Nguồn vốn ngân hàng nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Thứ tư, 11/09/2019 - 09:57
Trong thành tựu của 10 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, nguồn vốn cho vay của ngành Ngân hàng đóng vai trò là nguồn lực quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên khắp địa bàn cả nước
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020, diện mạo nông thôn Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Trong thành tựu của 10 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, nguồn vốn cho vay của ngành Ngân hàng đóng vai trò là nguồn lực quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên khắp địa bàn cả nước, đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững tại Việt Nam.
Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng của Chương trình MTQG
Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới tăng trưởng đều qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2018 khoảng 24% (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn quốc). Tính đến 30/6/2019, dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc đạt 1.147.304 tỷ đồng với gần 10 triệu doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã; gấp 5,82 lần so với dư nợ cuối năm 2010.
Sức mạnh lan tỏa từ một chương trình
Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt ngày 4 tháng 6 năm 2010, có kỳ vọng đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Sau 9 năm thực hiện, đến nay, cả nước đã có 4.475 xã (chiếm 50,26% số xã) đạt chuẩn NTM, 84 đơn vị cấp huyện thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm khoảng 12,65% tổng số huyện, thị xã, thành phố của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; bình quân toàn quốc đạt 15,26 tiêu chí/xã và cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng xã hội, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, chương trình MTQG xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng trong phạm vi cả nước và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.
Ghi nhận thành quả mang tính bước ngoặt này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG - khẳng định, chúng ta đã đạt được các mục tiêu của Chương trình sớm hơn 18 tháng so với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra và kế hoạch Quốc hội giao. Đây chính là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG quyết định tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 ngay trong năm 2019, nhằm dành toàn bộ năm 2020 để nghiên cứu ban hành nội dung, khung khổ pháp lý triển khai Chương trình xây dựng NTM giai đoạn sau năm 2020.
Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng NTM góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Ngành ngân hàng, triển khai các chủ trương của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ và phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua đã quyết tâm, nỗ lực triển khai nhiệm vụ với mục tiêu xuyên suốt; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy sản xuất kinh doanh; không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng, các cơ chế, chính sách tín dụng, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận vốn vay. Trong đó, nổi bật nhất là NHNN đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Để tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách của Chính phủ, NHNN cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đồng thời ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, như: Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (hiện nay tối đa là 6,5%/năm); thực hiện chính sách hỗ trợ về nguồn vốn thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như: tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các TCTD có tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên, chỉ đạo các TCTD từng bước cải cách, tiết giảm thủ tục vay vốn cho phù hợp đặc thù sản xuất nông nghiệp và trình độ của người dân khu vực nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn vay của người dân …
Ngoài ra, NHNN đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát huy tốt vai trò của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính quy mô nhỏ trong công cuộc hiện thực chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. NHNN cũng đã tích cực trong việc chỉ đạo triển khai chính sách tín dụng tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như TW Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và một số tổ chức chính trị-xã hội khác để đưa vốn đến tận người dân một cách hiệu quả nhất, giúp hàng triệu hộ nông dân khu vực nông thôn được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nêu trên, nguồn vốn tín dụng trên địa bàn các xã trong những năm vừa qua đã đạt kết quả đáng khích lệ: Hiện nay, đã có 66 TCTD và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân, nhiều công ty tài chính vi mô, các Quỹ và chương trình, dự án tài chính vi mô tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới tăng trưởng đều qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2018 khoảng 24% (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn quốc). Tính đến 30/6/2019, dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc đạt 1.147.304 tỷ đồng với gần 10 triệu doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã; gấp 5,82 lần so với dư nợ cuối năm 2010. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng chiếm tỷ trọng 48,6% giai đoạn 2010-2015 và ước đạt tỷ trọng trên 50% giai đoạn 2016- 2020 trong tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình, cao hơn so với tỷ lệ đặt ra là 30% tại Quyết định 800/QĐ-TTg và 40% tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg.
Đưa những miền quê Việt Nam trở thành nơi đáng sống nhất
Theo dọc con đường bê tông phẳng lỳ lên giữa bạt ngạt màu xanh của cà phê, hồ tiêu, ca cao ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk đã không còn màu khói xám bao phủ vởn quanh vùng đất vốn là nơi nghề đốt than phát triển những năm trước thay vào đó là những nghề mới được người dân chuyển đổi với sự trợ lực của nguồn vốn chính sách xã hội, thậm chí “làm dày” thêm thương hiệu bánh tráng Nhơn Hòa của vùng đất này. Như gia đình anh Trương Thạch Thảo ở thôn 7, xã Ea Bar. Giờ không chỉ có của ăn mà còn có của để từ nguồn vốn vay ưu đãi hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 50 triệu đồng mua thiết bị làm bánh tráng và công trình cung cấp nước sạch và làm nhà vệ sinh hợp lý đầu năm 2019.
