Thứ bảy, 20/04/2024 | 21:39

Thứ bảy, 20/04/2024 | 21:39

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 08:42 ngày 29/07/2022

Tôn vinh cán bộ công đoàn nhiệt huyết, sáng tạo, tận tâm vì người lao động

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2022); hướng tới Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028, tối 28.7, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tổ chức trọng thể Lễ trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III năm 2022.
Dự lễ trao giải có bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư; ông Vũ Đức Đam - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lê Quốc Minh - Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư,  Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; bà Cù Thị Hậu - nguyên Uỷ viên T.Ư Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Uỷ viên T.Ư Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; lãnh đạo Tổng LĐLĐVN và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương; các cấp Công đoàn, cùng đại diện đoàn viên, người lao động cả nước.
Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Bùi Thị Minh Hoài và Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III năm 2022 cho các cán bộ Công đoàn xuất sắc. Ảnh: Tô Thế
“Lo nỗi lo của đoàn viên, vui niềm vui của NLĐ”
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết, trải qua 93 năm xây dựng và phát triển, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. 
Công đoàn Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của Đảng, của dân tộc, là chỗ dựa vững chắc, gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân và người lao động; khẳng định vai trò trung tâm tập hợp, đoàn kết đoàn viên, người lao động phát huy tinh thần tự lực tự cường, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân viết nên trang sử vàng hào hùng của dân tộc. 
Trong sự lớn mạnh của tổ chức Công đoàn, có sự đóng góp to lớn, đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ Công đoàn. Các thế hệ cán bộ Công đoàn nối tiếp nhau, gìn giữ, vun đắp truyền thống vẻ vang, rất đỗi tự hào của tổ chức Công đoàn Việt Nam. 
Trước yêu cầu cấp thiết của tình hình, với sự phát triển nhanh của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động, đội ngũ cán bộ công đoàn hôm nay đang tích cực, chủ động đổi mới, trăn trở tìm tòi, thậm chí không quản ngại hy sinh lợi ích của cá nhân vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, để tổ chức Công đoàn có thể làm tốt chức năng, nhiệm vụ, thực sự là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của người lao động…
“Để ghi nhận và biểu dương những cán bộ Công đoàn các cấp có thành tích xuất sắc tiêu biểu, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, giải pháp đổi mới trong hoạt động Công đoàn, vì đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN đã báo cáo và được Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép tổ chức xét chọn và trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh - giải thưởng cao quý của tổ chức Công đoàn Việt Nam mang tên Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh,  người nổi tiếng với tư duy đổi mới, nói và làm, lý luận và thực tiễn phải đi cùng với nhau, người đã có thời gian giữ cương vị người đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam” - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, sau 2 lần trao tặng Giải thưởng vào năm 2019 và năm 2020, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, được cán bộ Công đoàn các cấp đón nhận, năm nay, Tổng LĐLĐVN tổ chức trao Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III. Từ 63 đề cử, giới thiệu của các cấp Công đoàn, qua 2 vòng xét chọn, Hội đồng xét chọn đã tìm được 10 cán bộ Công đoàn các cấp có thành tích đặc biệt xuất sắc để đề xuất Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trao tặng giải thưởng. Với tinh thần hướng về cơ sở, Giải thưởng Nguyễn Văn Linh năm nay tôn vinh 6 cán bộ Công đoàn cơ sở, 2 cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 2 cán bộ LĐLĐ cấp tỉnh, ngành. Đây đều là những cán bộ Công đoàn nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, gắn bó với người lao động, lăn lộn với cơ sở, lo nỗi lo của đoàn viên, vui niềm vui của người lao động, được đồng nghiệp và người lao động tin yêu, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đơn vị, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá.  
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, ông Nguyễn Đình Khang nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những thành tích xuất sắc tiêu biểu của các cán bộ Công đoàn được nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III. Đồng thời, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN mong các cán bộ Công đoàn tiếp tục phát huy thành tích, nỗ lực không ngừng, truyền cảm hứng tích cực tới cán bộ Công đoàn các cấp, lan tỏa mạnh mẽ bầu nhiệt huyết vì người lao động để toàn xã hội hiểu rõ hơn vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam. 
Tại buổi lễ, bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trao giải thưởng Nguyễn Văn Linh  năm 2022 cho 10 cán bộ Công đoàn tiêu biểu.
