Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:11

Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:11

Công tác nữ công

Cập nhật lúc 17:11 ngày 06/03/2020

Ý nghĩa lịch sử của Phụ nữ Việt Nam và Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Trong hàng ngàn năm lịch sử, phụ nữ giữ vai trò quan trọng và hiển nhiên, họ cũng là những người chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất, họ là những người lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, những người gìn giữ giống nòi, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và là người sản sinh ra những thế hệ anh hùng.
Vào đầu Công nguyên, Hai Bà Trưng nổi dậy chống xâm lăng và lời thề xuất quân của Hai Bà Trưng như vẫn còn vang vọng đâu đây: “Một xin rửa sạch thù nhà/ Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng/ Ba kẻo oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”. Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên do phụ nữ lãnh đạo trong lịch sử dân tộc VN đánh đuổi giặc Hán ngoại xâm, giành lại chủ quyền dân tộc và lập nên 1 nhà nước vương triều độc lập.
Hai Bà Trưng là tên gọi chung của hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị. Hai Bà là những thủ lĩnh khởi binh chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh và Trưng Trắc tự phong là Nữ vương với tên gọi Trưng Nữ vương. Sau khi cuộc khởi nghĩa này bị quân Đông Hán đánh bại. Vì không chịu khuất phục, Hai Bà Trưng đã gieo mình xuống dòng sông Hát Giang tuẫn tiết. Cũng bởi ý chí anh hùng hào kiệt mà trải qua hàng ngàn năm về sau, sự nghiệp và danh tiếng của Hai Bà mãi mãi còn lưu danh.
Có thể khẳng định rằng ở mỗi trang sử hào hùng của dân tộc ta đều có vai trò đóng góp vô cùng quan trọng của người phụ nữ, với lòng dũng cảm, sự khéo léo thông minh ý chí kiên cường và trái tim nhân hậu. Không chỉ là lực lượng quan trọng trong lao động sản xuất, phụ nữ còn có khả năng tham gia quản lý xã hội và tổ chức hậu cần, xây dựng hậu phương trong các cuộc kháng chiến như: Thái hậu Dương Vân Nga (thế kỷ X) đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích gia đình, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê, góp phần bảo vệ nền độc lập dân tộc, chiến thắng quân Tống xâm lược; Nguyên phi Ỷ Lan(thế kỷ XI)– 2 lần làm Nhiếp chính (thay vua điều hành triều đình), giữ hậu phương vững chắc để chồng (Vua Lý Thánh Tông) yên tâm đánh giặc và giúp con (Vua Lý Nhân Tông) sử dụng người tài, quản lý đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc; Bà Lý Thị Châu (Bà chúa Kho) vào thế kỷ XIII đã chỉ huy quân sĩ bảo vệ kho lương thực, nhu yếu phẩm, lo việc hậu cần cho binh sỹ, để chồng yên tâm ra trận mạc…
Trên thế giới, vào những năm đầu thế kỷ 20, năm 1908, 15.000 người phụ nữ diễu hành trên khắp đường phố của TP NewYork để đòi quyền bầu cử, chấm dứt tình trạng ngược đãi công nhân và bóc lột sức lao động trẻ em. Khẩu hiểu của họ là Bánh mỳ và Hoa. Bánh mỳ tượng trưng cho việc đảm bảo kinh tế gia đình, Hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn. Để có được Bánh mỳ và Hoa là cả một cuộc chiến đấu bền bỉ, lâu dài, lặng lẽ của hàng triệu phụ nữ trên toàn thế giới và bắt đầu từ trước đó hơn 50 năm, từ ngày 8/3/1857, khi những nữ công nhân dệt ở NewYork diễu hành biểu tình, chống lại 12 giờ làm việc mỗi ngày và điêu kiện làm việc tồi tàn dành cho họ.
Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế lần thứ 2 họp tại Thủ đô Co-pen-ha-gen (Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày "Quốc tế Phụ nữ", ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ thế giới với khẩu hiệu: Ngày làm 8 giờ; việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau và Bảo vệ bà mẹ, trẻ em.
