Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, từ đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kiên định điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra; ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD), ổn định thị trường tiền tệ; định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%.
- Về diễn biến tiền tệ: NHNN điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ CSTT để kiểm soát các chỉ tiêu cung ứng tiền phù hợp với mục tiêu điều hành. Đến ngày 20/9/2017, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 9,59% so với cuối năm 2016 (tăng 15,36% so cùng kỳ 2016), hỗ trợ kiểm soát lạm phát tiếp tục ổn định ở mức thấp, đảm bảo kiểm soát lạm phát CPI theo mục tiêu trong bối cảnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý được điều chỉnh. Thanh khoản của TCTD được đảm bảo, dư thừa ở mức hợp lý để hỗ trợ tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm, từ đó góp phần ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, đồng thời hỗ trợ Bộ Tài chính phát hành thành công TPCP với kỳ hạn dài và lãi suất thấp.
- Về diễn biến lãi suất: Mặt bằng lãi suất được giữ ổn định và giảm mặc dù có sức ép tăng trong 6 tháng đầu năm 2017; từ ngày 10/7/2017, để hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, trên cơ sở đánh giá thận trọng diễn biến lạm phát có chiều hướng tăng chậm và khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% của Quốc hội, đồng thời hoạt động ngân hàng có diễn biến tích cực, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên, điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành của NHNN, có văn bản chỉ đạo các TCTD tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Kết quả của việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, các TCTD đã tích cực triển khai chủ trương của Chính phủ và NHNN giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, các TCTD cũng tích cực thực hiện giảm lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm, giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm (từ mức phổ biến 9-10,5%/năm trước đó), triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4-5%/năm. Đồng thời, các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức: ngắn hạn 6-6,5%/năm, trung và dài hạn 8-10,5%/năm; đối với SXKD thông thường, khoảng 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung dài hạn.
- Về diễn biến tỷ giá: Tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều hành linh hoạt bám sát diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; đồng thời kết hợp chủ động và linh hoạt điều tiết thanh khoản tiền VND hợp lý, theo dõi sát diễn biến thanh khoản thị trường và trạng thái ngoại tệ của hệ thống để điều chỉnh tỷ giá trung tâm phù hợp, đúng thời điểm, qua đó góp phần giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá theo mục tiêu đề ra. Thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng; các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân về ngoại tệ đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Tỷ giá diễn biến cơ bản ổn định so với cuối năm 2016.
- Về tín dụng: Trên cơ sở định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm, NHNN đã thông báo chỉ tiêu cho các TCTD và xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình hoạt động của các TCTD; chỉ đạo các TCTD tập trung giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn lực, cân đối nguồn vốn để triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao...
Tín dụng đối với nền kinh tế liên tục tăng ngay từ những tháng đầu năm 2017 và tăng đều qua các tháng. Đến ngày 20/9/2017, tín dụng tăng 11,02% so với cuối năm 2016 - là mức tăng cao so với các năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,46% và cùng kỳ năm 2015 tăng 10,78%). Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực SXKD, trong đó, tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm và lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống.
Cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên đều tăng so với cuối năm 2016. Cụ thể: Tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn đến tháng 8/2017 đạt 1.222.267 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng khoảng 20,2% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; Tín dụng đối với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại (đến cuối tháng 8/2017): Tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu đạt 207.001 tỷ đồng, tăng 8,14%; Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 35.012 tỷ đồng, tăng 25,12%; Tín dụng công nghiệp ưu tiên phát triển đạt 153.837 tỷ đồng, tăng 18,9%; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49%;
- Công tác tái cơ cấu trong 9 tháng đầu năm 2017 tiếp tục được NHNN tăng cường và thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện, trong đó đặt trọng tâm vào 02 nội dung gồm: (1) xây dựng và triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”; (2) triển khai cơ cấu lại các TCTD yếu kém.
Kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 được ban hành, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện các nội dung của Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Kết quả mua nợ thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt: Từ 01/01/2017 đến hết 15/9/2017, VAMC đã mua nợ của 14 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 20.995 tỷ đồng, giá mua nợ là 20.619 tỷ đồng, đã đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 được Ngân hàng Nhà nước giao. Như vậy, tính từ 2013 đến thời điểm 15/9/2017, VAMC đã thực hiện mua được 26.108 khoản nợ của 16.197 khách hàng tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 296.550 tỷ đồng, giá mua nợ là 266.543 tỷ đồng.
