Lương tối thiểu 2020: “Chốt” tăng ở mức 5,5%
Thứ năm, 11/07/2019 - 18:15
Chiều 11.7, sau một buổi tiến hành thương lượng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã “chốt” phương án cuối cùng điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2020 là tăng 5,5% so với năm 2019. ”
Chiều 11.7, sau một buổi tiến hành thương lượng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã “chốt” phương án cuối cùng điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2020 là tăng 5,5% so với năm 2019. ”
Theo phương án này, so với năm 2019, vào năm 2020, lương tối thiểu vùng 1 sẽ tăng từ 4.180.000 lên mức 4.420.000 (tăng 240.000 đồng); vùng 2 tăng từ 3.710.000 lên 3.920.000 (tăng 210.000 đồng); vùng 3 tăng từ 3.250.000 đồng lên 3.430.000 đồng (tăng 180.000 đồng); vùng 4 tăng từ 2.920.000 đồng lên 3.070.000 đồng (tăng 150.000 đồng).
Trao đổi với phóng viên, ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, ban đầu, quan điểm 2 bên khá khác nhau. “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn mong muốn cải thiện tốt nhất đời sống của người lao động; còn đại diện cộng đồng doanh nghiệp không phải không mong muốn cải thiện đời sống người lao động, nhưng muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, tích luỹ, đầu tư cho người lao động”.
Theo tìm hiểu, tại đầu phiên họp, trong khi Bộ phận Kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra phương án tăng 5,2% thì ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, theo quan điểm của VCCI, để góp phần hỗ trợ DN cải thiện năng suất, chất lượng lao động, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, đồng thời ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài và xử lý rủi ro suy giảm tăng trưởng có tính chu kỳ, VCCI đề nghị giãn lộ trình điều chỉnh mức LTTV năm 2020 hoặc chỉ nên điều chỉnh mức LTT vùng năm 2020 ở mức tăng thêm 1-2% để có cải thiện tiền lương của NLĐ theo tỷ lệ đóng góp từ nguồn lao động vào tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Sau khi thảo luận giữa các bên, VCCI “nhích” lên ở mức 2,5-3,5%; sau đó là 4%.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa thêm một phương án tăng so với phiên họp thứ 1: Đó là phương án tăng 6,52%. Trước đó, Tổng LĐLĐVN đã đề xuất 2 phương án: Tăng 8,18% và 7,06%. Sau khi thương lượng, các bên đã thống nhất đưa ra mức tăng 5,5% để bỏ phiếu.
Theo Tổng LĐLĐVN, năm nay, GDP tăng tốt, khoảng 7% (năm 2018 đạt 7,08%, tăng cao nhất kể từ năm 2000 đến nay; năng suất lao động tăng xấp xỉ 6%, cũng là chỉ số tốt.
Bên cạnh đó, đánh giá tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, tình hình xuất khẩu khẩu và phát triển DN, đặc biệt ở các ngành đông lao động, với tỷ lệ đơn hàng tăng, cho thấy khả năng chi trả của DN tốt, phần nhiều các DN phát triển và mở rộng sản xuất, phải tuyển thêm lao động.
Rất nhiều DN trong các ngành dệt may, da giày, điện tử,… cho biết tình trạng khan hiếm lao động. Số DN thành lập mới tăng hơn so với năm trước. Một số DN cho biết đơn hàng tăng là do nhãn hàng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngoài ra, triển vọng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới nhờ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) có hiệu lực, sẽ có lợi về giảm thuế cho DN. Với CPTPP và EVFTA, lương tối thiểu đủ sống là yếu tố cạnh tranh của DN.
Rất nhiều nhãn hàng quốc tế cam kết trả lương đủ sống và yêu cầu DN trả lương đú sống cho người lao động. Vì vậy, nếu tăng lương tối thiểu đủ sống sẽ tạo điều kiện cho DN cạnh tranh đơn hàng tốt hơn.
Hơn nữa, Bộ LĐTBXH cho biết tỷ lệ DN đã trả cao hơn mức lương tối thiểu năm 2019 đạt khá cao. Lương tối thiểu chỉ áp dụng với những người lao động yếu thế và có mức lương thấp, ngang với lương tối thiểu. Vì vậy, tăng lương tối thiểu sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nhóm DN đã trả lương cao hơn lương tối thiểu.
Ngay sau khi có thông tin “chốt” mức tăng 5,5%, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Sinh – Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Phú Thọ- cho rằng, mức tăng LTT là 5,5% như Hội đồng Tiền lương Quốc gia bỏ phiếu “chốt” là thấp.
Theo ông, hiện nay, CN trong các DN, nhất là DN dệt may phải làm việc rất là vất vả, lương thấp (một số DN chỉ trả ở mức 3 triệu đồng/tháng cho CN mới vào; CN làm lâu năm mới được ở mức 5 triệu đồng/tháng).
Nếu chỉ tăng 5,5%, thì số tiền tăng được cho CN còn không đủ bù vào phần trượt giá. Ông Sinh cho rằng, mức tăng phải ở 7-8% như đề xuất ban đầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam- con số này cũng đã thể hiện sự chia sẻ với doanh nghiệp.
Theo Báo lao động