[In trang]
87 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2016): Ghi sâu lời Bác dạy
Thứ năm, 28/07/2016 - 06:48
Quá trình hình thành và ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Hồ Chủ tịch là người đặt cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập và phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Quá trình hình thành và ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Hồ Chủ tịch là người đặt cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập và phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ đặc biệt quan tâm tới từng bước đi, bước trưởng thành của Công đoàn Việt Nam.

* Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh”, Người viết: "Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới" .

* Ngày 28-7-1929, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ miền Bắc Việt Nam tiền thân của Công Đoàn Việt Nam ngày nay.

* Tháng 10/1941 Người viết bài “Công nhân”, đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 108. Bài thơ nêu lên nỗi khổ cực của công nhân Việt Nam dưới ách thống trị và bóc lột của bọn Pháp, Nhật. Trong bài thơ Người nêu rõ:

“Công nhân sức mạnh nghề quen

Làm ra của cải cho thiên hạ nhờ”

Thế mà mình thì “quần áo xác xơ”; “Tiền công thì bớt, thì giờ thì thêm…”

Người đã chỉ rõ nguyên nhân và nêu định hướng đấu tranh:

“Thợ thuyền ta phải đứng ra 

Trước ta cứu nước, sau ta cứu mình 

Cùng nhau vào hội Việt Minh 

Ra tay tranh đấu hy sinh mới là 

Bao giờ khôi phục nước nhà 

Của ta ta giữ công ta ta làm” 

* Sau khi đất nước giành được độc lập, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1/5 là một trong những ngày Lễ chính thức của nước ta.

* Ngày 29/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1/5). Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động (1/5) được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.

* Ngày 12/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh số 29/SL quy định quan hệ giữa chủ với công nhân Việt Nam, đã có 22 điều nói về công nhân, công đoàn.

* Ngày 19/1/1957, trong chuyến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên và học viên Trường cán bộ Công đoàn, Người nêu rõ 6 nhiệm vụ cơ bản của tổ chức Công đoàn Việt Nam là:

1. Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng, vì Đảng mình là Đảng của giai cấp vô sản. Đường lối chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được, Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc. Bởi thế, Công đoàn phải hiểu để giải thích cho công nhân hiểu: công nhân không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được, không thắng lợi được. Vậy phải tuyên truyền sâu rộng chính sách chung của Đảng trong hàng ngũ giai cấp công nhân.

2. Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng.

3. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải học trước để hiểu biết khoa học.

4. Nội bộ công nhân phải đoàn kết, nhà máy này đoàn kết với nhà máy khác, cán bộ công nhân miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết. Ta kháng chiến thắng lợi cũng nhờ đoàn kết. Ta xây dựng nền hòa bình thắng lợi cũng nhờ đoàn kết. Ta đoàn kết nội bộ công nhân đồng thời củng cố sự liên minh của công nhân và nông nhân là hai giai cấp lớn nhất, mạnh nhất.

5. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải tìm cách này hay cách khác giải thích cho công nhân hiểu rõ tình hình trong nước và ngoài nước… phải giải thích cho họ hiểu. Nếu không họ sẽ hoang mang… Do hiểu được tình hình mà nâng cao tinh thần yêu nước của công nhân.

6. Công đoàn phải lãnh đạo, hướng dẫn công nhân. Lãnh đạo phải cụ thể, không quan liêu. Phải dân chủ bàn bạc với anh em công nhân. Phải kiểm tra. Làm mà không kiểm tra thì không biết kết quả ra sao, không hiểu sai lệch thế nào để kịp thời sửa chữa.”

* Ngày 5/11/1957 Hồ Chủ tịch đã kí sắc lệnh số 108-SL/L10 ban hành Luật Công đoàn do Quốc hội khóa 1 thông qua. Đây là chỗ dựa pháp lý đầu tiên để phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong chế độ mới, mà sau đó được văn kiện cơ bản của Đảng và của Nhà nước (Hiến pháp, bộ luật lao động, luật Công đoàn mới) kế tục và phát triển.

* Trong bài nói chuyện tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1961, Bác nhấn mạnh: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Phải nhận rằng đại đa số công nhân ta cần cù, thông minh và có nhiều sáng kiến hay… Nếu Công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng”. Và “Công đoàn phải có biện pháp thiết thực để nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của công nhân, phải tùy khả năng cộng với cố gắng mà nâng cao dần đời sống vật chất của họ; phải chú ý bảo vệ sức khỏe, bảo vệ an toàn lao động và tăng cường công tác vệ sinh…”.


Bác Hồ thăm Hội nghị cán bộ công đoàn cơ sở toàn miền Bắc, ngày 13/8/1962

* Phát biểu tại Hội nghị cán bộ công đoàn cơ sở toàn miền Bắc, ngày 13/8/1962, Bác mong muốn cán bộ công đoàn phải có “tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, quyết tâm khắc phục khó khăn làm tròn nhiệm vụ mà Đảng đã giao phó cho cán bộ công đoàn, trước hết là làm cho công nhân phấn khởi thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm…”. Người căn dặn: “Cán bộ công đoàn phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bàn bạc với công nhân”.

* Lần cuối cùng Bác gặp các đồng chí lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam vào tháng 7/1969, Bác nêu rõ: “Công đoàn cần tập trung vào việc phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong việc tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước để thực hiện tốt ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật và cách mạng tư tưởng, văn hóa. Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân có quyền thực sự trong xí nghiệp, có quyền phê bình tất cả mọi việc và mọi người trong xí nghiệp. Họ có quyền phát biểu về mọi vấn đề quản lý xí nghiệp, sản xuất, đời sống... Phải thật sự dân chủ trong việc bầu cử các ban chấp hành công đoàn, bầu những người đại diện thực sự cho họ. Tóm lại, phải làm cho công nhân có ý thức về toàn bộ hoạt động của xí nghiệp và đời sống kinh tế và văn hóa của xã hội, có như vậy mới phát huy được vai trò làm chủ của giai cấp công nhân”.

Từ sự quan tâm đặc biệt của Hồ Chủ tịch và những quan điểm, lời dạy của Người, trong 87 năm qua, tổ chức công đoàn Việt Nam và cán bộ công đoàn không ngừng đổi mới, làm tốt chức năng chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Và những cán bộ công đoàn Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ những lời dạy ân tình của Bác: “Muốn tổ chức và phát triển lực lượng xây dựng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt”.

 

PL