[In trang]
85 năm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2016)
Thứ năm, 24/03/2016 - 10:29
Năm 2016 đánh dấu chặng đường 85 năm lịch sử vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam. Đây là dịp quan trọng để mỗi đoàn viên, thanh niên ôn lại lịch sử, truyền thống hào hùng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Năm 2016 đánh dấu chặng đường 85 năm lịch sử vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam. Đây là dịp quan trọng để mỗi đoàn viên, thanh niên ôn lại lịch sử, truyền thống hào hùng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đồng thời là cơ hội để chúng ta thể hiện trách nhiệm và vai trò của tuổi trẻ trong việc kế thừa và phát huy truyền thống, xung kích, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sự ra đời của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức Đoàn. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú diễn ra tại Sài Gòn từ ngày 20 đến 26.3.1931 đã dành một thời gian quan trọng để bàn về công tác thanh niên và xây dựng tổ chức Đoàn. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ: cần kíp tổ chức ra Thanh niên Cộng sản Đoàn; các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các cấp ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn.

Xuất phát từ ý nghĩa đặc biệt ấy, được Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3 (họp từ ngày 22 - 25/3/1961) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 làm ngày thành lập Đoàn hàng năm. Ngày 26/3 trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh.

Chặng đường 85 năm xây dựng và trưởng thành

Từ ngày 26/3/1931 đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Đoàn đã đổi tên nhiều lần:

- Từ 1931 - 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương

Ngay sau khi thành lập, Đoàn Thanh niên cộng sản Đông dương đã phát triển được nhiều đoàn viên trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô - Viết Nghệ Tĩnh.

- Từ 1937 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương

Nhiệm vụ của Đảng và nhân dân ta lúc này là tập trung mũi nhọn đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống. Vì vậy, Đảng chủ trương lập Mặt trận Nhân dân Phản đế sau đổi thành mặt trận Thống nhất Dân chủ. Theo đó, trong thời kỳ cách mạng từ giữa năm 1936 đến mùa thu năm 1939, Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương mang tên Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương phù hợp với nhiệm vụ chính trị qua các nghị quyết của Đảng như trên đã nêu.

- Từ 11/1939 - 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương

Tháng 11/1939, T.Ư Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định). NQ Hội nghị nhấn mạnh giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của CMGP dân tộc, là nhiệm vụ hàng đầu của CM Đông Dương. Hội nghị chủ trương lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các giai cấp và dân tộc ở Đông Dương để đánh đổ đế quốc Pháp và tay sai của chúng. Theo chủ trương của Đảng, Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương mang tên mới là Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương. Các tổ chức Đoàn TN Dân chủ sau đó là Đoàn Thanh niên Phản đế đã vận động thanh niên đi đầu trong các cuộc đấu tranh và khởi nghĩa vũ trang từng phần, báo hiệu một thời kỳ mới: chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

- Từ 5/1941 - 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam

Mùa xuân năm 1941, Bác Hồ trở về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5 năm 1941, Người đã chủ trì Hội nghị Trung ương VIII tại Pắc Bó, Cao Bằng. Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam ra đời tiếp nối sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các tổ chức thanh niên trước đó do Đảng, Bác Hồ tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và tuổi trẻ cả nước đã xung kích cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vùng lên tiến hành thành công Cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

- Từ 25/10/1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam

Tháng 7/1954, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ mới, Bộ Chính trị T.Ư Đảng trong phiên họp tháng 9/1954 đã chủ trơng đổi tên Đoàn TNCQ Việt Nam thành Đoàn TNLĐ Việt Nam và xây dựng Đoàn TNLĐ Việt Nam thành một tổ chức thực sự có tác dụng là lực lợng dự trữ và cánh tay của Đảng. Quyết nghị có đoạn viết: “Đảng ta là Đảng Lao động Việt Nam. Việc Đoàn TNCQ Việt Nam đổi tên thành Đoàn TNLĐ Việt Nam sẽ làm cho thanh niên thêm phấn khởi, thêm gắn bó với Đảng và do đó càng quyết tâm phấn đấu đến cùng dới ngọn cờ của Đảng”.

- Từ 2/1970 - 11/1976: Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người sáng lập rèn luyện Đoàn ta qua đời. Toàn thể cán bộ, ĐVTN và đội viên thiếu niên, nhi đồng nước ta vĩnh biệt Người với nỗi xót thương vô hạn. Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, đáp ứng nguyện vọng của thế hệ trẻ và theo đề nghị của Đoàn TNLĐ Việt Nam, nhân dịp kỉ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/1970), BCH T.Ư Đảng đã ra Nghị quyết cho Đoàn Thanh niên và đội thiếu niên, Đội Nhi đồng được mang tên Bác.

Tổ chức Đoàn và tổ chức đội được mang tên Bác là vinh dự lớn lao, đồng thời là trách nhiệm nặng nề trước Tổ quốc và nhân dân. Đoàn ta được mang tên Bác Hồ càng làm rõ mục đích và tính chất của Đoàn là đội tiên phong chiến đấu của TN, đi đầu phấn đấu cho lý tưởng cách mạng cao cả của Đảng và Bác Hồ là độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

- Từ 12/1976 đến nay: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm nên một đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước thống nhất và đi lên xây dựng CNXH. Trong chiến thắng vĩ đại ấy, có sự đóng góp to lớn của ĐVTN trên khắp các mặt trận. Đảng ta, nhân dân ta, Đoàn ta đã giáo dục, rèn luyện một thế hệ thanh niên Việt Nam vô cùng dũng cảm, thông minh, không sợ gian khổ, hy sinh, quyết chiến - quyết thắng. Sau ngày thống nhất nước nhà, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) đã ra quyết định Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh mang tên Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

(Ảnh minh họa)

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã trải qua 10 kỳ đại hội và triển khai nhiều phong trào thi đua lớn, thu hút đoàn viên thanh niên tham gia, từ đó phát huy tinh thần yêu nước, phấn đấu và cống hiến bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh. Một số phong trào thi đua đã và đang tiếp tục được phát triển trong các thế hệ Thanh niên như: phong trào “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Thanh niên lập nghiệp”; “Tuổi trẻ giữ nước”; cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” và đặc biệt là phong trào “Thanh niên tình nguyện” được đông đảo các cấp bộ Đoàn và ĐVTN tham gia, tạo nên ấn tượng tốt đẹp về lớp thanh niên Việt Nam của thời kỳ mới.

85 năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau viết nên những truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước. Đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với Đảng, gắn bó chặt chẽ với lợi ích dân tộc, với nhân dân và chế độ XHCN; truyền thống xung kích cách mạng, xung phong tình nguyện, sẵn sàng đón nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; truyền thống hiếu học, cần cù, sáng tạo; truyền thống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang, tự hào, tuổi trẻ Việt Nam hôm nay nguyện vững bước dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, với “Tâm trong – Trí sáng – Hoài bão lớn”, với ngọn lửa cách mạng rực cháy trong tim đang ngày đêm phấn đấu, đem sức trẻ, nhiệt tình ra sức cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.