[In trang]
Họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng và tội phạm ngành Ngân hàng 9 tháng đầu năm 2017
Thứ sáu, 10/11/2017 - 13:54
Ngày 9/11/2017, tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng và tội phạm ngành Ngân hàng 9 tháng đầu năm 2017.

Ngày 9/11/2017, tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng và tội phạm ngành Ngân hàng 9 tháng đầu năm 2017.


Phó Thống đốc Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp

Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng và tội phạm ngành Ngân hàng; Đại diện Lãnh đạo Văn phòng NHNN, Vụ Thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng (Vụ III, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng và tội phạm ngành Ngân hàng; Chủ tịch Hội đồng quản trị: Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, nhận thức rõ tầm rõ quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm, trong thời gian qua, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trong ngành Ngân hàng, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động. Phó Thống đốc đề nghị, các đơn vị, các đồng chí tham dự cuộc họp tập trung tham gia trao đổi, thảo luận và có ý kiến phát biểu. Đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung những giải pháp liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm (nếu có).

Tại cuộc họp, ông Trần Đăng Phi – Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng đã trình bày báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm của ngành Ngân hàng 9 tháng đầu năm 2017 và chương trình, nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm ngành Ngân hàng 3 tháng cuối năm 2017.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, toàn ngành Ngân hàng đã tổ chức 744 lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về phòng, chống tham nhũng; số lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp tập huấn, quán triệt pháp luật về phòng, chống tham nhũng là 55.682 lượt người. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ công nhân viên chức trong toàn Ngành, kịp thời chấn chỉnh đối với những cá nhân có biểu hiện sai trái hoặc có những hành vi tiêu cực, kết hợp công tác đấu tranh chống tham nhũng với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Toàn Ngành đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản của Nhà nước, của Ngành liên quan đến cơ chế, quy chế, quản lý an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ngăn ngừa tội phạm xảy ra; Toàn ngành Ngân hàng đã ban hành 09 Thông tư mới về cơ chế, quy chế thuộc các lĩnh vực nghiệp vụ ngân hàng (chính sách tiền tệ, tín dụng, kinh doanh vàng, hoạt động ngoại hối…); các đơn vị trong ngành Ngân hàng đã ban hành mới 102 văn bản để chỉ đạo thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng và hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng, sửa đổi, bổ sung 28 văn bản.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai quán triệt việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về nêu cao tinh thần, trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Ngân hàng triển khai thực hiện và cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng…

Bên cạnh đó, các đơn vị trong Ngành tiếp tục thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các đơn vị trong Ngành đã xây dựng, bổ sung, ban hành, hệ thống hóa các văn bản về thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

Ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tham nhũng và Chỉ thí số 26/2006/CT-TTg ngày 01/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm dung công quỹ làm quà biếu và tiếp khách sai quy định; Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế văn hóa công sở; Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng; Hàng năm, các đơn vị trong ngành Ngân hàng đã thực hiện việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản thu nhập theo đúng quy định; NHNN tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với việc tiếp nhận, trả kết quả qua mạng; Thực hiện cải cách hành chính đối với việc tổ chức các cuộc họp, tăng cường sử dụng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến; Nghiêm túc thực hiện Quyết định số 142/QĐ-NHNN ngày 03/2/2015 của Thống đốc NHNN về việc xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào hoạt động của NHNN; Tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Đổi mới phương thức thanh toán, trả lương qua tài khoản nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Các đại biểu tham gia cuộc họp đều cơ bản nhất trí với báo cáo tóm tắt nội dung công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm của ngành Ngân hàng 9 tháng đầu năm 2017 và chương trình, nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm ngành Ngân hàng 3 tháng cuối năm 2017. Đồng thời đưa ra những ý kiến đóng góp đối với công tác này đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, đi đôi với việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng và tội phạm trong 9 tháng đầu năm 2017, các đơn vị ngành Ngân hàng đã xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; đã ban hành khá đầy đủ văn bản quy định, quy chế, quy trình về nghiệp vụ và thiết chế bộ máy, tổ chức cán bộ phù hợp nhằm quản trị, kiểm soát tác nghiệp, hạn chế rủi ro hoạt động ở mức thấp nhất; Trách nhiệm, sự quan tâm theo dõi, giám sát, kiểm tra thường xuyên và nhận thức đúng đắn của các thành viên Ban Chỉ đạo cũng như các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị chức năng như Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Tổ chức cán bộ…; Nhiều vụ việc xảy ra, Ban Chỉ đạo đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các đơn vị trong Ngành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm, bám sát nội dng các văn bản của Nhà nước, hướng dẫn thực hiện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo 138/CP về lĩnh vực này, cụ thể là:

(i) Tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 21/NQ_CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ ban hành Chiến lực quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Chỉ thị số 48/CT-TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới trong ngành Ngân hàng; Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;

(ii) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm ngành Ngân hàng;

(iii) Đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính công khai, minh bạch, coi đây là một trong những biện pháp thiết thực nhất giảm thiểu tham nhũng và tội phạm trong và ngoài Ngành;

(iv) Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất đối với công tác phòng chống tham nhũng và tội phạm năm 2017 đã được Thống đốc NHNN phê duyệt; Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát các TCTD và bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD;

(v) Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng và tội phạm để tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước và của ngành Ngân hàng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức;

(vi) Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời kiểm tra, xác minh, kết luận rõ đúng, sai đối với những đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền;

(vii) Các đơn vị chủ động trong việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và tội phạm ngành Ngân hàng khi có sự thay đổi về nhân sự; tổ chức họp định kỳ Ban Chỉ đạo;

(viii) Tiếp nhận, xử lý thông tin qua các kênh khác nhau;

(ix) Qua các vụ việc đã xảy ra thời gian qua, rút ra bài học kinh nghiệm chung cho các ngân hàng thương mại.

(x) Triển khai tổ chức thực có hiệu quả Chỉ thị 07 và những nội dung của Hội nghị phòng chống, tội phạm tham nhũng ngành Ngân hàng;

(xi) Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo về việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, trình chủ trương lên Ban Cán Đảng NHNN, nên xây dựng quy chế luân chuyển trong hệ thống NHNN và các TCTD;

(xii) Tổ chức các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm giữa các TCTD ngăn ngừa các hành vi vi phạm thường xuyên hơn;

(xiii) Tăng cường với cơ quan chức năng về phòng, chống tội phạm trong và ngoài Ngành;

(xiv) Chú trọng thực hiện công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, đảng viên, nhân viên ngành Ngân hàng.

 

NH (theo SBV)