Những con đường phát triển kinh tế khác cũng đã được mở ra với chủ trương của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) không để người nghèo và các đối tượng chính sách khác có đủ điều kiện không được vay vốn. Như gia đình anh Bùi Văn Tương ở thôn 7, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, 3 chương trình vay nối tiếp từ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để nuôi bò sinh sản từ năm 2011 đến năm 2019 đã giúp gai đình anh dần bước qua nghèo khó và dần tạo nền tảng phát triển kinh tế bền vững. Đến nay, cơ ngơi lớn nhất là đàn bò của gia đình anh từ 01 con ban đầu, nay đã lên đến 14 con.
Chủ tịch UBND xã Ea Bar Y Sen Kbuôr, cho biết, với 3.669 hộ/17.718 khẩu, trong đó hộ DTTS chiếm 36% đời sống nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và chăn nuôi là chủ yếu, vì vậy xã đã vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao chất lượng các cuộc vận động của các hội, đoàn thể như: Phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”…
Trong năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh Đắk Lắk góp phần hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 3,7 nghìn lao động; giúp 76 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 1,2 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 40 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 3.000 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống,... góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Những kết quả này đã góp phần đưa toàn tỉnh Đắk Lắk đến cuối năm 2018, có 43/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết tháng 6/2019: Bình quân tiêu chí đạt được/xã trên địa bàn tỉnh đã đạt được: 14,08 tiêu chí/xã, tăng 0,24 tiêu chí so với cuối năm 2018, vượt kế hoạch 2019 giao (Kế hoạch 2019 giao 13,8 tiêu chí/xã); Duy trì không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí; Toàn tỉnh đạt 2.140 tiêu chí/2.888 tiêu chí, bằng 74,1%, tăng 36 tiêu chí so với cuối năm 2018. Đây cũng là tiền đề để tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2019, ước thực hiện “Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung” trên địa bàn tỉnh đạt từ 3,46% trở lên, trong đó: tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 4,3%; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm 4,3%. Ước thực hiện đạt kế hoạch đề ra. Chương trình MTQG: Hết năm 2019, ước lũy kế số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 50 xã, chiếm tỷ lệ 32,9%, đạt kế hoạch giao; ước bình quân tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt được trên đơn vị xã đạt 14,2 tiêu chí/xã, vượt kế hoạch đề ra.
Còn trong chiến lược phát triển của mình, những mục tiêu lớn luôn được Agribank xác định ưu tiên đó là tiên phong thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Agribank đã có những đóng góp nhất định vào sự thành công của Chương trình xây dựng NTM, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn, giúp người dân tự vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Tăng cường phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng NTM, các Ban, Ngành có liên quan tại các địa phương, Agribank tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, góp phần nâng cao đời sống nhân dân tại địa phương.
Nhanh chóng triển khai và thực hiện chính sách cho vay theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN, bắt đầu với 11 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2011, kết thúc giai đoạn 1 của phong trào xây dựng nông thôn mới, Agribank đã thực hiện cho vay ở toàn bộ các chi nhánh và đến ngày 30/9/2015, số xã có khách hàng vay vốn là 8.985 xã trên 9.001 xã của cả nước. Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của phong trào, ngày 10/08/2016, Agribank đã ký kết chương trình hợp tác số 07/CTHT-VPĐP-NHNo ngày 10/08/2016 với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Agribank đã ban hành các văn bản chỉ đạo chi nhánh về “Triển khai chương trình hợp tác giữa văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Agribank giai đoạn 2016-2020”; văn bản về thực hiện thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn II”. Đặc biệt để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong tình hình mới, ngày 23/09/2016, Agribank đã ký văn bản thỏa thuận liên ngành với Hội Nông dân Việt Nam và Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về triển khai thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Sau gần 10 năm thực hiện cho vay thí điểm chương trình MTQG nông thôn mới, Agribank đã triển khai cho vay xây dựng nông thôn mới rộng rãi trên toàn quốc và thực hiện cho vay với doanh số là 2.825.087 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 2.338.044 tỷ đồng, dư nợ là 487.041 tỷ đồng, tại 8.939 xã trong đó tập trung chủ yếu vào vay chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhìn chung, dư nợ cho vay nông thôn mới tăng trưởng tốt, nợ xấu ở mức thấp, kiểm soát được và luôn thấp hơn tỷ lệ nợ xấu chung toàn ngành. Từ năm 2013 đến nay, tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn đạt xấp xỉ 70% tổng dư nợ, chiếm 50% trong tổng mức cấp tín dụng nông nghiệp nông thôn của toàn hệ thống ngân hàng. Agribank đã tích cực triển khai 09 chương trình, chính sách cụ thể của Chính phủ, đặc biệt Agribank dành hơn 487 nghìn tỷ đồng cho vay xây dựng nông thôn mới với gần 2,7 triệu khách hàng. Nguồn vốn cho vay của Agribank đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể thấy rằng, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, cùng với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu của CTMTQG xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; các tổ chức và cá nhân tại khu vực nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt đối với các tỉnh khu vực ĐBSH và BTB, nhiều địa phương sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới đã chuyển sang giai đoạn nâng cao tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
NN (theo SBV)