Tiếp tục chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động
Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động sau buổi lễ, ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang - cho biết, được trao tặng giải thưởng Nguyễn Văn Linh - giải thưởng cao quý dành cho cán bộ công đoàn, ông rất vinh dự. “Được trao tặng giải thưởng cao quý này, tôi càng phải gắn bó, trách nhiệm hơn với đoàn viên, người lao động, với tổ chức Công đoàn, để làm sao xứng đáng” - ông Cảnh tâm sự. 
Nói về kế hoạch trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn, ông Cảnh cho biết, ông sẽ cùng ban chấp hành LĐLĐ tỉnh tập trung chỉ đạo công tác phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở, nhất là khu vực doanh nghiệp, đặt mục tiêu các doanh nghiệp khi đã hình thành và đi vào hoạt động là sẽ thành lập tổ chức Công đoàn. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang thông tin, theo dự kiến quy hoạch tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, khả năng Bắc Giang sẽ hình thành 23 khu công nghiệp và 62 cụm công nghiệp; vào năm 2030, tỉnh Bắc Giang có thể có tới 1 triệu công nhân lao động.
Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam (100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất các hệ thống dây điện xe ôtô ở KCX Linh Trung 1, TP.Thủ Đức, TPHCM) - rất xúc động và vui mừng khi là 1 trong 10 cán bộ Công đoàn được nhận giải thưởng Nguyễn Văn Linh. Hơn 20 năm làm công nhân, 13 năm làm Chủ tịch Công đoàn cơ sở, bà Vân hiểu những khó khăn, vất vả của công nhân hơn ai hết. Đó cũng chính là lý do khiến bà đề xuất nhiều giải pháp nhằm giúp đỡ, nâng cao đời sống người lao động trong công ty bà làm việc.
“Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh (tháng 4.2021), mỗi ngày tôi đều theo dõi mọi tin tức liên quan đến dịch bệnh từ Bắc Giang, Bình Dương... Từ đó tôi đề xuất, xây dựng kịch bản với Ban giám đốc trong trường hợp TPHCM cũng bùng phát dịch bệnh như các tỉnh thành đó” - bà Vân nhớ lại. Khi TPHCM bùng dịch, nhờ các kịch bản và giải pháp đã xây dựng từ trước, bà Vân đã giúp cho công ty vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất. Đặc biệt, công ty đã chốt trả lương 75% cho công nhân nghỉ việc sau đề xuất của bà. 
Sau khi nhận giải thưởng, bà Vân bày tỏ tiếp tục duy trì các hoạt động đã và đang làm nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Không chỉ vậy, nữ Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam sẽ quyết tâm hơn, cứng rắn hơn để có thể hỗ trợ mọi mặt cho công dân và người lao động…
***
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang: Học tập tư duy dám nghĩ, dám làm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
Ngày 12.6.2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” thể hiện quan điểm nhất quán và xuyên suốt; sự quan tâm của của Đảng trong lãnh đạo xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh và xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh. Trong đó, Bộ Chính trị quan tâm chỉ đạo cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn bảo đảm về số lượng, chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động. Các cấp công đoàn cần tập trung bám sát Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 02/CTr-BCH ngày 21.7.2021 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động. 
Chuẩn bị Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, qua thực tiễn hoạt động, các cấp Công đoàn cần rà soát đảm bảo không cơ cấu những cán bộ Công đoàn không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống Công đoàn. 
Mỗi cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ Công đoàn được trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh cần nỗ lực học tập tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cần học tập tư duy dám nghĩ, dám làm, tinh thần “dũng cảm, dám hy sinh quyền lợi của cá nhân mình vì lợi quyền công nhân lao động...”; “sâu sát với công nhân nắm bắt tình hình và kịp thời biểu dương, phát huy những tài năng mới” của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động.
***
10 cán bộ Công đoàn tiêu biểu nhận giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III năm 2022.
1. Ông Nguyễn Văn Cảnh - Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang.
 Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Cảnh được biết đến là người luôn tận tâm, nỗ lực vì đoàn viên, người lao động (NLĐ). Tháng 5.2021, khi Bắc Giang là tâm dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Cảnh đã kịp thời sáng tạo và mạnh dạn chỉ đạo tổ chức thành lập 29 siêu thị 0 đồng, quyên góp lương thực, thực phẩm để cấp phát miễn phí cho công nhân lao động (CNLĐ) và một bộ phận nhân dân trong các khu vực cách ly, phong tỏa; đã giúp cho hàng vạn CNLĐ các nhà trọ tạm ổn định đời sống, góp phần kiểm soát dịch COVID-19 thành công trên địa bàn tỉnh.
