"Công đoàn Việt Nam sẽ đổi mới mạnh mẽ để thích ứng với tình hình mới"
Chủ nhật, 09/06/2019 - 21:17
Sáng 7.6, thông tin thêm trước Quốc hội về việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch TLĐLĐVN Bùi Văn Cường nêu rõ nhiều vấn đề liên quan tới kinh phí công đoàn, tổ chức, hoạt động, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để CĐVN đổi mới mạnh mẽ,
Sáng 7.6, thông tin thêm trước Quốc hội về việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường nêu rõ nhiều vấn đề liên quan tới kinh phí công đoàn, tổ chức, hoạt động, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để Công đoàn Việt Nam (CĐVN) đổi mới mạnh mẽ, thích ứng với tình hình mới.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường. Ảnh: Quochoi.vn
Kinh phí công đoàn để chăm lo cho người lao động
Mở đầu phần phát biểu, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường bày tỏ thống nhất cao trước việc Việt Nam tham gia Công ước 98.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, về sự cần thiết, hồ sơ và các điều kiện đã được các ĐBQH đã phân phân tích rõ, ông không có ý kiến thêm nội dung này.
“Công đoàn Việt Nam (CĐVN) là tổ chức Chính trị xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên chúng tôi khác với những tổ chức Chính trị xã hội khác là chúng tôi không sử dụng ngân sách nhà nước mà tự thu kinh phí để trang trải cho hoạt động của mình cũng như để chăm lo, bảo vệ người lao động (NLĐ), tài chính, tài sản công đoàn quản lý theo hệ thống dọc”, Chủ tịch Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Riêng về 2% kinh phí công đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, đây là một chính sách của Đảng và Nhà nước để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ cho người lao động. Vì thế, hệ thống tài chính của công đoàn là theo hệ thống dọc. Cũng có ý kiến nêu rằng có thể xem xét về 2% kinh phí công đoàn.
“Việc này chúng tôi hoàn toàn nhất trí, vì trong thể chế chúng ta, tổ chức công đoàn đang thực hiện các nhiệm vụ của một tổ chức chính trị xã hội, cán bộ công đoàn được xác định là công chức trong hệ thống chính trị, nếu xem xét lại việc này thì đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước phải cấp” Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nói.
Ông nói thêm, hiện nay trong 2% kinh phí công đoàn thì có 69% được dành cho công đoàn cơ sở để tổ chức hoạt động, còn 31% dành cho các cấp công đoàn từ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tới Tổng Liên đoàn để trả lương cán bộ và tổ chức các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ cũng như xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho người lao động. "Nhất là hiện nay chúng tôi đang xây dựng các thiết chế công đoàn ở các KCN gồm nhà ở, nhà trẻ và các thiết chế văn hóa, thể thao, y tế khác phục vụ cho công nhân lao động", Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nói.
Từ đó, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhấn mạnh, 2% kinh phí công đoàn này được dùng theo đúng quy định của pháp luật và quy định của công đoàn về tài chính.
Cũng liên quan tới kinh phí công đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN bày tỏ sự thống nhất với đại biểu Vũ Tiến Lộc rằng sẽ phải thiết kế lại theo hướng chia tỉ lệ theo số lượng thành viên tham gia mỗi tổ chức đại diện cho người lao động ở mỗi cấp theo quy định của pháp luật.
"Trong một doanh nghiệp có 3 tổ chức, 2 tổ chức hay 1 tổ chức thì sẽ chia theo tỉ lệ mà số lượng người lao động tham gia mỗi tổ chức đó, theo tỉ lệ để lại của mỗi cấp. Như vậy sẽ rất công bằng", Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nêu.
Hướng tới ký các thoả ước lao động khung cấp quốc gia
Riêng một số vấn đề về thương lượng tập thể khi Việt Nam thực hiện phê chuẩn Công ước 98, theo Chủ tịch Bùi Văn Cường, hiện nay việc thương lượng, ký kết các thoả ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp còn rất hạn chế. "Hiện nay mới chỉ có hơn 60% doanh nghiệp (DN) có tổ chức công đoàn ký kết các thoả ước lao động tập thể", Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết.
