Thứ sáu, 19/04/2024 | 23:03

Thứ sáu, 19/04/2024 | 23:03

Nghiệp vụ công đoàn

Cập nhật lúc 10:22 ngày 08/08/2018

Một số lưu ý đối với lao động nữ mang thai và nghỉ thai sản

Theo quy định của pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội hiện hành, khi sử dụng lao động nữ mang thai, ngoài việc thực hiện các nội dung, điều khoản ghi trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) đã ký kết, doanh nghiệp/NSDLĐ (NSDLĐ) và NLĐ (NLĐ) cần lưu ý một số nội dung sau:
Thứ nhất, NSDLĐ không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với lao động nữ khi mang thai:
- Căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 39 và Khoản 3, Điều 155 Bộ luật lao động năm 2012,  NSDLĐ không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do mang thai, nghỉ thai sản (trừ trường hợp NSDLĐ là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động).
- Căn cứ quy định tại Nghị định số 88/2015/NĐ-CP của Chính phủ, NSDLĐ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính nếu không trả hoặc trả không đủ tiền bồi thường cho NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật 
- Căn cứ quy định chi tiết tại Điểm e, Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ, NSDLĐ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng  nếu sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Thứ hai, lao động nữ mang thai được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ:
Căn cứ các quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 37, Điều 156 Bộ luật lao động năm 2012 và Điều 8 Nghị định số 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ, lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ (nhưng phải báo trước cho NSDLĐ).
Thứ ba, lao động nữ mang thai không phải làm thêm giờ hoặc đi công tác xa:
- Căn cứ quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 155 Bộ luật lao động năm 2012, NSDLĐ không được sử dụng lao động nữ làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa khi lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 (hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo).
- Căn cứ quy định chi tiết tại Điểm a, Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ, NSDLĐ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu sử dụng lao động nữ làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa thuộc một trong các trường hợp: Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Thứ tư, lao động nữ mang thai được chuyển làm công việc nhẹ hơn hay giảm bớt giờ làm việc:
- Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 155 Bộ luật lao động năm 2012, lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.
- Căn cứ các quy định chi tiết tại Điểm b và Điểm c, Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ, NSDLĐ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, nếu không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 đang làm công việc nặng nhọc theo quy định tại Khoản 2 Điều 155 của Bộ luật lao động; hoặc không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày.
Thứ năm, lao động nữ mang thai không bị xử lý kỷ luật lao động
- Căn cứ quy định tại Khoản 4, Điều 155 Bộ luật lao động năm 2012 về chế độ bảo vệ thai sản đối với lao động nữ, trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.
- Căn cứ quy định chi tiết tại các Điểm đ, Điểm e, Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, NSDLĐ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng  nếu xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp NSDLĐ là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
 Thứ sáu. lao động nữ được hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
Căn cứ quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định, trong thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thứ bẩy, thời hạn nộp hồ sơ và giải quyết chế độ đối với lao động nữ sau khi sinh con:
- Chế độ thai sản: Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày trở lại làm việc NLĐ phải nộp hồ sơ cho doanh nghiệp/NSDLĐ.
(Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của NLĐ, doanh nghiệp/NSDLĐ phải nộp cho cơ quan bảo hiểm).
- Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày NLĐ đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, đơn vị lập danh sách và nộp cho cơ quan BHXH.
(Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết và chi trả chế độ).
Thứ tám, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ thai sản
- Căn cứ Khoản 1, Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thì lao động nữ sau khi sinh có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh theo quy định (khi có đủ các điều kiện sau đây: Đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng sau khi sinh; phải báo trước và được NSDLĐ đồng ý).
- Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này.
Nguyễn Thái

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 1
  • 7
  • 6
  • 5
  • 4
  • 0
  • 2
lên đầu trang