Thứ năm, 18/04/2024 | 14:11

Thứ năm, 18/04/2024 | 14:11

Tin hoạt động ngân hàng

Cập nhật lúc 10:38 ngày 23/11/2020

Thi đua: Động lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị ngành Ngân hàng

Giai đoạn 2015 - 2020, toàn ngành Ngân hàng đã chủ động, linh hoạt, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng GDP 6,78%/năm từ 2016 - 2019. Đóng góp vào thành công chung đó, công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) ngành Ngân hàng có nhiều đổi mới, góp phần động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (CBCNV) toàn Ngành thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trước thềm Đại hội thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VIII, Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Kim Anh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng TĐKT ngành Ngân hàng.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh
Nếu nhắc tới những thành quả nổi bật qua việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước ngành Ngân hàng giai đoạn 2015 - 2020, đó là gì thưa Phó Thống đốc?
Có thể nói, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, giai đoạn 2015 -2020, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về tiền tệ, ngân hàng; động viên, khích lệ đội ngũ CBCNV trong toàn Ngành phát huy tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Điểm đầu tiên cần phải nhắc tới đó là NHNN tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng dần phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. NHNN cũng đã rất chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, NHNN đã điều hành tín dụng phù hợp chỉ tiêu định hướng, song hành với nâng cao chất lượng tín dụng, cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên là động lực cho phát triển kinh tế; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Một trong những thành tựu giai đoạn 5 năm qua là thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thị trường được đảm bảo, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Việc triển khai quyết liệt công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả quan trọng, hệ thống ổn định, an toàn, quy mô và năng lực tài chính của các TCTD ngày càng được nâng cao. Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả. Nội dung, cách thức thanh tra tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện theo hướng thanh tra pháp nhân, gắn kết chặt chẽ với công tác giám sát.
Một điểm nhấn trong giai đoạn 5 năm qua được xem là dấu ấn quan trọng, đó là hoạt động thanh toán đã có bước phát triển vượt bậc cả về lượng và chất với sự đa dạng về sản phẩm, dịch vụ thanh toán, công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán được tăng cường. NHNN đã mạnh dạn triển khai thí điểm các phương thức, mô hình thanh toán mới, nghiên cứu bổ sung các quy định pháp lý phù hợp với các sản phẩm, phương thức thanh toán mới đó nhằm tận dụng tối đa những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 được ứng dụng vào hoạt động ngân hàng.
Công tác cải cách thủ tục hành chính của NHNN giai đoạn vừa qua cũng đã đạt được nhiều thành tích, nhờ đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng. Từ năm 2015 - 2019, NHNN luôn xếp thứ nhất về chỉ số Par-Index trong số các bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Tựu chung lại, xét về tổng thể, giai đoạn 2015 - 2020 ngành Ngân hàng đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; khẳng định được vai trò là huyết mạch của nền kinh tế; được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Kết quả đó là nền tảng vững chắc cho việc phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Những thành tựu trên có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019
Phó Thống đốc có thể chia sẻ rõ hơn về công tác TĐKT ngành Ngân hàng thời gian qua?
Trước hết, phải khẳng định rằng, công tác TĐKT đã trở thành động lực phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Ngành. Bên cạnh việc hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, trong 5 năm qua, với chủ đề xuyên suốt là “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng phát huy truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn thách thức, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngành Ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020”, các phong trào thi đua được các đơn vị trong Ngành triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn.
Các đơn vị thuộc NHNN đã triển khai nhiều phong trào thi đua với nội dung tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn, như xây dựng cơ chế, chính sách; cải cách thủ tục hành chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng; văn hoá công sở, đạo đức của CBCNV, tiêu biểu như “Hậu cần vững chắc, chủ động sáng tạo, phát huy trí tuệ, quyết tâm vượt mọi khó khăn thi đua thực hiện xuất sắc nhiệm vụ”; “Cơ quan văn minh hiện đại, cán bộ công chức công tâm, chuyên nghiệp”… Các phong trào này đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của các cơ chế, chính sách mà NHNN đã ban hành và triển khai.