Trăn trở về những công nhân thuê trọ trong các căn hộ còn tồi tàn, ẩm thấp, đồng chí đã đề xuất và được UBND tỉnh cho phép triển khai Đề án “Xây dựng khu nhà trọ an toàn, văn minh” trên địa bàn, giúp Bắc Giang trở thành một trong những địa phương có chất lượng nhà trọ công nhân khá cao của cả nước.
2. Bà Doãn Thị Thu Giang - Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn MCNEX VINA, Khu công nghiệp Phúc Sơn, Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình
Chủ tịch CĐCS Cty TNHH MCNEX VINA Doãn Thị Thu Giang là một cán bộ công đoàn nhiệt huyết, uy tín, có năng lực thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động. Bà Giang đã cùng Ban Chấp hành chủ động thương lượng điều chỉnh lương, mức đóng bảo hiểm cho người lao động, thương lượng tăng giá trị bữa ăn ca từ 21.000 đồng/suất lên 30.000 đồng/suất giúp cải thiện rõ rệt bữa ăn ca của người lao động. Đề xuất lắp đặt hệ thống làm mát nhà xưởng, bố trí thêm hệ thống quạt làm giảm nhiệt độ cho các xưởng sản xuất vào mùa hè, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, kiến nghị thực hiện phụ cấp cho 150 an toàn vệ sinh viên. 
3. Bà Giang Thị Thu Hiền - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Nhà máy Z131, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Ban Công đoàn Quốc phòng
Nhà máy Z131, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng được coi là mái nhà thứ 2 của 1.200 đoàn viên, người lao động. Một trong những người góp công kiến tạo mái nhà ấy và tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên là trung tá Giang Thị Thu Hiền - Chủ tịch CĐCS nhà máy.
Trên cương vị là Chủ tịch CĐCS, trung tá Giang Thị Thu Hiền đã tham mưu và trực tiếp chỉ đạo tổ chức khu vật lý trị liệu, thải độc cho NLĐ làm việc ở các khu vực nặng nhọc, độc hại. Chị đã phát động, chỉ đạo tổ chức tốt phong trào của “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” góp phần động viên đoàn viên, người lao động thực hiện 53 đề tài, 1.297 sáng kiến làm lợi cho công ty gần 20 tỉ đồng trong 2 năm qua.
4. Bà Phạm Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yazaki EDS Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương
Với 10 năm gắn bó với “nghề công đoàn”, bà Phạm Thị Tuyết Nhung được ví là con ong chăm chỉ, người cán bộ công đoàn cần mẫn, hết lòng vì người lao động. Trăn trở với những khó khăn của người lao động, bà đã đề xuất với doanh nghiệp xây dựng siêu thị công đoàn, tổ chức tri ân người lao động, thành lập các câu lạc bộ tập huấn kỹ năng, chia sẻ các công việc thầm kín của người lao động, thương lượng để tăng lương, phúc lợi và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Đoàn viên, người lao động trong công ty gần như ai cũng biết đến, yêu mến và gửi trọn niềm tin.
5. Ông Nguyễn Thiện Phú - Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú luôn trăn trở, tìm tòi để tổ chức Công đoàn tỉnh nhà thực sự mang đến lợi ích thiết thực, sự tin cậy của đoàn viên, NLĐ và người sử dụng lao động, để lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tin tưởng. Trong chỉ đạo, đồng chí luôn sát sao, lắng nghe cơ sở, động viên kịp thời người lao động.
Ông đã đề xuất, chỉ đạo triển khai một số mô hình hoạt động hướng về cơ sở như “Sát cơ sở, gần công nhân” và “Ở đâu CĐCS gặp khó - ở đó có Công đoàn cấp trên hỗ trợ”; “An tâm, an toàn, an ninh” cho người lao động. Những đề xuất đó của ông đã được triển khai có hiệu quả, góp phần đổi mới hoạt động Công đoàn, tạo sự ổn định về việc làm, thu nhập, đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, phát triển.
6. Bà Trần Thị Thanh Phượng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Tổng Công ty Việt Thắng - Công ty CP, Công đoàn Dệt May Việt Nam
Với sự đồng cảm và tình yêu thương dành cho người lao động, bà Trần Thị Thanh Phượng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Tổng Cty Việt Thắng 1, Công đoàn Dệt may Việt Nam - dành trọn tình cảm và nhiệt huyết cho tổ chức Công đoàn, cho công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ NLĐ, được NLĐ tín nhiệm, tin tưởng.
