[In trang]
Người lao động đề xuất lương tối thiểu vùng tăng 10% trở lên
Thứ năm, 21/11/2024 - 08:58
Công việc áp lực, giá cả thị trường ngày một tăng, người lao động đề xuất lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng 10% hàng năm.
Chị Phạm Thị Hiền (43 tuổi) - công nhân giày da tại Công ty TNHH Giầy Amara Việt Nam (Nam Định) - chia sẻ, sau 8 năm đi làm, mức lương tối thiểu vùng tăng không đáng kể.
Nữ công nhân bắt đầu vào công ty làm việc từ tháng 11.2016, khi đó lương tối thiểu vùng là 3.100.000 đồng/tháng. Sau 8 năm mới tăng lên hơn 4 triệu đồng. Nếu không có phụ cấp hay tăng ca làm việc, thu nhập rất khó đảm bảo cuộc sống.
Chị Hiền cho biết, thời điểm hiện tại, nếu chỉ làm giờ hành chính, cộng tất cả các khoản phụ cấp mới được 6,5 triệu đồng. Để đạt được mức lương hơn 10 triệu đồng, chị Hiền phải làm đêm, tăng ca ít nhất 3 tiếng/ngày.
Là nhóm công nhân làm việc lâu năm nên chị Hiền có tiền thâm niên, trách nhiệm. Những người mới vào vướng bận việc riêng, con nhỏ chỉ làm giờ hành chính, thu nhập không quá 5,5 triệu đồng/tháng.
Chưa hết, thu nhập trên 10 triệu đồng nhưng tổ của chị Hiền đã cắt giảm 30% nhân lực so với trước. Điều này đồng nghĩa một mình chị Hiền phải làm bằng sức của 1,3 người, vô cùng vất vả và áp lực khiến sức khỏe ngày càng sa sút.
Theo nữ công nhân, năm 2025 nên tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng lên ít nhất 10%. Với mức tăng này, chị Hiền cho biết sẽ giúp thu nhập tăng thêm từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng để theo kịp giá cả thị trường và phù hợp với những công sức bỏ ra.
Anh Đặng Văn Hậu (34 tuổi) - công nhân may mặc tại Nam Định cho biết, anh rất quan tâm đến các quyền lợi bảo hiểm được nhận sau này. Vì thế, dù làm việc theo hình thức khoán (trả lương theo sản lượng), anh Hậu vẫn mong tăng lương tối thiểu vùng hàng năm.
“Tôi đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần nên khá tiếc nuối. Bây giờ đóng lại từ đầu chỉ mong lương tối thiểu vùng hàng năm tăng cao. Như thế, tôi chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm đã có mức lương hưu hợp lý” - anh Hậu chia sẻ.
Theo anh Hậu, tiền lương đóng bảo hiểm hàng tháng, công ty đóng cao hơn mức tối thiểu vùng nhưng không nhiều, không có phụ cấp đi kèm. Chỉ khi nào Nhà nước tăng lương tối thiểu vùng, tiền lương tháng đóng bảo hiểm của anh Hậu mới tăng theo.
"Mức tăng 6% năm 2024 không theo kịp được các chi phí thiết yếu phải trả hàng ngày. Tiền điện, tiền học phí cho các con đều tăng hàng năm, chưa kể tiền gạo, thịt cũng tăng” - anh Hậu cho hay.
Nam công nhân mong muốn, Nhà nước cần kiểm soát tốt giá cả thị trường. Theo anh Hậu, nếu không kiểm soát được vật giá, dù có tăng đến 15% cũng rất khó để người lao động đảm bảo cuộc sống.
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục xem xét, rà soát và đánh giá mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan với mức lương thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, để đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp...
Lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất để người sử dụng lao động trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Mức lương tối thiểu vùng được áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Mạnh Cường – Minh Hương (Báo Lao động)