NHNN: Kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng từ đầu năm
Thứ tư, 24/10/2018 - 10:47
Đó là một trong những nội dung Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa báo cáo các đại biểu Quốc hội. Trong báo cáo này NHNN đề cập nhiều nội dung liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Đó là một trong những nội dung Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa báo cáo các đại biểu Quốc hội. Trong báo cáo này NHNN đề cập nhiều nội dung liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng.
Mặt bằng lãi suất về cơ bản được tiếp tục duy trì ổn định
Về điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và diễn biến lạm phát, NHNN cho biết, trong hơn 8 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất về cơ bản được tiếp tục duy trì ổn định trong điều kiện lãi suất các nước trên thế giới đang tăng lên. Kết quả trên là do NHNN điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT, trong đó tập trung thực hiện điều tiết thanh khoản thị trường liên ngân hàng ổn định, lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý để hỗ trợ ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất của các TCTD.
Đồng thời, trên cơ sở xem xét, phân tích các yếu tố vĩ mô, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống 4,75%/năm để góp phần giảm chi phí vốn cho TCTD; chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay và đảm bảo an toàn hoạt động.
Đối với điều hành tỷ giá, NHNN cho biết, trong những tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định. Từ ngày 07/02/2018, NHNN bắt đầu niêm yết tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng, góp phần kiểm soát cung ứng tiền trong khi vẫn mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Từ cuối tháng 6, tỷ giá có diễn biến tăng và thiết lập mặt bằng mới do áp lực từ những biến động bất lợi của kinh tế thế giới. Để ổn định tỷ giá, NHNN đã chủ động, kịp thời điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt; phối hợp đồng bộ với các biện pháp khác như điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý; thực hiện các biện pháp thông tin, truyền thông; bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường.
“Với các biện pháp điều hành quyết liệt của NHNN và các thông tin thị trường bớt tiêu cực hơn, căng thẳng trên thị trường ngoại tệ đã giảm bớt, thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.” – báo cáo của NHNN nhấn mạnh.
Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh
NHNN cũng đã chỉ đạo mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng.
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 là 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã điều hành tín dụng đảm bảo hiệu quả, chất lượng, bằng các giải pháp:
Ngay từ đầu năm, NHNN đã xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng cả năm 2018, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế; thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD.
Ngày 02/08/2018, NHNN đã ban hành Chỉ thị 04/CT-NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong những tháng cuối năm 2018, trong đó chỉ đạo các TCTD tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống; Không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số NHTM tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các TCTD yếu kém); Tiến hành kiểm tra các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ...
Cùng với đó, NHNN triển khai các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Theo NHNN, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, tín dụng tăng trưởng theo sát các chỉ tiêu đề ra và đã hỗ trợ tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm dần nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế được cải thiện vững chắc, cho thấy tín dụng được sử dụng hiệu quả và được phân bổ phù hợp.
Đến ngày 04/10/2018, tín dụng tăng 9,89% so với cuối năm 2017, cùng với mặt bằng lãi suất được giữ ổn định đã đáp ứng tốt cho nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Đến tháng 7/2018, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 (tháng 7/2018 tăng 3,58% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 6,29% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế; tháng 7/2017 tăng 10,92%, chiếm tỷ trọng 6,69%).
***
Theo NHNN, nhờ các giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt nêu trên, tính đến ngày 04/10/2018, các chỉ số vĩ mô cơ bản như sau: Tổng phương tiện thanh toán tăng 8,85% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ 2017 tăng 10,37%); huy động vốn tăng 9,48% (cùng kỳ 2017 tăng 11,05%), tín dụng tăng 9,89% (cùng kỳ 2017 tăng 11,73%); lạm phát bình quân 9 tháng đầu năm 2018 tăng 3,57% (cùng kỳ 2017 tăng 3,79%; lạm phát cơ bản 9 tháng đầu năm 2018 tăng 1,41% (cùng kỳ 2017 tăng 1,45%).
Nhóm PV chuyên đề (theo thoibaonganhang.vn)