[In trang]
Thống đốc Lê Minh Hưng: Ngành Ngân hàng xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, khơi thông nguồn vốn
Chủ nhật, 23/07/2017 - 08:20
Ngày 21/7/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Ngày 21/7/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.


Chủ trì Hội nghị trực tuyến tại Trụ sở chính NHNN gồm đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN, đồng chí Nguyễn Phước Thanh và đồng chí Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN. Chủ trì điểm cầu của Hội nghị tại Đà Nẵng là đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đồng chí Nguyễn Kim Hồng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Khanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thi hành án dân sự, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục an ninh Tài chính, Tiền tệ và Đầu tư (A84 - Bộ Công an). Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện các cơ quan Trung ương: Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tổng Cục thi hành án dân sự, đại diện các cơ quan trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Thống đốc Lê Minh Hưng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Về phía ngành Ngân hàng, tại Hà Nội và các đầu cầu cả nước có Thủ trưởng các đơn vị tại trụ sở chính NHNN, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các Tổ chức tín dụng Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng 100% vốn nước ngoài, Ngân hàng Liên doanh, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, các Công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính…

Tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết số 42). Ngày 19/7, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg (Chỉ thị số 32) về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 và ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Đề án 1058). Thực hiện Chỉ thị số 32 của Thủ tướng, ngày 20/7/2017 Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN về việc thực hiện Nghị quyết số 42 và Đề án 1058.

Đồng chí Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội tới dự và phát biểu ý kiến

Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, song từ đầu năm 2017 đến nay, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) một cách chủ động, linh hoạt, không chỉ duy trì ổn định trên thị trường tiền tệ mà còn góp phần quan trọng vào ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Đồng thời, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội và Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết và Đề án, chỉ đạo một cách kịp thời, cụ thể, hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới để tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả trong thực tiễn.

Giảm lãi suất, tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, ngày 10/01/2017, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện CSTT và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017. Theo đó, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong năm 2017, NHNN tiếp tục kiên định điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (bình quân khoảng 4%), ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (khoảng 6,7%), bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD), ổn định thị trường tiền tệ. Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%; tín dụng tăng khoảng 18%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Cụ thể, các chỉ tiêu tiền tệ tăng hợp lý, đến ngày 30/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,82% so với cuối năm 2016, hỗ trợ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu trong điều kiện giá các mặt hàng Nhà nước quản lý tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình;

Giữ ổn định mặt bằng lãi suất trong 6 tháng đầu năm mặc dù có sức ép tăng do lạm phát cuối năm 2016, đầu năm 2017 ở mức cao, tín dụng tăng nhanh ngay từ đầu năm, trái phiếu Chính phủ (TPCP) tiếp tục phát hành với khối lượng lớn, kỳ hạn dài, thị trường ngoại tệ chịu sức ép trước việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, NHNN đã chỉ đạo kịp thời từ ngày 10/7/2017, các TCTD đã thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, như vậy mặt bằng lãi suất hiện nay khoảng 6-6,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn và khoảng 8-10,5% đối với trung và dài hạn, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4-5%/năm;

Thực hiện các giải pháp tín dụng, tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Kết quả, khác với các năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế đã liên tục tăng nhanh và đều qua các tháng từ đầu năm, không có tình trạng tín dụng tăng thấp vào đầu năm và dồn vào những tháng cuối năm như những năm trước; đến ngày 30/6/2017 tăng 9,06% so với cuối năm trước và là mức cao so với cùng kỳ các năm gần đây nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng. Cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó, tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng chậm lại;

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định mặc dù Fed tăng lãi suất, nhập siêu tiếp diễn; thanh khoản thị trường tốt, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Công tác tái cơ cấu, xử lý nợ xấu cũng được triển khai quyết liệt; nhờ đó, nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3%, hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh.