Theo ông Cường, số các DN chưa chịu ký kết các thoả ước lao động tập thể giữa người sử dụng lao động và đại diện của người lao động thông qua tổ chức CĐ hoặc tổ chức CĐ cấp trên đại diện theo quy định của Luật Công đoàn vẫn còn rất nhiều.
"Vì thế, riêng về nội dung này chúng tôi cũng đang tính toán và sẽ bàn với tổ chức đại diện của người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh HTX và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để phải ký thoả ước lao động khung cấp quốc gia, rồi ký thoả ước lao động tập thể ngành và sau đó ký thoả ước lao động tập thể cấp DN, mặt khác phải tham gia tích cực, có trách nhiệm trong sửa đổi bổ sung luật lao động”, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, hiện nay luật đang có những bất cập. Luật quy định Chủ tịch Công đoàn cơ sở ký với chủ DN, mà chủ tịch CĐ cơ sở hưởng lương tại DN, nếu như chủ tịch CĐ cơ sở đấu tranh mạnh cho quyền của người lao động thì người sử dụng lao động sẽ tìm cách sa thải hoặc tìm cách gây khó dễ.
Từ đó, người đứng đầu Công đoàn Việt Nam đề nghị luật cần phải thiết kế giống như các nước trên thế giới là CĐ cấp trên - hoặc là tổ chức người lao động cấp trên sẽ tham gia vào câu chuyện thương lượng ký kết thoả ước này thì mới có thoả ước lao động tập thể tốt.
"Nhất là tới đây, từ 2021 chúng ta sẽ thực hiện Nghị quyết của BCH TW khóa XII về tiền lương mới, người sử dụng lao động và đại diện của NLĐ sẽ thoả thuận về vấn đề tiền lương trong DN", Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nói.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, nếu vẫn để Chủ tịch CĐ cơ sở hay đại diện của người lao động ở cơ sở ký kết thoả ước lao động tập thể thì "không bao giờ có được quyền lợi tốt cho người lao động".
Hoàn thiện Đề án đổi mới tổ chức hoạt động của CĐVN
Về vấn đề gia nhập CĐVN theo ý kiến của đại biểu Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN bày tỏ "hoàn toàn nhất trí" với việc các tổ chức đại diện của người lao động khác, sau quá trình thành lập thấy rằng có thể gia nhập tổ chức CĐVN "thì chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng".
Liên quan tới xây dựng Luật Công đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, nôi dụng này đang thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, những việc cụ thể đã làm được cũng được Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nêu rõ như đã lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; thực hiện tổng kết trong toàn hệ thống; hoàn thiện bộ Hồ sơ để sửa đổi Luật Công đoàn;...
"Vừa rồi thì Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã tiến hành cho ý kiến. Từ đó chúng tôi đã hoàn thiện lại và xin ý kiến của các bộ, ngành có liên quan theo đúng quy định về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong tháng 6 này sẽ trình các cấp có thẩm quyền theo đúng trình tự” Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết.
Liên quan tới việc đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐVN, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng, việc tham gia CPTPP vừa là thời cơ nhưng nhưng cũng là thách thức để tổ chức CĐVN phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình mà Đảng, Nhà nước và người lao động giao phó.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng cho biết, hiện đang hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định Đề án đổi mới tổ chức hoạt động của CĐVN trong tình hình mới.
5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của CĐVN nhiệm kỳ 2018-2023
Cuối cùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng nêu 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong 3 đột phá của CĐVN nhiệm kỳ 2018 - 2023, nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của CĐVN trong tình hình mới.
Một là, phải tập trung vào nhiệm vụ đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
Hai là, tập trung vào việc chăm lo lợi ích đoàn viên, lấy lợi ích là điểm tập hợp để người đoàn viên đến tổ chức CĐVN, nghĩa là đến với tổ chức CĐVN là có những lợi ích cụ thể.
Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn phải đảm bảo năng lực trình độ ngang tầm nhiệm vụ và đáp ứng được yêu cầu, nhất là đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở.
Bốn là, tập trung xây dựng nguồn lực đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, trong đó vấn đề công khai minh bạch về tài chính, nhất là tài sản, cơ sở vật chất của CĐ phải được sử dụng có hiệu quả.
Năm là, đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động biết đến CĐVN và tham gia với CĐVN.
C. Nguyên - Đ. Chung - T. Trung (Theo congdoan.vn)