Bà Phượng luôn trăn trở, đề xuất sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực về vật chất, tinh thần cho NLĐ như: “Thành lập cửa hàng tiện ích phục vụ NLĐ”, “Đi chợ hộ công nhân mùa dịch”, “Suất ăn bồi dưỡng cho công nhân”.
Được đồng nghiệp, người lao động ngợi ca về tinh thần, trách nhiệm, tâm huyết, sáng tạo, tận tụy, song khi nói về bản thân, bà Trần Thị Thanh Phượng luôn khiêm tốn: Những việc mình làm rất nhỏ bé, chỉ nghĩ rằng cái gì tốt cho NLĐ, tốt cho DN thì phải cố gắng làm.
7. Bà Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội
Phát huy truyền thống của quê hương “ba đảm đang”, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thủy luôn lăn lộn với cơ sở, với cán bộ công đoàn, đoàn viên và NLĐ để hiểu họ, học họ và phục vụ họ tốt nhất.
Bà luôn coi trọng đổi mới phương pháp làm việc, phong cách công tác đơn giản mà khoa học, dễ làm nhưng đúng quy trình, “cầm tay, chỉ việc” nhưng luôn phát huy sự sáng tạo của cơ sở. Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng đã chỉ đạo đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở giai đoạn 2021-2025” có hiệu quả, để các doanh nghiệp, NLĐ hiểu rõ vai trò, vị trí cũng như trách nhiệm, lợi ích của tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp.
Người thủ lĩnh được nhiều người ví “làm việc như sợ ngày mai không được làm cán bộ Công đoàn nữa” luôn được đồng nghiệp yêu mến, trân trọng.
8. Bà Nguyễn Anh Thư - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Bến Lức, tỉnh Long An
Với gần 10 năm kinh nghiệm, bà Nguyễn Anh Thư - Chủ tịch LĐLĐ huyện Bến Lức, Long An - luôn trăn trở, tìm tòi các giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn. Bà đã đề xuất nhiều sáng kiến, mô hình hoạt động công đoàn hiệu quả. Nhưng với đồng chí, sáng kiến “Nhân rộng mô hình khu nhà trọ công nhân văn hóa” là sáng kiến tâm đắc nhất.
Với việc triển khai có hiệu quả sáng kiến này, đến năm 2021 trên địa bàn huyện đã có 178 khu nhà trọ công nhân văn hóa, lắp đặt 136 điểm wifi miễn phí khu vực nhà trọ phục vụ công nhân lao động. Nhờ có những sáng kiến của người Chủ tịch Công đoàn tâm huyết này, đến nay, hàng vạn người lao động trên địa bàn có đời sống văn hóa tinh thần tốt hơn.
9. Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch CĐCS Công ty Nissei Electric Việt Nam, Liên đoàn Lao động TP.Hồ Chí Minh
Xuất phát từ một công nhân, bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch CĐCS Công ty Nissei Electric VN, Thành phố Hồ Chí Minh - thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn, nỗi vất vả của người công nhân trực tiếp sản xuất.
Bà đã có nhiều sáng kiến, giải pháp đem lại phúc lợi cho người lao động như thương lượng để NLĐ được nhận 75% lương trong thời gian nghỉ dịch COVID-19, vận động, hỗ trợ nguồn lực để có chỗ ở miễn phí cho NLĐ đồng thời vẫn được hưởng phụ cấp nhà ở 300.000 đồng/người.
Ngoài ra, bà luôn tìm cách vận động để các mạnh thường quân thường xuyên quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh nghề nghiệp, nuôi con nhỏ với tâm niệm “cán bộ Công đoàn phải tận lực vì đoàn viên, người lao động”.  
10. Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần May Công Tiến, thị xã Gò Công, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch CĐCS công ty TNHH CP May Công Tiến - là Chủ tịch CĐCS tiêu biểu với nhiều sáng kiến, ứng dụng google From, QrCode để tiếp nhận sáng kiến, khai báo y tế góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở.
Ông đã tổ chức tốt các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ. Trực tiếp đề xuất, thương lượng để người lao động có mức lương không ngừng tăng. Trực tiếp đề xuất, vận động Ban Giám đốc hỗ trợ kinh phí của doanh nghiệp xây dựng Mái ấm Công đoàn cho 7 đoàn viên trị giá 260 triệu đồng trong năm 2020-2021, nâng tổng số Mái ấm Công đoàn tặng cho người lao động đến nay là 51 căn tổng trị giá 1,4 tỉ đồng.
Nhóm PV (Báo Lao động)

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 1
  • 8
  • 3
  • 6
  • 4
  • 3
  • 7
lên đầu trang