Thứ tư, 24/04/2024 | 07:22

Thứ tư, 24/04/2024 | 07:22

Công tác nữ công

Cập nhật lúc 10:55 ngày 21/10/2022

Chương trình truyền thông “Vì sự an toàn và phát triển của phụ nữ Ngân hàng”

Ngày 21/10/2022, tại Thái Nguyên, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức chương trình Truyền thông “Vì sự an toàn và phát triển của phụ nữ Ngân hàng”.
Tham dự có đồng chí Nguyễn Văn Tân - Phó chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; đồng chí Bùi Văn Khoa - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc NHNN CN tỉnh Thái Nguyên; đồng chí Trần Thị Hồng Thái – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên; Tiến sỹ Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao Động - Thương binh và Xã Hội; Thạc sỹ, Bác sỹ Chuyên khoa II Diêm Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Khám sản tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; các đồng chí trong Ban Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên; Đại diện BCH các CĐCS trong ngành Ngân hàng trên địa bàn 09 tỉnh khu vực phía Bắc (Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn).
Phát biểu khai mạc, đ/c Nguyễn Văn Tân chia sẻ: ngành Ngân hàng với tỷ lệ lao động nữ bình quân cao (luôn chiếm khoảng 60% trong tổng số ĐVNLĐ). Bằng sức mạnh nội lực và sự cố gắng vươn lên, phụ nữ ngành ngân hàng đã và đang từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình trong cấp ủy đảng, lãnh đạo chuyên môn và BCH công đoàn các cấp. Những kết quả và thành tích chị em đạt được trong nhiều năm qua đã được Đảng, Nhà nước, TLĐ, các cấp Bộ, ngành đánh giá, ghi nhận. Nhiều chị em vinh dự được nhận những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, đã minh chứng cho sự cống hiến, tiến bộ của đội ngũ nữ CBĐVNLĐ ngành Ngân hàng trong thời gian qua. Có thể nói, trong suốt chặng đường hơn 70 năm qua, cùng với lực lượng lao động toàn ngành Ngân hàng, đoàn viên lao động nữ của chúng ta đã luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể. Dù ở cương vị nào, phụ nữ ngân hàng cũng đều sẵn sàng hết mình vì công việc và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của cơ quan, đơn vị, vì sự an toàn và phát triển của Ngành, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy xã hội phát triển. Những đức tính và phẩm chất tốt đẹp của người Phụ nữ Việt Nam luôn được chị em trong Ngành giữ gìn và phát huy, xây dựng lên hình ảnh Phụ nữ Ngân hàng duyên dáng, chuyên nghiệp và hiện đại. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những định kiến về giới, chưa đánh giá đúng mức về vai trò, vị thế của phụ nữ trong lãnh đạo quản lý, chưa tạo điều kiện để phụ nữ phát huy năng lực, sở trường, đôi khi còn khắt khe trong bố trí, sử dụng cán bộ nữ, …
Đ/c Nguyễn Văn Tân - Phó Chủ tịch thường trực CĐNHVN phát biểu tại chương trình
Tại đây, các đại biểu đã được nghe Tiến sỹ Hà Thị Minh Đức chia sẻ về những thành tựu bình đẳng giới của Việt Nam và ngành ngân hàng, Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Thạc sỹ, Bác sỹ Chuyên khoa II Diêm Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Khám sản tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ chuyền đề về rối loạn tâm sinh lý ở nữ nhân viên văn phòng. Bằng kinh nghiệm thực tiễn, các diễn giả đã cung cấp nhiều thông tin, kiến thức bổ ích, được minh họa bằng những câu chuyện thực tế sinh động, mang đến cho hội trường không khí sôi nổi, hào hứng. Nhiều đại biểu đã có cơ hội trao đổi, thảo luận với diễn giả tại chương trình.
Được biết chương trình nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình số 04/CTr-BCSĐ ngày 14/3/2022 của Ban Cán sự Đảng NHNN và Kế hoạch số 185/KH-TLĐ ngày 30/3/2022 của Tổng Liên đoàn LĐVN về thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong Bộ luật Lao động và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, trong đó có các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc…
