Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra lộ trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững như: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững; Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai…
Trong việc thực hiện mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra lộ trình: Từ năm 2020 đến năm 2030 tăng trưởng GDP duy trì mức tăng từ 5-6% hàng năm, tăng trưởng GDP bình quân đầu người duy trì mức tăng từ 4-4,45% hàng năm; tốc độ tăng năng suất lao động duy trì mức tăng 5% hàng năm.
Cùng với các Bộ, Ngành được Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ chủ trì thực hiện các mục tiêu cụ thể theo lộ trình đã đề ra tại Quyết định này, NHNN được giao chủ trì thực hiện các mục tiêu sau:
Về mục tiêu tăng cường năng lực các thể chế tài chính trong nước nhằm khuyến khích và mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cho mọi người, NHNN được giao chủ trì thực hiện theo lộ trình là số chi nhánh ngân hàng thương mại trên 100.000 người từ 15 tuổi trở lên đến năm 2020 là 20 chi nhánh, đến năm 2025 và năm 2030 là trên 20 chi nhánh; số máy ATM trên 100.000 người từ 15 tuổi trở lên đến năm 2020 là 40 máy, đến năm 2025 và năm 2030 là trên 40 máy; Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức tài chính đến năm 2020 là 70%, đến năm 2025 là trên 80% và đến năm 2030 là trên 90%.
Đối với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối với các dịch vụ ngân hàng, bao gồm cả dịch vụ tín dụng trong khả năng chi trả, NHNN được giao chủ trì thực hiện theo lộ trình là số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ có dư nợ tại các tổ chức tín dụng đến năm 2020 là 200.000 doanh nghiệp, năm 2025 là 250.000 doanh nghiệp và tới năm 2030 là 300.000 doanh nghiệp.