Phong trào thi đua của các đơn vị thuộc khối TCTD cũng trở thành động lực thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch kinh doanh hàng năm của từng đơn vị, tạo sức mạnh tổng hợp hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành. Có thể kể tới như phong trào “Phát huy sáng kiến cải tiến nghiệp vụ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ”, “Lao động giỏi - sáng tạo - quản lý tốt”, “Thi đua thực hiện thành công tái cơ cấu ngân hàng, thi đua thực hiện chuyển đổi thành công mô hình hoạt động kinh doanh, thi đua nâng cao chất lượng quản trị rủi ro”, “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”, “Đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại”, “Đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn”... Nhờ đó đã ghi dấu với một số thành tựu nổi bật: quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng (cuối tháng 6/2020, tổng tài sản đạt 12,85 triệu tỷ đồng, tăng 51,1% so với cuối năm 2016); năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; chất lượng quản trị, điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao. Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM được đầu tư, nâng cấp, hoạt động an toàn, hiệu quả; các giải pháp tái cơ cấu TCTD đạt được kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì dưới 3%...
Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” được coi là phong trào xuyên suốt trong giai đoạn 2016 - 2020 của các đơn vị làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Ngành. Việc triển khai phát động và duy trì thường xuyên các phong trào thi đua tạo bước đột phá trong công tác khen thưởng như: Cuộc vận động mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; cuộc vận động “Hai không”: nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu của xã hội; Đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng tài liệu, giáo trình, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học... đã động viên đội ngũ cán bộ, giảng viên sáng tạo thi đua dạy tốt, công tác tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính của khối đào tạo qua mỗi năm học.
Phong trào thi đua do các tổ chức đoàn thể, đơn vị trong Ngành như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam… cũng đã khơi dậy được tinh thần tự chủ, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên trong các đơn vị; phát huy tinh thần sáng tạo, khắc phục khó khăn, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều mô hình mới, sáng tạo, nhiều điển hình tiên tiến được suy tôn, tạo sự lan tỏa… Cùng với các phong trào thi đua công tác xét khen thưởng cũng đi vào thực chất hơn, trở thành đòn bẩy trong thực hiện nhiệm vụ được giao, phát huy được trí tuệ của toàn thể CBCNV toàn Ngành. Khen thưởng chính là nguồn động viên kịp thời các tập thể, cá nhân, đặc biệt là các tập thể nhỏ và cá nhân là người lao động trực tiếp đã lập được thành tích, đóng góp cho sự phát triển chung của ngành Ngân hàng.
Với những thành tích đã đạt được, phương hướng công tác TĐKT ngành Ngân hàng giai đoạn tới là gì, thưa Phó Thống đốc ?
Phát huy kết quả đã đạt được của công tác TĐKT giai đoạn 2015-2020, với chủ đề “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng phát huy truyền thống 70 năm đoàn kết, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngành Ngân hàng giai đoạn 2021 - 2025”, công tác TĐKT ngành Ngân hàng giai đoạn tới cần đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện.
Cụ thể, tiếp tục đổi mới công tác TĐKT, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức từ cấp ủy Đảng, lãnh đạo, thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị qua đó tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước và công tác TĐKT. Chủ động nghiên cứu, tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực hiện công tác TĐKT. Triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN phát động; đặc biệt là phòng trào “Cán bộ ngân hàng rèn đức, luyện nghề, sáng tạo, lập thành tích chào mừng 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam”.
Tôi cho rằng để các phong trào thi đua đạt hiệu quả cao cần xác định rõ chủ đề, nội dung và biện pháp tổ chức thực hiện; tiêu chí đánh giá thi đua bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Ngành, từng đơn vị; gắn các phong trào thi đua với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển 5 năm (2021 - 2025) của Ngành. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo nguyên tắc “chính xác, công khai, công bằng, kịp thời”. Thi đua thực sự phải là động lực, là biện pháp quan trọng xây dựng con người mới; kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Trong quá trình triển khai TĐKT cần chú trọng phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt tạo không khí thi đua sôi nổi nhằm cổ vũ và phát huy tối đa khả năng, phẩm chất tốt đẹp của CBCNV trong toàn Ngành. Tăng cường kiểm tra công tác TĐKT để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế góp phần thực hiện hiệu quả công tác TĐKT thời gian tới.
Giai đoạn 2021 - 2025, công tác TĐKT cần tiếp tục đổi mới, bám sát mục tiêu, chiến lược của Ngành; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với công tác TĐKT; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền với phương châm: Đảng lãnh đạo, chính quyền trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra, các đoàn thể phối hợp thực hiện.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người người thi đua, ngành ngành thi đua” và “Càng khó khăn càng phải thi đua”, toàn thể CBCNV ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy truyền thống thi đua yêu nước, đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025.
Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!
Minh Khôi thực hiện (TBNH)

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 1
  • 6
  • 5
  • 7
  • 2
  • 7
  • 0
lên đầu trang