Luật Trẻ em (Quốc hội thông qua ngày 05/4/2016) thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và có hiệu lực từ 1/6/2017.
So với luật cũ, Luật Trẻ em 2016 có những điểm mới quy định cụ thể về các quyền và bổn phận của trẻ em; sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em, chăm sóc cho trẻ em; trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em; các hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm…
Luật Trẻ em năm 2016 gồm 7 chương với 106 điều, tăng 02 chương và 46 điều so với Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (năm 2004), bao gồm: Chương I. Những quy định chung (từ điều 1 đến điều 11); Chương II. Quyền và bổn phận của trẻ em (từ điều 12 đến điều 41), Chương III. Chăm sóc và giáo dục trẻ em (từ điều 42 đến điều 46); Chương IV. Bảo vệ trẻ em (bao gồm cả nội dung về bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt-từ điều 47 đến điều 73); Chương V. Trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em (từ điều 74 đến điều 78); Chương VI. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em (từ điều 79 đến điều 102); Chương VII. Điều khoản thi hành (từ điều 103 đến điều 106).
Những điểm mới của Luật Trẻ em 2016 so với Luật cũ như sau:
1. Tên gọi: Điểm mới đầu tiên là sự thay đổi về tên gọi, từ Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được đổi thành Luật trẻ em. Tên “Luật Trẻ em” phản ảnh đầy đủ hơn về nội dung, phạm vi của Luật và về đối tượng đặc thù như các Luật đã được Quốc hội thông qua.
2. Định nghĩa: Điều 1 (Chương I Luật Trẻ em) quy định “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Như vậy, Luật không giới hạn trẻ em là công dân Việt Nam, do đó, đối tượng áp dụng của Luật còn bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.
Trong Chương I - Những quy định chung, Luật Trẻ em 2016 nêu rõ về khái niệm, nguyên tắc thực hiện quyền trẻ em và những hành vi bị nghiêm cấm. Trong Luật Trẻ em có 11 khái niệm được giải thích rõ, trong đó có các khái niệm về phát triển toàn diện của trẻ em, chăm sóc thay thế, xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em...
3. Quyền và bổn phận của trẻ em: Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Luật trẻ em quy định 25 nhóm quyền của trẻ em như quyền sống; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, không bị mua, bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạn; quyền được đảm bảo an sinh xã hội; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn…
Các bổn phận của trẻ em đối với gia đình, nhà trường, cộng đồng, đất nước và chính bản thân các em được quy định cụ thể trong Luật Trẻ em phù hợp với chế định về nghĩa vụ công dân của Hiến pháp năm 2013, Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng và phù hợp với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng con người Việt Nam trong bối cảnh mới.
4. Các hành vi bị nghiêm cấm: Luật Trẻ em quy định cụ thể và bổ sung về các hành vi bị nghiêm cấm như tước đoạt quyền sống của trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; không thực hiện trách nhiệm hỗ trợ trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm,…
5. Các nội dung quản lý Nhà nước về trẻ em: Luật quy định “Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương”, đồng thời cụ thể hóa thành trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Luật Trẻ em cũng quy định rõ việc ưu tiên nguồn lực để thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, bao gồm cả nguồn tài chính và nguồn nhân lực.
Luật Trẻ em quy định 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có bổ sung các nhóm mới như: trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.
Luật Trẻ em quy định tổng quát về chính sách của nhà nước để bảo đảm về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo đảm điều kiện vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch và thông tin, truyền thông cho trẻ em. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng, thực hiện các chính sách về quyền trẻ em trong thực tế. Đặc biệt, Luật bổ sung Điều 11 quy định về Tháng hành động vì trẻ em vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em và vận động nguồn lực cho trẻ em. Bộ Lao động Thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn thực hiện Tháng hành động vì trẻ em.
6. Về bảo vệ trẻ em: Luật Trẻ em quy định cụ thể các nội dung về 03 cấp độ bảo vệ trẻ em (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) và trách nhiệm thực hiện; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
Các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp được quy định cụ thể, cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Luật quy định các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở cả ba cấp độ, không chỉ dừng lại ở việc can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tại điều 53 của Luật Trẻ em quy định cụ thể trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã.
Quy định về chăm sóc thay thế nhằm đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ để vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Tại mục 4 Chương IV của Luật Trẻ em quy định các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Nội dung này được xây dựng trên cơ sở hệ thống hóa các nguyên tắc áp dụng đối với người chưa thành niên trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành, đồng thời bổ sung các nguyên tắc được quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các điều ước quốc tế về tư pháp đối với trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
7. Về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em: Chương V là nội dung mới của Luật để thể chế hóa quy định tại khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013 “trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”. Chương này quy định nội dung, phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em và biện pháp bảo đảm trong gia đình, nhà trường, cơ sở giáo dục khác và trong cộng đồng.
Để cơ chế giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em được khả thi và hiệu quả, Luật Trẻ em quy định rõ nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
8. Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em: Luật Trẻ em quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bao gồm Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và đặc biệt quy định trách nhiệm của gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục.
Công tác trẻ em liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, do đó Luật Trẻ em quy định về Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều hòa các hoạt động nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình thực hiện quyền trẻ em giữa các cơ quan ở Trung ương, các tổ chức, các địa phương.
BNC