[In trang]
Một số biện pháp cơ bản để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay
Thứ hai, 01/08/2016 - 10:06
Công tác thi đua - khen thưởng có vị trí, ý nghĩa, vai trò quan trọng góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để người quản lý sử dụng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, chính trị của cơ quan, đơn vị mình nhằm khuyến khích, động viên các cá nhân hăng hái thi đua lập thành tích trong lao động và công tác.

Công tác thi đua - khen thưởng có vị trí, ý nghĩa, vai trò quan trọng góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, là biện pháp để người quản lý sử dụng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, chính trị của cơ quan, đơn vị mình nhằm khuyến khích, động viên các cá nhân hăng hái thi đua lập thành tích trong lao động và công tác.

Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, cần tiếp tục thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc nhằm động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên trong lao động, phát triển kinh tế cũng như trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thi đua khen thưởng:“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”, “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Trong thời gian tới, để đơn vị thật sự phát huy, làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, bên cạnh các giải pháp khác thì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng để công tác này thật sự trở thành động lực, đòn bẩy, thúc đẩy việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng và việc nghiên cứu, áp dụng, thực hiện một cách linh hoạt, hợp lý, thiết thực, có hiệu quả các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng trong đơn vị đóng một vai trò rất quan trọng. Xác định rõ vai trò của công tác thi đua - khen thưởng, để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là “đòn bẩy”, kích thích cá nhân, tập thể hăng say hoạt động, phát huy hết tài năng của mình trong việc xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện thì cần phải thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là, lãnh đạo đơn vị cần có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong xây dựng đơn vị.

Bản chất của thi đua, khen thưởng không phải là sự cạnh tranh, ganh đua mà là hình thành động cơ thi đua trong sáng, lành mạnh, vì lợi ích của mọi người, của tập thể và lợi ích của đơn vị. Động cơ thi đua là lực thúc đẩy bên trong của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện phong trào thi đua, là tổng hòa những nhân tố tình cảm, ý chí, niềm tin với phong trào thi đua. Động cơ thi đua hình thành trên cơ sở giác ngộ sâu sắc về mục đích, ý nghĩa và vai trò của thi đua, thể hiện sâu sắc nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với sự lớn mạnh của đơn vị. Trên cơ sở xây dựng động cơ đúng mà xây dựng quyết tâm hoàn thành hoàn thành các chỉ tiêu, định mức của thi đua. Để làm được điều đó, ở đơn vị phải tập trung tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức nắm vững mục đích, ý nghĩa chính trị - xã hội của thi đua, những quan điểm của Đảng ta và của Chủ Tịch Hồ Chí Minh về thi đua, làm tốt việc giáo dục ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau vì lợi ích chung, kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng ăn thua, ganh đua, cục bộ, chạy theo thành tích, vì lợi ích động cơ cá nhân và những biểu hiện thiếu trung thực trong thi đua. Lãnh đạo đơn vị cần chỉ đạo thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất, không trọng tâm, không đúng đối tượng. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đây được xem là giải pháp then chốt, quan trọng nhất và mang tính quyết định đến hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng mà đơn vị cần quán triệt và có biện pháp thực hiện hiệu quả.

Hai là, cần tạo sự thống nhất về tư tưởng trong việc tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong toàn đơn vị.

Việc thống nhất cao về tư tưởng trong lãnh đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ các mặt công tác nói chung và công tác thi đua, khen thưởng nói riêng đóng một vai trò quan trọng. Nó chính là “bộ não” có tác dụng điều khiển, tạo nên động lực phấn đấu đối với mỗi cán bộ, công chức của đơn vị, là tiền đề cơ bản, quan trọng nhất trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả, thành công công tác này. Không thể phát động phong trào thi đua, phát huy được tác động tích cực của việc khen thưởng, noi gương sáng điển hình tiên tiến, hay lấy thi đua, khen thưởng làm động lực, đòn bẩy để thúc đẩy các tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc, xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao nếu tư tưởng không nhất quán, thông suốt, rõ ràng và đúng đắn.

Vì vậy, để công tác thi đua, khen thưởng phát huy tính tác động tích cực, cần có sự thống nhất cao về mặt tư tưởng, các cấp ủy, chi bộ Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo của mình đối với công tác thi đua khen thưởng; các tổ chức đoàn thể cần phối hợp vào cuộc một cách quyết liệt để công tác thi đua khen thưởng phát triển đồng bộ, sâu rộng, đạt kết quả và thường xuyên được duy trì; đơn vị cần xác định công tác thi đua khen thưởng là nhiệm vụ chính trị quan trọng; mỗi cán bộ, công chức cần xác định tư tưởng thi đua, phấn đấu hết mình trong từng nhiệm vụ công tác, trong các lĩnh vực của đời sống, nâng cao chất lượng công tác về mọi mặt, hoàn thiện bản thân, hướng tới đạt chuẩn của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức đã được ban hành.

Ba là, công tác thi đua, khen thưởng phải gắn liền với nhiệm vụ, chính trị chuyên môn.

Để công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực thúc đẩy việc hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, Lãnh đạo đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, Công đoàn và Đoàn thanh niên quán triệt và cụ thể hóa các nội dung thi đua gắn liền với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được Thống đốc giao và tuyên truyền, phổ biến tới từng cán bộ công chức triển khai thực hiện chỉ thị 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Ngân hàng” đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mỗi cá nhân về công tác thi đua khen thưởng.