- Trong hoạt động thanh toán: Tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế có xu hướng giảm dần, từ 19,02% năm 2005 xuống 14,02% năm 2010 và đến thời điểm 31/12/2016 là 11,49 %; nhận thức và thói quen về sử dụng tiền mặt trong thanh toán đã có chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng nhiều người chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thay cho thanh toán bằng dùng tiền mặt.
Cơ sở hạ tầng thanh toán của Việt Nam hiện nay đã cơ bản đáp ứng và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và thanh toán qua thẻ.
Thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, số lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tính đến tháng 6/2017, số lượng thẻ phát hành lũy kế đạt mức trên 121,5 triệu thẻ. Các NHTM đã tích hợp thêm nhiều tính năng ứng dụng thanh toán thẻ ngân hàng sử dụng thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến; các NHTM luôn quan tâm đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ thẻ, chú trọng tăng độ an toàn của thẻ ngân hàng.
Đến nay, có trên 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCUDVTT) triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 39 TCCUDVTT cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. NHNN đã tập trung chỉ đạo phát triển thanh toán thẻ qua POS để nâng cao số lượng, giá trị giao dịch thanh toán qua POS, thực sự góp phần vào thúc đẩy TTKDTM
2. Định hướng điều hành trong những tháng cuối năm 2017
Trong những tháng cuối năm 2017, NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:
- Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, lạm phát, hoạt động của hệ thống các TCTD, NHNN điều hành linh hoạt lượng cung tiền, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, xem xét điều chỉnh lộ trình áp dụng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để sử dụng cho vay trung, dài hạn phù hợp, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và giảm áp lực thanh khoản, hỗ trợ các TCTD ổn định mặt bằng lãi suất huy động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
- Tiếp tục điều hành các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực SXKD.
- Tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt trên cơ sở tham chiếu diễn biến thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ, cán cân thanh toán và phù hợp với mục tiêu CSTT;
- Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để chủ động, linh hoạt điều hành các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm thanh khoản hệ thống, cung ứng vốn có hiệu quả cho nền kinh tế, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
- Thực hiện các giải pháp và định hướng điều tiết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 372/TB-VPCP ngày 17/8/2017, trên cơ sở kiểm soát lạm phát, diễn biến kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng, hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên; hạn chế tập trung tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn và triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực (cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/NĐ-CP; cho vay hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP;...)
- Một số định hướng, giải pháp trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD thời gian tới: (i) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó quan trọng nhất là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý, cơ cấu lại TCTD yếu kém; (ii) Nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành của TCTD; (iii) Tăng cường đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, theo đó tiếp tục tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; (iv) Các giải pháp hỗ trợ khác, trong đó có việc Thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD với thành phần theo hướng: Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Phó Trưởng Ban thường trực, Thống đốc NHNN làm Phó Trưởng Ban và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan làm thành viên. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD với các thành phần theo hướng như trên. Để tham mưu Thống đốc NHNN thực hiện nhiệm vụ của Phó Trưởng Ban, các nội dung liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của NHNN với vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của NHNN.
- Để nâng cao chất lượng dịch vụ, công nghệ trong hoạt động thanh toán, đặc biệt là thanh toán thẻ, thời gian tới cần triển khai một số giải pháp cơ bản như: Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, thanh toán thẻ nói riêng, đáp ứng được yêu cầu của ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực thanh toán và hội nhập kinh tế quốc tế; Thứ hai, tiếp tục xây dựng, phát triển, hoàn thiện hạ tầng, công nghệ thanh toán theo hướng sử dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện, an toàn và hiệu quả; Thứ ba, nâng cao chất lượng, đa dạng các dịch vụ tiện ích của ngân hàng nhằm phục vụ tốt nhất cho người sử dụng; không ngừng đổi mới và áp dụng công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán thẻ như: áp dụng công nghệ thẻ phi tiếp xúc, thẻ đa năng, QR code, Tokenization; Thứ tư, tăng cường hoạt động giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và tin cậy đối với các hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; giám sát đối với các hệ thống thanh toán điện tử theo các nguyên tắc giám sát quốc tế, đảm bảo các hệ thống thanh toán hoạt động an toàn, hiệu quả; Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người người tiêu dùng trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; Thứ sáu, tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy thanh toán điện tử, thanh toán thẻ...
NHNN