Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp: Tiếp tục đưa dòng vốn đến doanh nghiệp hiệu quả
Thứ bảy, 31/08/2019 - 13:56
Điểm sáng xuyên suốt hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng thời gian qua là đã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc,
Điểm sáng xuyên suốt hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng thời gian qua là đã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc, gắn với nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Có thể thấy, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là cộng sinh, do đó doanh nghiệp và ngân hàng cùng tìm đến với nhau, tìm ra những giải pháp để tiếp tục đưa dòng vốn ngân hàng đến với doanh nghiệp hiệu quả. Giờ đây, không chỉ doanh nghiệp tìm đến ngân hàng mà các ngân hàng đã chủ động tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp để nắm bắt, tìm hiểu nguyên nhân doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, trong trả nợ ngân hàng, từ đó cùng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp sử dụng vốn vay hiệu quả.
Ngân hàng luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp về vốn
Từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai rộng rãi trên toàn quốc Chương trình kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp. Đây là một trong những diễn đàn gặt hái được nhiều thành công, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, ngành ngân hàng và doanh nghiệp đã cùng thảo luận, chia sẻ, trao đổi cởi mở, thẳng thắn, từ đó nhận diện khó khăn, vướng mắc để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Về phía NHNN, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đã xây dựng các Chương trình hành động của ngành, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ tín dụng chủ động, linh hoạt và đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất và kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Xác định Doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong năm lĩnh vực ưu tiên, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vốn cho vay, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực này thấp hơn từ 1% - 1,5%/năm so với các lĩnh vực thông thường khác. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD theo hướng tăng cường thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm của TCTD trong việc cho vay đối với doanh nghiệp, người dân theo quy định của Luật các TCTD. Ngành Ngân hàng cũng triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn trong một số ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao…; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, tích cực triển khai Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp đã giúp cho hoạt động ngân hàng không ngừng được cải thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, ngành ngân hàng luôn sẵn sàng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất, thủ tục cũng như đã cung cấp các dịch vụ tài chính an toàn, hiện đại và thuận lợi nhất cho khách hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, nhờ triển khai đồng bộ các chính sách, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế trong những năm gần đây được duy trì ở mức khá cao: giai đoạn 2015- 2017 đạt 18-19%, 2018 đạt gần 14%, đến 31/7/2019 tín dụng toàn nền kinh tế tăng 7,46%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục dịch chuyển vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên là động lực của tăng trưởng kinh tế như: Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,67% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng 18,4%; Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt trên 250 nghìn tỷ đồng, tăng 15,83%; Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt gần 31 nghìn tỷ đồng, tăng 19%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Một số khách hàng không trả được nợ vay khi đến hạn đã ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng tín dụng, xuất phát từ các nguyên nhân như: thị trường tiêu thụ nhất là xuất khẩu thiếu ổn định, cạnh tranh gay gắt, giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực có xu hướng giảm, vấn đề chất lượng sản phẩm, hạn chế trong liên kết, ứng dụng công nghệ cao, công tác dự báo cung cầu thị trường trong khi thiếu các cơ chế, các quỹ dự phòng để xử lý rủi ro phát sinh.
Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của các chương trình, chính sách tín dụng nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố góp phần quan trọng trong việc triển khai các chương trình cho vay, tích cực triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng. Ngân hàng sẽ cùng với các Bộ ngành, chính quyền địa phương phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ; hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn Luật, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn TCTD, hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phía các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và của NHNN, tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay. Đồng thời, NHNN khuyến khích các TCTD phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, tăng cường triển khai các sản phẩm phái sinh phòng ngừa rủi ro lãi suất, tỷ giá và giá cả hàng hóa nhằm giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu phòng ngừa rủi ro trong quá trình kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.
Phương Linh (theo SBV)