Đơn vị đã triển khai và cụ thể hóa các nội dung thi đua gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị chuyên môn của đơn vị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luất của Nhà nước về thi đua khen thưởng tới toàn thể cán bộ, công chức qua đó khơi dậy, cổ vũ tinh thần đoàn kết, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lao động, tạo động lực cho việc hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn.

Bốn là, nâng cao nhận thức, đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đối với công tác thi đua, khen thưởng.

Bên cạnh sự lãnh đạo sâu sát của Cấp ủy, Chi bộ, lãnh đạo của đơn vị, sự thống nhất trong tư tưởng và hành động trong chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua thì trách nhiệm, sự nỗ lực, ý thức của mỗi cán bộ, công chức đóng một vai trò hết sức quan trọng, bởi nó phát huy được sức mạnh của cả tập thể trong việc phấn đấu, hướng tới mục tiêu chung của toàn Ngành. Do đó, các đơn vị cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, trong đó chú trọng tuyên truyền Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành thông qua các hình thức phù hợp như có văn bản triển khai sâu rộng đến toàn đơn vị, tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về công tác thi đua khen thưởng, tổ chức các cuộc thi viết về chủ đề thi đua khen thưởng,… Qua đó, nhằm làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, công chức,viên chức ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của chính bản thân mình đối với công tác này.

Năm là, tích cực, chủ động phát hiện, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua.

Việc phát hiện, xây dựng, tôn vinh và nhân rộng nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” phải được đặc biệt coi trọng; quan tâm lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời nhằm tạo động lực và đòn bẩy phấn đấu cho các cán bộ, công chức, viên chức. Điển hình tiên tiến là những tấm gương sinh động để giáo dục, thu hút mọi người tích cực tham gia thi đua, là nghệ thuật lấy phong trào chỉ đạo phong trào phát triển thành cao trào mạnh mẽ. Thông qua cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến để rút ra những sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt, bổ ích cho việc động viên, thúc đẩy phong trào thi đua. Phát hiện điển hình tiên tiến là việc làm hết sức công phu, đòi hỏi người lãnh đạo đơn vị phải đi sâu, đi sát với phong trào thi đua, tìm hiểu kỹ kinh nghiệm và thành tích của từng tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua. Phải thông qua phong trào thi đua để phát hiện ra những điển hình tiên tiến. Khi điển hình tiên tiến xuất hiện, dù là còn mới, còn nhỏ phải nhanh chóng bồi dưỡng điển hình ngày một hoàn thiện, hoàn chỉnh, trở thành mẫu mực để toàn đơn vị học tập. Nội dung bồi dưỡng toàn diện trên tất cả các mặt, chú trọng bồi dưỡng về phẩm chất, năng lực, động cơ thi đua đúng đắn, ý thức trách nhiệm, biết giữ gìn và phát huy tác dụng trong mọi thời gian, có tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, ý thức tổ chức kỷ luật trong thực hiện phong trào thi đua, khắc phục tư tưởng thỏa mãn, dừng lại, tự cao, tự đại. Bồi dưỡng các điển hình tiên tiến bằng nhiều biện pháp như giao nhiệm vụ kết hợp chặt chẽ với động viên, khích lệ, đặt ra yêu cầu cao để họ phấn đấu rèn luyện. Tránh hiện tượng áp đặt, chủ quan cố tạo ra điển hình, khắt khe trong xây dựng điển hình hoặc đề cao quá mức phản tác dụng.

Cần lưu ý rằng việc khen thưởng không nhất thiết phải đến kỳ sơ kết, tổng kết phong trào mới đưa bình xét mà cần tiến hành thường xuyên, vì thực chất của việc khen thưởng có vai trò chủ yếu là động viên tinh thần, làm cho người được khen thưởng phấn khởi, khích lệ và do đó hiệu quả công việc đương nhiên sẽ tốt hơn.

Sáu là, tổ chức sơ, tổng kết, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua.

Đây là biện pháp rất quan trọng, không thể thiếu trong tổ chức thi đua nhằm đánh giá đúng thành tích, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Trong quá trình khen thưởng phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ từ trên xuống dưới, đảm bảo đúng nguyên tắc và đạt được các yêu cầu: Chính xác, dân chủ, kịp thời, công khai, xây dựng được tinh thần đoàn kết phấn khời, nêu cao tính tự phê bình và phê bình, đánh giá đúng người, đúng việc, tránh chủ quan, đơn giản, tranh công, đổ lỗi. Vấn đề mấu chốt trong công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua là đúc rút tìm ra được những kinh nghiệm hay, chọn được tập thể và cá nhân tiên tiến xuất sắc, đồng thời khen thưởng đúng mức để động viên mọi người phấn đấu thực hiện tích cực hơn nữa.

Trên đây là một số nội dung, biện pháp cơ bản để phát huy vai trò của công tác thi đua, khen thưởng ở đơn vị hiện nay. Thực hiện tốt biện pháp này là cơ sở tiền đề để thực hiện các biện pháp tiếp theo. Phát huy tốt vai trò của thi đua, khen thưởng sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và góp phần xây dựng nhân cách người cán bộ, công chức, xây dựng củng cố các tổ chức đảng, tổ chức lãnh đạo và tổ chức quần chúng vững mạnh toàn diện.

Hoàng Thúy Hằng, Sở Giao dịch NHNN