[In trang]
Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016
Thứ ba, 28/06/2016 - 11:00
Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Khi luật này được áp dụng thì người lao động (NLĐ) được ký và không được ký hợp đồng lao động đều được bảo vệ nhiều quyền lợi hơn.

Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Khi luật này được áp dụng thì người lao động (NLĐ) được ký và không được ký hợp đồng lao động đều được bảo vệ nhiều quyền lợi hơn.

 - Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng: Mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ATVSLĐ; mở rộng đối tượng áp dụng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động;

 - Mở rộng chế độ chính sách đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Đó là các chính sách về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc; hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rui ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giữa những người tham gia bảo hiểm và các doanh nghiệp. Lần đầu tiên Luật cũng quy định việc tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện của người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động;

 - Về các quyền, nghĩa vụ về ATVSLĐ của người sử dụng lao động, người lao động và các chủ thể khác: Nếu như trước đây, Bộ luật Lao động chỉ quy định về nghĩa vụ thì trong Luật ATVSLĐ, các quy định về quyền của người lao động, người sử dụng lao động đã cụ thể và rõ nét. Đồng thời Luật cũng  quy định cụ thể quyền, trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động của tổ chức công đoàn, Hội Nông dân Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của mặt trận và các tổ chức xã hội khác;

 - Về thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ: Với sự gia tăng số doanh nghiệp trong nền kinh tế, đồng thời mở rộng đối tượng điều chỉnh sang khu vực không có quan hệ lao động, cùng với tiến trình công nghiệp hóa, đưa vào sử dụng máy móc, thiết bị mới, công tác thanh tra ATVSLĐ trở nên hết sức quan trọng. Luật ATVSLĐ  đã qui định cụ thể: “Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động là thanh tra chuyên ngành” và được tổ chức ở cấp trung ương và cấp tỉnh.

- Về phòng ngừa và giảm thiểu tổn thất do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp: Luật đã có các qui định cụ thể và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các biện pháp đánh giá, phòng ngừa rủi ro, cải thiện điều kiện lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc. Phương châm đảm bảo ATVSLĐ là các giải pháp phòng ngừa ít tốn kém hơn nhiều so với giải quyết hậu quả, xây dựng văn hóa an toàn tại doanh nghiệp cần nhấn mạnh hơn nhiều so với việc kêu gọi hỗ trợ nạn nhân khi tai nạn, bệnh nghề nghiệp xảy ra. Những điều này đòi hỏi cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện để nâng cao nhận thức cho người lao động.

Luật ATVSLĐ sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Với nhiều nội dung mới như đã nêu trên, đặc biệt là việc mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh tới cả các đối tượng là người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động,  để Luật ATVSLĐ đi vào cuộc sống, có tính khả thi cao, chúng ta phải tập trung làm tốt các công việc sau:

Thứ nhất, cần khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật An toàn vệ sinh lao độngđể đảm bảo Luật không chờ Nghị định, Nghị định không chờ thông tư, và khi Luật có hiệu lực, có thể thực hiện được ngay.

Thứ hai, cần tổ chức, triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật AT,VSLĐ đến các đối tượng, chủ thể có liên quan. Công tác thông tin, tuyên truyền cần phải đổi mới theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của doanh nghiệp và người lao động, kể cả người có quan hệ lao động và người nằm ngoài quan hệ lao động đối với công tác ATVSLĐ. Cần tuyên truyền, phổ biến tốt Luật và các văn bản hướng dẫn để doanh nghiệp và người lao động hiểu rõ quyền và trách nhiệm, những việc phải làm nhằm bảo đảm sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của người lao động, giúp cho doanh nghiệp, xã hội phát triển một cách bền vững.

Thứ ba, cần triển khai đồng bộ, thường xuyên các hoạt động ATVSLĐ được quy định trong Luật. Nội dung hoạt động quy định trong Luật đã khá đầy đủ, từ nguyên tắc đảm bảo ATVSLĐ; các biện pháp phòng chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; các biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ; nảo đảm ATVSLĐ đối với một số nhóm lao động đặc thù; bảo đảm ATVSLĐ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; các hoạt động quản lý nhà nước về ATVSLĐ.

Thứ tư, thúc đẩy và đề cao vai trò đảm bảo quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, Hội nông dân Việt Nam, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các thành viên của mặt trận và các tổ chức xã hội khác trong việc thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động. Luật ATVSLĐ cũng đã qui định rõ hơn và cụ thể hơn các quyền và trách nhiệm của các tổ chức này; và để thực thi Luật hiệu quả, cần phải huy động và tạo sự đồng thuận, chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị, xã hội, quần chúng nhân dân trong công tác ATVSLĐ. Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, các tổ chức, hiệp hội cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục người lao động tuân thủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động; tham gia thực hiện quyền kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động, người lao động cũng cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ; thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình được qui định trong Luật.

Thứ năm,đó là vấn đề nhân lực, cán bộ: Cần bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhân sự làm công tác ATVSLĐ trong các cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ thông tin trong giải quyết một số công việc nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính.

 Thanh Tùng - Phó Ban CSPL