Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:26

Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:26

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 12:04 ngày 03/09/2018

Giai cấp công nhân Việt Nam sẽ đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2.9.1945) đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Trong thắng lợi ý nghĩa đó, vai trò của công nhân (CN) và tổ chức công đoàn (CĐ) là rất to lớn.
          
Công nhân Cty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông làm việc trên dây chuyền điện tử hiện đại. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn An Ninh (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định:
- Cách mạng Tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, mang lại quyền làm chủ vận mệnh chính trị cho người Việt Nam. Độc lập cho dân tộc, tự do cho con người, những giá trị lớn ấy cũng là những động lực thúc đẩy toàn thể người Việt Nam cùng đứng lên làm cuộc giải phóng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Thêm vào đó, từ năm 1942, các tổ chức cứu quốc của Việt Minh đã được Đảng tổ chức thành lập ở nhiều tỉnh, thành. Đó là Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc và về sau có cả Công thương cứu quốc hội của các doanh nhân. Vì lẽ đó, Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng của toàn dân tộc, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam lúc đó, tuy lực lượng chưa đông đảo nhưng vì sự nghiệp chung của toàn dân tộc, như đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh “là lực lượng gan góc nhất, cách mạng nhất và luôn đi đầu trong đấu tranh”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng - đội tiền phong của GCCN và của dân tộc Việt Nam, cùng với khối đại đoàn kết toàn dân mà nòng cốt là các tổ chức yêu nước - cứu quốc, sức mạnh của GCCN Việt Nam đã được nhân lên nhiều lần.
Cũng cần thấy rằng, trước tháng 8.1945, đã có cả một cuộc vận động lớn của Mặt trận Việt Minh thu hút vào trong lòng nó rất nhiều lực lượng. Ngay từ năm 1942, các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh đã được thành lập và phát triển nhanh chóng ở khắp các tỉnh, thành phố, trong các nhà máy, trường học. Công hội cứu quốc - tên của tổ chức CĐ hồi đó đã có mặt trong khắp các nhà máy, hầm mỏ và các trường dạy nghề thợ. Những cái tên đã thành quen thuộc với lịch sử như Công hội của Nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội), Nhà máy sửa chữa ôtô AVIA, Nhà máy xe lửa Trường Thi ở Vinh (Nghệ An), ở các nhà máy, đồn điền ở Nam Bộ... đã cùng với các tổ chức cứu quốc khác của quần chúng cùng làm nên sức mạnh của cuộc giải phóng dân tộc.
Cùng với đội tiền phong của mình là Đảng Cộng sản, GCCN và tổ chức CĐ đã giương cao ngọn cờ dân tộc, đoàn kết mọi lực lượng để làm tròn sứ mệnh lịch sử giành độc lập dân tộc. Kinh nghiệm ấy đã thành bài học lịch sử của cách mạng Việt Nam thời hiện đại: Cách mạng do GCCN lãnh đạo nhưng sức mạnh lớn lao và mục tiêu cao nhất của nó bắt nguồn từ sức mạnh được tổ chức của toàn dân tộc ta.
Từ vai trò to lớn của lực lượng CN và tổ chức CĐ trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, PGS-TS kỳ vọng gì về vai trò của lực lượng này trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, nhất là khi đất nước đang tích cực hội nhập quốc tế, đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
- Tôi tin tưởng rằng, khi “GCCN trở thành dân tộc” (Các Mác) thì không có thách thức nào có thể ngăn cản nó trong quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử. Cách mạng Tháng Tám, cả dân tộc đã làm nên cuộc giải phóng thì hiện nay, cùng với cả nước, GCCN sẽ tiếp tục hoàn thành sự nghiệp phát triển theo định hướng XHCN. Là giai cấp đại diện cho tiến bộ xã hội, cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất, cho lý tưởng về một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh”, GCCN Việt Nam xứng đáng là giai cấp tiên phong của dân tộc.
Sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH càng đi vào chiều sâu thì chúng ta càng có dịp để khẳng định vị thế, vai trò của GCCN. Hiện nay, sự giàu mạnh của đất nước đang được xây dựng bằng trí tuệ và công sức của hàng chục triệu lao động công nghiệp và dịch vụ. Riêng 2 lĩnh vực này theo tính toán sơ bộ, hiện đóng góp cho GDP của nước ta khoảng 90% (công nghiệp và xây dựng 48,9%; dịch vụ 41,4%).
Hiện nay thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sẽ có rất nhiều đổi mới, nhưng bản chất của nó vẫn là sản xuất công nghiệp và hiển nhiên gắn liền với CN và công nghệ. Ở cách mạng công nghiệp lần thứ hai, dân tộc ta làm nên Cách mạng Tháng Tám. Ở cách mạng công nghiệp lần thứ ba, là sự nghiệp thống nhất đất nước và đổi mới. Không ai khác, chính GCCN Việt Nam sẽ đi đầu trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sát cánh cùng với nó là các giai cấp tầng lớp khác sẽ cùng làm nên một hình ảnh mới của Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Mỗi lần kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, lịch sử lại nhắc nhở chúng ta rằng, lợi ích vị thế của mỗi giai cấp bao giờ cũng gắn bó và được nâng lên khi nó gắn bó với lợi ích dân tộc trên con đường phát triển.
- Xin cảm ơn PGS-TS.
Theo congdoan.vn
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 1
  • 8
  • 0
  • 5
  • 9
  • 3
  • 0
lên đầu trang