Hội nghị được tổ chức nhằm hướng dẫn triển khai Nghị định 116 và Thông tư hướng dẫn của NHNN. Bên cạnh đó, đây cũng là diễn đàn để các bên liên quan cùng bàn bạc, đưa ra giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen.
Tập trung cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn
Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trong bài phát biểu khai mạc nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông thôn có vị trí quan trọng, vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo hệ thống ngân hàng cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
Nhiều chủ trương, hành động thiết thực đã được triển khai, như tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn đồng thời công khai, minh bạch quy trình, thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng vay vốn; tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Các tổ chức tín dụng (TCTD) có dư nợ lớn đối với lĩnh vực này trong thời gian qua cũng đã được NHNN ưu tiên trong tái cấp vốn để hỗ trợ nguồn vốn cho vay, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn tỷ lệ dự trữ thông thường (như ngân hàng Agribank, SHB, Bắc Á, Hợp tác xã).
Để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 116 với nhiều ưu đãi.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), TS. Nguyễn Quốc Hùng đánh giá tạo bước đột phá trong chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là quy định nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung quy định về việc TCTD được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng, bổ sung quy định về quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp… Điều này nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng, đồng thời góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và tạo cơ sở pháp lý khuyến khích TCTD đẩy mạnh cho vay.
Đánh giá về vhững sửa đổi tại Nghị định 116, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng: “Đây là những giải pháp có tính căn cơ tạo điều kiện doanh nghiệp hộ gia đình cá nhân cá thể tiếp cận nguồn vốn chính thức ngân hàng nhiều hơn, đồng thời thể hiện quyết tâm hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen của toàn ngành Ngân hàng”.
Cho vay đặc thù, đẩy lùi tín dụng đen
Bên cạnh các chính sách tín dụng nêu trên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết NHNN cũng đã quyết liệt chỉ đạo TCTD triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, như: cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với mức lãi suất thấp hơn từ 0,5%-1,5% so với lãi suất thông thường; hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa, gạo và chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện tái canh cây cà phê tại khu vực Tây Nguyên...
Với những nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng, với khoảng 70 TCTD, mạng lưới hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, dư nợ đến cuối tháng 11/2018 ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế) và chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ.
Cùng với việc đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn, ngành Ngân hàng cũng đã tích cực phối hợp cùng với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Qua tổng hợp báo cáo nhanh của các chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, ngành Ngân hàng đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố với tổng số tiền là khoảng 117 tỷ đồng. Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.
Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng thường xuyên tăng cường phối hợp với các cơ quan công an, sở ban ngành, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về hoạt động ngân hàng, các quy định pháp luật về phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng đen tới các tầng lớp nhân dân trong xã hội và tham gia đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tín dụng đen.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công An cũng đã cung cấp thêm thực trạng, cách nhận diện tín dụng đen, các khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp thời gian qua và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động này.
Bên cạnh đó, đại diện Trung ương Hội Nông dân cũng trao đổi công tác phối hợp giữa Hội và ngành Ngân hàng trong quá trình thực hiện cho vay qua Hội, công tác tuyên truyền cho các Hội viên về chính sách tín dụng của ngành ngân hàng và công tác cảnh báo tác hại của tín dụng đen đến đời sống, an ninh trật tự xã hội.
Còn đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông tin thêm về công tác phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn tín dụng đen…
Cả hệ thống vào cuộc
Phát huy các kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong thời gian tới ngành Ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu vốn phục vụ đời sống của người dân trên địa bàn nông thôn, góp phần giảm nạn tín dụng đen.
Cụ thể, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng thời, NHNN tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay cho người dân cũng như doanh nghiệp khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng và chuyển tải vốn đến người nông dân một cách hiệu quả nhất.
Để đẩy mạnh hơn nữa tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc các bộ, ngành địa phương cùng tham gia đẩy lùi nạn tín dụng đen, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng phù hợp với hệ thống pháp luật liên quan, chủ trương của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách quy định về cho vay, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng đáp ứng ngày càng tăng nhu cầu vay vốn của người dân; Ưu tiên thành lập các chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm tạo cơ hội, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh của người dân các khu vực này.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu cải cách, đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo với quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, nhất là đối với hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn; Mở rộng hoạt động hệ thống ngân hàng lưu động của Agribank; Phát triển hệ thống tài chính vi mô, các công ty tài chính tiêu dùng… phục vụ các đối tượng thu nhập thấp, vay vốn món nhỏ, thời gian ngắn.
Cùng với đó, tăng cường truyền thông cho người dân, doanh nghiệp về hoạt động tín dụng ngân hàng và các sản phẩm, dịch vụ tài chính nhằm nâng cao kiến thức và khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cho người dân qua các chương trình giáo dục tài chính như Tiền khéo tiền khôn, Ví tiền của bạn; NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, tránh bị thiệt hại trước thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng hoạt động tín dụng đen.