Lâm Đồng là tỉnh thực hiện chủ trương tái canh cây cà phê mạnh mẽ nhất cả nước, có sử dụng từ nguồn vốn vay ngân hàng. Điều đặc biệt là cà phê sau tái canh đều có hiệu quả kinh tế hơn từ 2 đến 3 lần so với trước.
Điển hình tái canh cà phê cả nước
Lâm Đồng là điển hình về thực hiện tái canh cây cà phê của cả nước. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - ông Phạm S cho biết, từ khi triển khai chương trình, đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã tái canh được gần 25.000ha cà phê già cỗi, năng suất thấp với tổng nguồn vốn tín dụng khoảng 800 tỷ đồng; chiếm 60% diện tích và 87% về tín dụng trong chương trình tái canh cà phê của cả khu vực Tây Nguyên - khu vực chiếm đến 92% sản lượng cà phê cả nước.
Từ thời điểm năm 2013, chương trình được đẩy mạnh nhờ chủ trương chung của tỉnh và cam kết gói tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Lâm Đồng. Từ khi thực hiện chương trình tái canh cà phê, đến hết tháng 2/2016, Agribank chi nhánh Lâm Đồng đã dành ưu đãi tín dụng lên đến 620 tỷ đồng cho hơn 5.300 khách hàng vay để thực hiện.
Chỉ với một hoạt động tái canh, sau 3 năm, giá trị kinh tế của vườn cà phê sẽ tăng lên gấp đôi. Nhiều vùng cà phê áp dụng kỹ thuật cao tăng lên được gấp 3 lần, nâng cao thu nhập, giá trị cuộc sống của người nông dân. Năng suất cao sẽ đưa chất lượng cà phê lên cao hơn, góp phần giúp ngành cà phê Lâm Đồng nâng cao giá trị xuất khẩu – ông Phạm S cho biết.
Bên cạnh việc thực hiện chương trình tái canh cà phê theo chủ trương chung từ năm 2013, trước đó, người dân Lâm Đồng cũng đã chủ động tái canh, xóa bỏ những diện tích trên 20 năm, năng suất dưới 2 tấn/ha/năm. Do vậy, tính tổng diện tích cà phê đã tái canh của Lâm Đồng hiện nay đã hơn 34.000ha.
Để đảm bảo hiệu quả chương trình, tỉnh Lâm Đồng đã công nhận, công bố 43 tổ chức, cá nhân vườn cây giống cà phê đầu dòng, năng lực sản xuất trên 12 triệu mầm, chồi/năm; 167 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cà phê đủ chất lượng, năng lực sản xuất hơn 12,35 triệu cây/năm. Nhờ đảm bảo nguồn giống chất lượng tốt nên các vườn cà phê tái canh đều được đảm bảo chất lượng.
Hiệu quả của chương trình này cũng đã góp phần tạo nên diện mạo mới các vùng nông thôn tỉnh Lâm Đồng. Toàn tỉnh có tổng diện tích cà phê gần 153.000ha; trong đó, diện tích kinh doanh hơn 144.000ha, năng suất bình quân tới nay đạt 2,83 tấn/ha/vụ. Kế hoạch của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 sẽ chuyển đổi, tái canh 60.000ha. Qua đó sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế của loại cây trồng chủ lực này.
(Ảnh minh họa)
Một lần tái canh, tăng 3 lần năng suất
Bảo Lâm là một trong những huyện trọng điểm trồng cây cà phê của tỉnh Lâm Đồng với diện tích 27.225ha, chiếm hơn phân nửa tổng diện tích đất nông nghiệp của huyện. Thực hiện Quyết định 872/QĐ-UBND ngày 9/5/2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc chuyển đổi, tái canh cà phê, đến nay huyện Bảo Lâm đã tái canh được gần 16.000ha cà phê già cỗi. Sau tái canh, phải từ năm thứ 3 và thứ 4 năng suất cà phê mới tương đối ổn định.
Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm - ông Trương Hoài Minh cho biết: “Vào thời điểm này, diện tích cà phê ghép cải tạo đạt năng suất trung bình 4 tấn nhân/ha, cá biệt có nhiều hộ đạt 7 – 8 tấn/ha; hiệu quả kinh tế nâng cao rõ rệt nên người dân ngày càng hưởng ứng, thực hiện mạnh mẽ chủ trương này”.
Trước thời điểm thực hiện tái canh, năng suất cà phê của tỉnh Lâm Đồng đạt bình quân khoảng 1,8 – 2 tấn/ha/năm. Đến nay cà phê tái canh tại Lâm Đồng mới được thực hiện chưa đến 3 năm nên vẫn còn có khả năng nâng cao năng suất hơn nữa sau thời gian từ 3 – 6 năm. Với những diện tích được đầu tư đủ nước tưới, đặc biệt là các biện pháp tưới hiện đại, năng suất và hiệu quả sẽ tăng gấp 3 lần so với trước. Càng có hiệu quả cao, nông dân càng mạnh dạn đầu tư. Phong trào tái canh cà phê tại Lâm Đồng vì vậy đang được đẩy lên cao trào.
Nhiều người dân tại Lâm Đồng sau khi thực hiện tái canh hiệu quả tăng lên gấp 3 lần.
Rẫy cà phê của gia đình anh Nguyễn Phi Hùng, thôn Tiền Yên, xã Lộc Đức (huyện Bảo Lâm) đến năm thứ 4 sau khi tái canh, năng suất đạt 7 tấn/ha/năm, tăng hơn gấp đôi so với năng suất khi chưa thực hiện tái canh. Gia đình anh Hùng là một trong những gia đình đầu tư lớn cho rẫy cà phê nên từ trước khi thực hiện tái canh, năng suất cà phê của anh cũng cao hơn nhiều so với bình quân chung trong vùng, lên đến 3 tấn/ha. Tuy vậy, bố con anh vẫn nhận thấy cần phải đầu tư tái canh khi cà phê đã bắt đầu già cỗi.
Anh Hùng nói: “Gia đình có vốn đầu tư nên phần lớn là trồng mới; một phần thì được ghép cải tạo. Đến nay là năm thứ 4, hiệu quả về năng suất, kinh tế đều tăng hơn gấp đôi so với trước”.
Một trường hợp điển hình khác: ông Trịnh Quang Tuân, thôn 8, xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm) có 5ha cà phê. Những năm trước đây, năng suất cao lắm chỉ khoảng 2 tấn/ha/năm. Sau khi ông mạnh dạn đầu tư thực hiện chương trình tái canh cây cà phê của tỉnh, đến năm thứ 3, năng suất đã tăng lên 6 tấn/ha/năm. Nhờ vậy, gia đình ông Tuân đã mạnh dạn sắm máy sấy cà phê, thuê 5 nhân công làm việc quanh năm, chưa kể phải thuê thêm nhiều nhân công thời vụ khi vào mùa. “Hiệu quả kinh tế tăng lên đôi ba lần”, ông Tuân cho biết.
Phạm Kha – Đặng Tuấn (theo thoibaonganhang)