Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, quy định về thời gian đóng, hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã bị nhiều người lao động (NLĐ), đặc biệt là lao động trẻ lợi dụng "nhảy việc" theo cách chỉ đi làm 12 tháng, sau đó xin thôi việc để hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) rồi tìm việc ở doanh nghiệp (DN) khác.
Trong công văn mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, quy định về thời gian đóng, hưởng BHTN còn bất cập. Cụ thể, nếu NLĐ có đủ 12 tháng đến 36 tháng đóng BHTN sẽ được hưởng 3 tháng TCTN, sau đó cứ đóng thêm 12 tháng được hưởng thêm 1 tháng, tối đa không quá 12 tháng. Quy định này đã bị nhiều NLĐ, đặc biệt là lao động trẻ lợi dụng bằng cách chỉ đi làm 12 tháng, sau đó xin thôi việc để hưởng 3 tháng TCTN rồi tìm việc ở DN khác. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ BHXH và tăng tỷ lệ biến động lao động, tăng chi phí tuyển dụng, đào tạo của DN.
Người lao động tại TP HCM làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
Từ thực tế này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị nhà nước nghiên cứu, sửa đổi theo hướng NLĐ có thời gian đóng BHTN từ đủ 12 tháng đến 24 tháng thì được hưởng 2 tháng TCTN sau đó mỗi năm đóng được hưởng thêm 1 tháng và tối đa không hưởng quá 12 tháng để tránh việc NLĐ lợi dụng "nhảy việc" gây khó khăn cho DN.
Trong công văn phản hồi kiến nghị này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, trong quá trình xây dựng chính sách BHTN tại Luật Việc làm, Ban soạn thảo đã nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia thực hiện thành công chính sách BHTN/bảo hiểm việc làm (Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…). Với mức hưởng TCTN là 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN, thời gian hưởng tối thiểu là 3 tháng (180%) là tương đối phù hợp với thông lệ quốc tế và các mức trợ cấp mà NLĐ nhận được khi mất việc làm theo quy định hiện hành.
Cụ thể, đa số các quốc gia đều áp dụng thời gian hưởng TCTN tối thiểu là 90 ngày (3 tháng). Theo quy định tại Điều 15 Công ước số 168 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xúc tiến việc làm và bảo vệ chống thất nghiệp thì mức TCTN không ít hơn 45% của thu nhập trước đó hoặc không ít hơn 45% của tiền lương tối thiểu theo quy định hoặc tiền lương của NLĐ bình thường nhưng không ít hơn mức có thể bảo đảm mức đóng cơ bản tối thiểu. Điều 24 Công ước số 2012 của Tổ chức Lao động Quốc tế về an toàn xã hội thì thời gian hưởng TCTN tối thiểu là 12 tuần (3 tháng) trong thời kỳ 12 tháng.
Kiến nghị của Hiệp hội Dệt May liên quan đến BHTN sẽ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ghi nhận để nghiên cứu và đưa ra xin ý kiến trong quá trình hoàn thiện các quy định của Luật Việc làm.
Theo congdoan.vn