Thứ năm, 18/04/2024 | 10:57

Thứ năm, 18/04/2024 | 10:57

Tin hoạt động ngân hàng

Cập nhật lúc 10:05 ngày 26/06/2019

Cải cách hành chính là hành trình không có điểm dừng để phục vụ người dân, doanh nghiệp”

Đánh giá cao kết quả Cải cách hành chính (CCHC) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong suốt nhiều năm qua, ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ coi đó là những cải cách “hiệu quả, mạnh mẽ và thực chất”, nhờ đó Ngành Ngân hàng đã 4 năm liền dẫn đầu các Bộ, ngành về chỉ số CCHC (Par-Index).
Nỗ lực để bứt phá
Thực hiện Quyết định 76/QĐ-BCĐCCHC về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2019 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ và Công văn số 16 của Ban Chỉ đạo về kế hoạch kiểm tra tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ngày 26/6/2019, Đoàn kiểm tra đã làm việc tại trụ sở NHNN.
Tham gia buổi làm việc có ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; ông Phạm Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; ông Nguyễn Thanh Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin Truyền thông; Bà Lê Thu Anh, phó chánh văn phòng Bộ Tư pháp. Về phía NHNN có Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, Thủ trưởng cơ quan hành chính NHTW; Lãnh đạo Văn phòng và các Vụ Cục chức năng của NHNN.
Bốn năm liền (2015 - 2018) dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) các bộ ngành (Par-Index) trong khi năm 2012 chỉ số này của NHNN xếp thứ 15 cho thấy những nỗ lực bứt phá không ngừng của NHNN trong công tác CCHC theo Nghị quyết 30c của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo sau đó về CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh. Song nó cũng đặt ra áp lực mới cho NHNN trong công tác CCHC.
Chính vì vậy, cuộc kiểm tra CCHC mà Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ tại NHNN hôm qua là cơ hội để NHNN nhìn lại chính mình qua những phân tích chia sẻ thẳng thắn của những nhà quản lý, chuyên môn đối với thực trạng CCHC cũng như những vấn đề cần khắc phục đẩy nhanh tiến độ CCHC thực hiện thành công Kế hoạch 2010 - 2020 theo Nghị quyết 30c/NQ-CP.
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ.
Chánh văn phòng NHNN, ông Phạm Đức Ấn báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, đồng thời cho biết: Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết xây dựng Chính phủ điện tử, trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, Thống đốc và Lãnh đạo NHNN luôn coi trọng, thể hiện tính quyết liệt, quyết tâm cao để chỉ đạo triển khai tất cả các mặt, các nội dung CCHC, TTHC trong toàn Ngành đảm bảo thực chất, hiệu quả và hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là hàng loạt các biện pháp để quán triệt nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng các đơn vị. Từ đó, NHNN đã xác định rõ các định hướng, mục tiêu và xây dựng kế hoạch CCHC hết sức cụ thể trong từng giai đoạn 5 năm và hàng năm để chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ trong toàn Ngành.
Thay mặt Đoàn Kiểm tra, ông Nguyễn Trọng Thừa nhận định: CCHC mạnh mẽ và thực chất của NHNN đã tương tác tích cực đến nền kinh tế với những thành quả rõ ràng: đẩy lùi lạm phát, ổn định tỷ giá; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu với 7 tỷ USD giá trị thanh toán trên ngày. Phó Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ phát biểu: “Nói đến đóng góp cho GDP người ta nhắc đến nông nghiệp, công nghiệp… nhưng ít ai biết đến ngành tín dụng NH đóng góp 10% GDP cả nước theo số liệu của Bộ kế hoạch và Đầu tư, chưa kể những tác động xã hội lớn khác như góp phần đẩy lùi tín dụng đen, đóng góp vào Kế hoạch phát triển doanh nghiệp của Chính phủ, tạo công ăn việc làm, góp phần ổn định nền kinh tế và hòa nhập với quốc tế”.
Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính của Ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chức năng nhiệm vụ của NHNN không chỉ là quản lý, mà còn bao gồm chức năng NHTW, chức năng quản lý hệ thống thanh toán…. là những nhiệm vụ gắn với hoạt động thường xuyên của nền kinh tế.
