[In trang]
Tài chính vi mô có vai trò quan trọng trong phát triển Tài chính toàn diện
Thứ năm, 13/12/2018 - 08:49
Ngày 12/12/2018, NHNN đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn nguồn lực tài chính vi mô doanh nghiệp nhỏ và vừa (VMFWG) tổ chức tọa đàm “Tài chính vi mô trong phát triển tài chính toàn diện”.
Ngày 12/12/2018, tại trụ sở, NHNN đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn nguồn lực tài chính vi mô doanh nghiệp nhỏ và vừa (VMFWG) tổ chức tọa đàm “Tài chính vi mô trong phát triển tài chính toàn diện”.
Tham dự Tọa đàm có ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN; ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo CMA 2018, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cùng các đại biểu đến từ các cơ quan ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các ngân hàng thương mại, ngân hàng Chính sách xã hội, Nhóm công tác Tài chính vi mô (TCVM) Việt Nam, các thành viên là các tổ chức, chương trình dự án TCVM…

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khai mạc Tọa đàm
Phát biểu khai mạc, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, những người nghèo và người có thu nhập thấp trên thế giới thường khó có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức do một số rào cản về năng lực, hiểu biết tài chính, khả năng tiếp cận và thiếu tài sản thế chấp khi tiếp cận với dịch vụ tín dụng chính thức.
Tài chính vi mô có mục tiêu cải thiện điều kiện kinh tế cho nhóm khách hàng nghèo, giúp họ có cơ hội phát triển, cải thiện cuộc sống, thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho người nghèo. Bên cạnh mục tiêu tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận trực tiếp với các dịch vụ tài chính và phi tài chính, các tổ chức tài chính vi mô còn hướng tới mục tiêu là giúp khách hàng có đủ năng lực tiếp cận bền vững với dịch vụ tài chính chính thức. Do đó, tài chính vi mô được coi là công cụ phát triển của người nghèo, chứ không chỉ là dịch vụ tài chính đơn thuần.
Trong thời gian qua, tài chính vi mô được xem là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đói giảm nghèo ở các quốc gia đang phát triển và thu hút được sự quan tâm của chính phủ, nhà tài trợ và các nhà thực hành. Tại Việt Nam, Chính phủ và NHNN đặc biệt quan tâm đến hoạt động và sự phát triển của tài chính vi mô. Điều này thể hiện thông qua việc Chính phủ đã phê duyệt đề án của NHNN về “Xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020”.
Phó Thống đốc cho rằng, buổi Tọa đàm này là một hoạt động có ý nghĩa, là cơ hội chia sẻ thông tin về hiện trạng tài chính toàn diện, phục vụ việc xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện; định hướng sự hỗ trợ của Chính phủ đối với hoạt động TCVM và huy động nguồn lực, sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế Việt Nam toàn diện, bền vững.
Phó Thống đốc cho biết thêm, ngay sau Tọa đàm này NHNN cùng với Nhóm tổ chức Lễ trao giải Doanh nhân vi mô Citi – Việt Nam (CMA) năm 2018. Đây là chương trình hết sức có ý nghĩa, giúp vinh danh những tấm gương điển hình là những người nghèo đã sử dụng vốn vay vi mô hiệu quả để vươn lên và đạt được những thành công trong cuộc sống.
Các đại biểu trao đổi về hoạt độngTCVM
Tại buổi Tọa đàm, các diễn giả đã trình bày tóm tắt mô hình và vai trò hoạt động của tổ chức TCVM trong dự thảo Chiến lược Tài chính Toàn diện tại Việt Nam. Thông qua những câu chuyện thực tiễn hoạt động của các tổ chức TCVM tại Việt Nam, bà Dương Thị Ngọc Linh - Tổng Giám đốc Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình Thương (TYM), bà Trần Thị Thanh Thụy - Giám đốc Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang (MOM) và bà Đinh Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Trung tâm phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt Nam (VietED) đã trình bày về mô hình hoạt động của tổ chức TCVM bán chính thức và tác động của TCVM trong công tác xóa đói giảm nghèo, giáo dục tài chính, phát triển doanh nghiệp siêu vi mô/vi mô tại Việt Nam.
Các đại biểu dự Tọa đàm đã trao đổi về cơ sở pháp lý hỗ trợ TCVM hướng tới Tài chính toàn diện, trong đó tập trung vào những vấn đề cần cải thiện trong hoạt động và cơ sở pháp lý của TCVM; biên pháp thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức TCVM và các công ty Fintech, ngân hàng thương mại hướng tới mục tiêu phổ cập tài chính; vai trò của Cơ quan quản lý và các bên liên quan đối với mục tiêu hỗ trợ TCVM phát triển thành trụ cột hướng tới TCTD; các mô hình TCVM quốc tế và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thường gặp trong quá trình hoạt động của các tổ chức TCVM tại Việt Nam…
CKH (theo sbv.gov.vn)