Thứ năm, 25/04/2024 | 18:52

Thứ năm, 25/04/2024 | 18:52

Tin hoạt động ngân hàng

Cập nhật lúc 10:53 ngày 29/04/2020

Điều kiện, thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động do đại dịch COVID-19

Tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ảnh minh họa

Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, trình tự hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đối với: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; Hộ kinh doanh; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội; Người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Riêng hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động, Quyết định quy định rõ điều kiện vay vốn như sau: (i) Có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020; (ii) Đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc; (iii) Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.

Quyết định quy định rõ, trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội và Quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội phê duyệt cho vay. Trường hợp không cho vay thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến người sử dụng lao động. Việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện đến hết ngày 31/7/2020.

Nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho người sử dụng lao động vay theo Quyết định này là nguồn vay tái cấp vốn không có tài sản đảm bảo, lãi suất 0%/năm từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Ngân sách nhà nước cấp phí quản lý đối với các khoản cho vay theo quy định tại Quyết định này theo quy định hiện hành về cơ chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đến kỳ trả nợ, nếu người sử dụng lao động vay vốn không trả được nợ thì Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển toàn bộ dư nợ còn lại của khoản vay sang nợ quá hạn và áp dụng lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm. Số tiền lãi quá hạn thu hồi được giảm trừ vào chi phí quản lý của Ngân hàng Chính sách xã hội được ngân sách nhà nước cấp hàng năm.

Sau 03 năm kể từ ngày khoản nợ vay của người sử dụng lao động bị chuyển nợ quá hạn, sau khi Ngân hàng Chính sách xã hội đã áp dụng mọi biện pháp mà không thu hồi được nợ và người sử dụng lao động không còn khả năng trả nợ do các nguyên nhân được quy định trong quy chế xử lý rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Chính sách xã hội tổng hợp, lập hồ sơ xử lý rủi ro theo hướng dẫn và báo cáo NHNN. NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan địa phương tổng hợp, xem xét, quyết định xử lý rủi ro.

Trường hợp Ngân hàng Chính sách xã hội thu hồi được khoản nợ đã được xóa thì số thu hồi được giảm trừ vào chi phí quản lý của Ngân hàng Chính sách xã hội được ngân sách nhà nước cấp hàng năm.

Quyết định cũng nêu nêu rõ, NHNN quyết định xử lý rủi ro đối với khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội theo điểm b khoản 3 Mục IV Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.

Theo sbv.gov.vn

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 2
  • 4
  • 0
  • 9
  • 9
  • 0
lên đầu trang