Quyết tâm triển khai hiệu quả Nghị quyết Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng

Tại Hội nghị, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN đã trình bày một số nội dung cơ bản của Nghị quyết và Đề án, đồng thời báo cáo một số kết quả thực hiện công tác tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng trong thời gian qua. Trong đó, đáng lưu ý, ngày 19/7/2017, trên cơ sở đề nghị của NHNN, một số Tòa án, TCTD và VAMC, Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản số 152/TANDTC-PC gửi Tòa án nhân dân cấp cao, các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc xử lý vướng mắc khi giải quyết tranh chấp nhằm xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các hợp đồng tín dụng.

Một số đại diện của các Ngân hàng thương mại như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)… đã báo cáo kết quả thực hiện công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của đơn vị mình. Đặc biệt, ở đầu cầu của Hội nghị tại Cần Thơ, đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Vietcombank chi nhánh Tây Cần Thơ (trước đây là chi nhánh Tây Đô), một trong những chi nhánh có nợ xấu cao nhất của Vietcombank đã chia sẻ những kinh nghiệm xương máu trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu của mình. Một số đại biểu cũng nêu những thắc mắc, kiến nghị cần được giải đáp, hỗ trợ của ngành Ngân hàng để đẩy mạnh hơn nữa và hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ mà Quốc hội và Thủ tướng đã giao cho ngành Ngân hàng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh: Về cơ bản, các quy định tại Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của TCTD, VAMC đã được NHNN báo cáo Chính phủ, Quốc hội, nhằm mục tiêu đảm bảo quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD, VAMC cũng như thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, đảm bảo sự an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu là văn bản pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội. Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của TCTD, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN yêu cầu:

Đối với các đơn vị thuộc NHNN: Theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tập trung thực hiện các nội dung công việc được phân công để hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Tổ chức quán triệt nội dung và tổ chức thực hiện Nghị quyết trong toàn hệ thống; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu hằng năm và định kỳ báo cáo tình hình xử lý nợ xấu; Thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực quản trị nội bộ đặc biệt là quản trị rủi ro; các biện pháp ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu, ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh, trong đó đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác thẩm định, xử lý nợ...

Để triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Thống đốc NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung xây dựng và hoàn thiện ngay Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 với các nội dung tối thiểu sau: Đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động quản trị điều hành, cổ đông và sở hữu vốn điều lệ của TCTD; Xác định rõ mục tiêu, định hướng cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo từng năm trong thời gian từ nay đến năm 2020; Đề xuất các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và lộ trình thực hiện trên các mặt quản trị điều hành, cổ đông sở hữu cổ phần, thực trạng tài chính, mạng lưới hoạt động, khả năng cạnh tranh… đảm bảo phù hợp với các giải pháp cơ cấu lại nêu tại Đề án, các quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu khắc phục, xử lý các tồn tại, sai phạm, yếu kém của TCTD nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Đồng thời với việc xây dựng Phương án, mỗi TCTD cần thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại để triển khai. Trong quá trình tổ chức thực hiện cơ cấu lại nếu phát sinh những vấn đề vượt thẩm quyền, khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo NHNN để được xem xét, quyết định.

Việc triển khai thành công quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD và hiệu quả của việc xử lý nợ xấu, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của ngành Ngân hàng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, sự phối hợp của cấp chính quyền địa phương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan cũng đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng được thuận lợi hơn. Do vậy, thông qua Hội nghị trực tuyến ngày 21/7 này, NHNN mong sẽ nhận được sự chia sẻ, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành và các địa phương trong quá trình triển khai, không chỉ đối với Nghị quyết số 42 và Đề án 1058 nói riêng mà cả hoạt động ngân hàng nói chung. Với sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống, mục tiêu giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn, bền vững của hệ thống ngân hàng, đưa nợ xấu về dưới mức 3% một cách bền vững sẽ được đảm bảo, qua đó đẩy mạnh nguồn vốn ngân hàng hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước.

Theo sbv.gov.vn