Tiến sỹ Hà Thị Minh Đức chia sẻ về những thành tựu bình đẳng giới của Việt Nam và ngành ngân hàng, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Thạc sỹ, Bác sỹ Chuyên khoa II Diêm Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Khám sản tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ chuyên đề rối loạn tâm sinh lý ở nữ nhân viên văn phòng
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tân, trong thời gian tới, Công đoàn các cấp cần có những biện pháp, việc làm thiết thực, cụ thể, làm tốt hơn nữa vai trò đại diện chăm lo cho ĐVNLĐ, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ ĐVNLĐ nữ, động viên chị em phấn đấu hoàn thành tốt vai trò, trọng trách của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Trong đó các cấp công đoàn cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, các Chương trình hành động của Đảng, Nhà nước, TLĐ và ngành Ngân hàng về công tác nữ, đặc biệt là Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”…  
Triển khai và tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua dành cho nữ ĐVNLĐ. Đổi mới nội dung thi đua, có cách thức triển khai phù hợp thực tế, nhằm khích lệ, động viên nữ ĐVNLĐ yên tâm công tác, tận tâm cống hiến, góp phần vào thành công chung của đơn vị, của Ngành. Chú trọng hơn nữa chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Giỏi việc Ngân hàng, Đảm việc nhà” gắn với phong trào “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” và các phong trào thi đua khác trong nữ ĐVNLĐ…
Công đoàn các cấp cần tuyên truyền và tổ chức tốt các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới, vì sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ một cách thiết thực, hiệu quả, vì quyền và lợi ích của ĐVLĐ nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 của ngành Ngân hàng và của TLĐ; Tiếp tục phối hợp với chuyên môn, Ban VSTBPN cùng cấp triển khai việc nâng cao điều kiện thụ hưởng, phúc lợi cho ĐVLĐ nữ. Đẩy mạnh tuyên truyền về Bộ Luật Lao động 2019, Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các chế độ, chính sách dành riêng cho lao động nữ, Chương trình 1734/CTr-TLĐ của Tổng Liên đoàn về “Nâng cao phúc lợi, lợi ích cho ĐVNLĐ giai đoạn 2019 - 2023”..
BCH các CĐCS cần tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động phù hợp, đổi mới nội dung, phong phú, sáng tạo, linh hoạt trong cách thức tổ chức, thu hút nữ ĐVNLĐ tham gia và có cơ hội thể hiện mình trước tập thể, nhằm xây dựng uy tín, hình ảnh của nữ cán bộ ngành Ngân hàng đối với cộng đồng, xã hội, thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.   
Bên cạnh đó, các CĐCS cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt đến CBĐVNLĐ tích cực nghiên cứu, đề xuất giải pháp, sáng kiến hữu ích, hưởng ứng Chương trình 1 triệu sáng kiến do TLĐ phát động (đến tháng 9/2023), lập thành tích kỷ niệm 30 năm thành lập Công đoàn NHVN (01/4/2023); tổ chức thành công đại hội công đoàn các cấp, hướng tới đại hội Công đoàn NHVN lần thứ VII và đại hội Công đoàn Việt Nam XIII (trong năm 2023), trên cơ sở thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ công đoàn các cấp nhiệm kỳ mới, đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia BCH và nữ cán bộ chủ chốt công đoàn mỗi cấp theo định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Tổng Liên đoàn và của ngành Ngân hàng.
"Xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu đặt ra ngày càng cao, để hội nhập và phát triển, chị em cần mạnh dạn thay đổi tư duy, đổi mới lối nghĩ, cách làm, tích cực học tập vươn lên, chấp nhận sự thay đổi; chủ động đi trước, đón đầu, nắm bắt thông tin, làm chủ công nghệ, trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để hoàn thiện bản thân, thích nghi với điều kiện, tình hình mới" - đ/c Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh.

Thanh Thủy

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 8
  • 2
  • 1
  • 2
  • 4
  • 2
  • 3
  • 5
lên đầu trang