Và mặc dù, năm 1910 là năm quyết định lấy ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, nhưng phải đến năm 1975, tức là 65 năm sau đó, Liên hiệp quốc mới bắt đầu chú ý và tổ chức Ngày Quốc tế phụ nữ. Năm 1977 LHQ quyết định mời các nước dành 1 ngày để nói lên quyền lợi của phụ nữ và hòa bình thế giới. Và ngày 8/3 được chọn để trở thành ngày lễ chung cho nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Hơn 100 năm qua, cùng với sự phát triển chung của xã hội, nội dung ngày quốc tế phụ nữ 8/3 không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng mà được mở rộng thêm nhiều khái niệm mới: khái niệm về sự "phát triển", khái niệm những vấn đề về "Giới"…. Liên hiệp quốc đã tổ chức những sự kiện với quy mô toàn thế giới hướng tới mục tiêu Bình đẳng- Phát triển- Hòa bình vì sự tiến bộ của phụ nữ. Riêng ở Việt Nam, chúng ta đã phê chuẩn và ký kết tất cả các công ước và chương trình quốc tế như công ước CEDAW xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, công ước của ILO về phân biệt đối xử trong công việc, công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị,… và kêu gọi các quốc gia nâng cao số lượng lãnh đạo nữ. Các văn kiện quốc gia cũng đã đặt ra mục tiêu, xác định trách nhiệm và cung cấp ngân sách dành cho nội dung này. Theo báo cáo phát triển con người Liên hiệp quốc thì từ năm 2011, VN đã đạt được tiến triển trong thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới. Chúng ta đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Nghị định quy định các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới, các luật như: Luật bình đẳng giới và gần đây nhất Luật Hôn nhân và gia đình được sửa đổi và có hiệu lực từ 1/1/2015. Có thể nói, đây là thời điểm mà các quyền của phụ nữ được quan tâm và đề cập đến nhiều nhất trong lịch sử.
Tiếp nối truyền thống đó, phụ nữ Việt Nam chúng ta hôm nay, trong hòa bình và thời kỳ đổi mới hội nhập cũng thành danh trong nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, luôn xứng đáng với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã trao tặng: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang.
Đối với ngành Ngân hàng của chúng ta, được coi là huyết mạch của nền kinh tế, với tỷ lệ lao động nữ chiếm gần 60% tổng số CNVCLĐ toàn Ngành, Chị em nữ có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, và dù ở lĩnh vực nào, chị em cũng thể hiện được vai trò vị trí của mình và có những đóng góp không nhỏ cho thành công chung của Ngành.
Theo báo cáo Vì sự tiến bộ của Phụ nữ, 100% các đơn vị trong ngành Ngân hàng có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên; 100% đơn vị trong ngành có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỷ lệ nữ chiếm khoảng 42% trong tổng số cán bộ tham gia cấp ủy; tỷ lệ cán bộ nữ được đưa vào quy hoạch trong toàn ngành là 44%. Tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo đã tăng từ 45,3% (giai đoạn 2016-2021) lên 66,5% (giai đoạn 2021-2026). Điều đó cho thấy sự quan tâm to lớn của BCS Đảng, BLĐ NHNN đối với cán bộ nữ có năng lực, trình độ để tạo nguồn cán bộ bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong tương lai.
Ở mọi lĩnh vực hoạt động, từ vị trí lãnh đạo quản lý điều hành đến công việc nghiệp vụ trực tiếp, đội ngũ đoàn viên lao động nữ ngành Ngân hàng luôn thể hiện được trình độ, năng lực và trí tuệ của mình. Trong quá trình triển khai công việc, các chị đã thể hiện được sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chỉ đạo điều hành kinh doanh có hiệu quả, tạo lập sự tin cậy trong đội ngũ cán bộ nhân viên, tập hợp được sức mạnh tập thể, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Đối với hoạt động nghiệp vụ như tín dụng, dịch vụ khách hàng, kho quỹ, tài chính kế toán, tổ chức nhân sự, công nghệ thông tin, văn phòng hành chính,... hay hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hoạt động Đảng, Đoàn thể,... dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, chị em cũng luôn nỗ lực làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bằng sự năng động, sáng tạo nhưng cũng rất cẩn trọng và hiệu quả. Toàn ngành có gần 90% chị em nữ đạt danh hiệu phụ nữ 2 giỏi cấp cơ sở, hàng vạn lượt chị em được khen tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng các cấp.
Hà Hạnh
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 0
  • 7
  • 1
  • 0
  • 0
  • 4
  • 5
lên đầu trang