo, chữa trị bệnh tật cho con gái và bản thân để có đủ sức khỏe làm việc, tăng thu nhập, cải thiện đời sống”. V.LÂM
Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - khẳng định: Tổ chức CĐ hứa với Thủ tướng sẽ chăm lo cho đoàn viên; đào tạo cho cán bộ CĐ; xây dựng nội lực CĐ đủ mạnh để thực hiện tốt vai trò của tổ chức CĐ trong tình hình mới. CĐ sẽ tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung hoạt động vì đoàn viên CĐ, CNLĐ; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục GCCN. Xin cảm ơn sự quan tâm sâu sắc, sát sao của Thủ tướng cũng như các bộ, ban, ngành, địa phương đến CNLĐ và tổ chức CĐ.
Nhóm PV (theo laodong.com.vn)

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 2
  • 7
  • 4
  • 5
  • 6
  • 5
lên đầu trang