Dù còn khó khăn, vướng mắc, nhưng những kết quả ấn tượng mà ngành Ngân hàng đạt được đã được đánh giá cao, nhất là trong công tác chỉ đạo lãnh đạo điều hành của NHNN, đặc biệt là Thống đốc NHNN, cũng như kết quả cao trên cả 6 năm cải cách. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh: Trong giai đoạn cuối thực hiện Nghị quyết 30c và các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN cần phải làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ đã đặt ra, cơ cấu toàn diện tổ chức bộ máy theo quy định, đảm bảo tinh gọn, cải cách hệ thống tín dụng hiệu quả, hướng đến đáp ứng tiêu chuẩn khu vực. Ông kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục đi đầu trong việc hiện đại hóa, ứng cụng công nghệ, thực hiện Chính phủ điện tử. NHNN không chỉ theo dõi đánh giá sự hài lòng của các TCTD, người dân và doanh nghiệp về CCHC mà Thống đốc cần theo dõi sự hài lòng của người dân đối với các TCTD để thúc đẩy công tác CHCC của ngành tốt hơn, tiếp tục là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác CCHC.
Phó chánh văn phòng Bộ Tư pháp Lê Thu Anh đánh giá: NHNN đã làm rất tốt về công tác xây dựng thể chế, tập trung ban hành văn bản tháo gỡ vướng mắc thuộc quyền quản lý của NHNN. 6 tháng đầu năm 100% các văn bản ban hành đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật 2014- 2018.
Đại diện từ Văn phòng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Trà Lê cho biết: “Nếu các Bộ, Ngành khác là điều chỉnh cải cách kiểm soát thủ tục hành chính trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, thì NHNN mang tính đặc thù, điều chính các đối tượng quản lý là NHTM, TCTD, tuy nhiên, các TCTD này lại có rất nhiều các thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp, do đó, CCHC ở NHNN ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD thì còn phải đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các TCTD để tổ chức này thực hiện thủ tục với người dân và doanh nghiệp nhưng không tác đông bất lợi đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh cạnh. NHNN ý thức được vai trò của mình, thường xuyên chỉ đạo các TCTD cải cách không ngừng các thủ tục. Về đơn giảm hóa chế độ báo cáo, NHNN là một trong số ít các Bộ đã ban hành được Thông tư về vấn đề này trong năm 2018”.
CCHC là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn ngành Ngân hàng
Ghi nhận những đóng góp của các bộ ngành cho công tác CCHC, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết: “Trên cơ sở chỉ đạo chung và kết luận của Đoàn kiểm tra, NHNN sẽ tiếp thu và có chương trình kế hoạch khắc phục ngay những tồn tại trong năm nay. Xác định CCHC không có điểm dừng, NHNN định hướng sẽ triển khai sâu rộng, mạnh mẽ hơn nữa công cuộc CCHC để hòa nhịp cùng sự vận động không ngừng của nền kinh tế khoa học kỹ thuật, hoàn thành Kế hoạch CCHC giai đoạn 2010- 2020 và tạo nền tảng cho Kế hoạch CCHC giai đoạn tiếp theo và xa hơn nữa.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: câu chuyện CCHC không chỉ được NHNN triển khai mạnh mẽ trong nhiệm kỳ này của Chính phủ và gần chục năm trước đó từ Nghị quyết 30c, mà xa hơn nữa là cùng với quá trình đổi mới và cải cách của cả nước. CCHC được coi là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn ngành với người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo là Thống đốc NHNN. Từ đây, NHNN đã ban hành kế hoạch CCHC 5 năm, kế hoạch hàng năm điều chỉnh cho phù hợp với chỉ đạo Chính phủ và nhiệm vụ trọng tâm của Ngành ngân hàng triển khai đồng bộ và quyết liệt trong toàn ngành. Ngay sau các cuộc họp, hội nghị của Chính phủ liên quan đến CCHC, Thống đốc đều triển khai sâu rộng đến Ban lãnh đạo NHNN và các vụ cục đơn vị chức năng NHNN để triển khai thực hiện. Đây cũng là một nôi dung họp giao ban của NHNN định kỳ với yêu cầu phải thực chất và có hiệu quả, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Thủ trưởng cơ quan hành chính NHTW cho biết.
“4 năm đứng đầu Par-Index, không đến từ kết quả của việc “ganh đua” thứ bậc mà là mong muốn của Ban lãnh đạo NHNN là phải làm tốt hơn vì đã ở vị trí đứng đầu thì phải làm cho xứng đáng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ. Sự quyết liệt này có thể thấy rõ trong việc NHNN đưa kết quả CCHC là một trong các tiêu chí xếp loại lãnh đạo các đơn vị. NHNN cũng chuyên biệt hóa công tác CCHC với 1 phòng chức năng riêng để kịp thời tham mưu chuyển hóa các chỉ đạo của chính phủ thành các kế hoạch hành động trình mưu trình ban lãnh đạo các văn bản chỉ đạo điều hành công tác CCHC cũng như giám sát việc triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời theo kế hoạch.
Thoa Lê. Ảnh: Mạnh Thắng (theo SBV)

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 1
  • 6
  • 4
  • 8
  • 0
  • 2
  • 0
lên đầu trang