Thứ năm, 25/04/2024 | 15:49

Thứ năm, 25/04/2024 | 15:49

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam

Cập nhật lúc 10:05 ngày 22/03/2021

70 năm - Một chặng đường vẻ vang (Kỳ cuối): Khẳng định vai trò huyết mạch của nền kinh tế

Giai đoạn 10 năm qua (2011-2020), đã có nhiều dấu mốc, sự kiện làm thay đổi rõ nét diện mạo của hệ thống Ngân hàng Việt Nam.
Tái cơ cấu hướng tới phát triển bền vững
Một trong những điểm nhấn trong 10 năm qua là việc ngành Ngân hàng trải qua hai giai đoạn tái cơ cấu hệ thống TCTD: giai đoạn 2011-2015 (Đề án 254) và giai đoạn 2016-2020 (Đề án 1058).
Quá trình triển khai Đề án 254 được thực hiện trong điều kiện có nhiều yếu tố không thuận lợi nhưng sau 4 năm, các mục tiêu đặt ra cơ bản đã hoàn thành. Nguy cơ đổ vỡ hệ thống và đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát của từng TCTD đã được loại bỏ; an toàn, ổn định của hệ thống được đảm bảo; kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của các ngân hàng được nâng lên; chất lượng và quy mô hoạt động của các TCTD được cải thiện mạnh mẽ. Số lượng các TCTD đã giảm 20 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại, giải thể; nợ xấu đến cuối năm 2015 về mức 2,55% tổng dư nợ.
Đến cuối 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 1.044 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 10,9 triệu tỷ đồng
Điều đáng mừng là tư duy quản lý, điều tiết vĩ mô hệ thống, xử lý sự cố ngân hàng, tư duy chiến lược, năng lực tài chính, công nghệ, quản trị của các TCTD được nâng lên góp phần tăng cường khả năng phản ứng, sức chịu đựng của hệ thống. Quá trình tổ chức thực hiện tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu (XLNX) được tiến hành với chi phí thấp nhất. Dòng vốn nền kinh tế từng bước được khơi thông trở lại, tín dụng ngân hàng phân bổ hợp lý, phù hợp định hướng đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, tạo động lực cho tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường và đầu tư.
PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, “quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD đã đi đúng hướng, nâng cao niềm tin của xã hội đối với hệ thống ngân hàng. Đáng chú ý là tính kiên định và bản lĩnh của NHNN trong việc tái cơ cấu các TCTD được đánh giá cao”.
Ở giai đoạn 2, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm XLNX của các TCTD là bước tiến quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống TCTD. Lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng liên quan tới XLNX và xử lý tài sản bảo đảm kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất, hiệu quả nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong XLNX, tạo điều kiện cho TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công tác XLNX của các TCTD đã đạt được những kết quả khá tích cực, chứng minh sự đúng đắn, hiệu quả của Nghị quyết 42 khi tỷ lệ nợ xấu giảm, chất lượng tín dụng được cải thiện, nhiều giải pháp tại Nghị quyết đã được áp dụng góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác XLNX của hệ thống TCTD.
Sau 5 năm (2016-2020) thực hiện cơ cấu lại các TCTD, năng lực quản trị, điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế và tính minh bạch trong hoạt động tín dụng từng bước được cải thiện. Đồng thời, đã xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các NHTM; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng cơ bản được kiểm soát.
Đột phá trong chính sách
Ở thời điểm cuối năm 2015, NHNN điều hành tỷ giá theo cách mới là sử dụng tỷ giá trung tâm (thay cho tỷ giá bình quân liên ngân hàng) biến động linh hoạt hàng ngày (áp dụng từ ngày 4/1/2016) theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước, biến động trên thị trường thế giới nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ (CSTT). Cùng với việc điều chỉnh linh hoạt tỷ giá, NHNN thực hiện các biện pháp mua, bán ngoại tệ can thiệp thị trường khi cần thiết, kết hợp điều hành tỷ giá với các công cụ CSTT giảm áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ, duy trì chênh lệch giữa lãi suất VND và USD để đảm bảo việc nắm giữ VND có lợi hơn so với USD, phát hành tín phiếu NHNN trên thị trường mở để hút tiền về, hạn chế áp lực đầu cơ tỷ giá. Các giải pháp điều hành tích cực đã giúp tỷ giá và thị trường ngoại tệ giai đoạn này ổn định hơn so với giai đoạn trước, hỗ trợ cho thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Đổi mới căn bản cơ chế quản lý vàng với việc ra đời Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 cũng là bước ngoặt đáng nhớ trong lịch sử phát triển của Ngành. Theo Nghị định 24, kể từ ngày 25/5/2012, không tổ chức, cá nhân nào được quyền sản xuất vàng miếng; NHNN được giao tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ. Cơ chế mới này đã mang lại lợi ích tích cực đối với ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính, tiền tệ; những kết quả tích cực sau một thời gian triển khai quyết liệt đã kiểm nghiệm tính đúng đắn và những lợi ích lớn mà cơ chế quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 mang lại.
Giai đoạn 2016-2020, mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm. NHNN đã điều chỉnh giảm 2-2,5%/năm các mức lãi suất điều hành; bình quân lãi suất tiền gửi giảm khoảng 2,3%/năm và bình quân lãi suất cho vay giảm khoảng 3,7%/năm so với giai đoạn 2011-2015. Tín dụng giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng phù hợp với mức hấp thụ của nền kinh tế, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Các giải pháp, chính sách tín dụng của NHNN đã đi đúng hướng, vừa đảm bảo mở rộng tín dụng hiệu quả, an toàn, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên (tín dụng nông nghiệp nông thôn chiếm gần 25%; doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế...), góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Ngành ngân hàng cũng đã tăng cường triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dưới hình thức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân vay vốn ngân hàng…
“Vượt bão” trong một năm đáng nhớ
Năm 2020, NHNN đã điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành, là một trong các NHTW có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực; chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất sớm và ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị 02/CT-NHNN chỉ đạo các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ, tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng.
Cũng trong năm 2020, tăng trưởng TTKDTM đạt tốc độ ấn tượng với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu. Đến cuối tháng 11/2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 1.044 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 10,9 triệu tỷ đồng; số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 421,8 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 24,6 triệu tỷ đồng… Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được rà soát, bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM. Năm 2020 cũng là lần thứ 5 liên tiếp NHNN đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam ở vị trí 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 7 bậc so với Doing Business 2019, đứng thứ 2 ASEAN, thứ 2 khu vực Châu Á (sau Brunei). Nợ xấu được kiểm soát và xử lý quyết liệt, dù đến cuối tháng 10/2020 tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt 2%, nhưng đây là tất yếu khách quan và thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm.
Chính những kết quả này đã giúp nâng mức triển vọng xếp hạng các TCTD Việt Nam trong các năm gần đây và trong năm 2020, có 14 NHTM của Việt Nam nằm trong danh sách Top 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất Châu Á-Thái Bình Dương và Vietcombank xếp hạng thứ 29/500, tăng 19 bậc so với xếp hạng năm 2017. Đây là những kết quả rất đáng mừng, tạo nền tảng vững chắc cho hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển an toàn, bền vững trong tương lai.
---
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, cũng là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030), Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025), dù bối cảnh kinh tế thế giới còn rất nhiều diễn biến khó lường, bất lợi do tác động của dịch Covid-19 nhưng với nền tảng vững chắc đã đạt được thời gian qua, chúng ta có quyền tin tưởng và kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ có những bước phát triển mới ấn tượng trong thời gian tới, khẳng định vai trò huyết mạch của nền kinh tế.
* Bài viết sử dụng tư liệu trong sách “Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951 - 2016”.
Khuê Nguyễn (TBNH)


Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 2
  • 3
  • 3
  • 0
  • 6
  • 1
lên đầu trang