Chăm lo nhiều hơn, tốt hơn cho người lao động
Thứ tư, 18/09/2019 - 09:03
Chiều 17.9.2019, tại trụ sở, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức kí kết chương trình phối hợp công tác với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2019-2023.
Chiều 17.9.2019, tại trụ sở, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức kí kết chương trình phối hợp công tác với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2019-2023.
Đ/c Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tới dự, phát biểu chỉ đạo.
Các đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk; Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cùng dự.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết, trong bối cảnh tình hình mới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xác định cần tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, tăng cường quản lý nhà nước, đồng hành vì sự phát triển và lớn mạnh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước. Muốn vậy, ba cơ quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ và triển khai hiệu quả cơ chế 3 bên, 2 bên ở tất cả các cấp.
“Thông qua 2 bản chương trình ký kết hôm nay, với 59 giải pháp cụ thể tập trung vào 14 nội dung cốt lõi, tôi hoàn toàn tin tưởng khi được triển khai sẽ góp phần tạo nên sự thay đổi mang tính nền tảng của quan hệ lao động tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang và sẽ thực hiện các cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA…, tuân thủ tiêu chuẩn lao động quốc tế, Bộ luật Lao động 2012 đang được sửa đổi với nhiều nội dung thay đổi căn bản, quan hệ lao động đang có nhiều chuyển biến mang tính bước ngoặt” – đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao sự chủ động, tích cực của 3 cơ quan trong việc xây dựng, tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, tình hình quan hệ lao động tiếp tục có nhiều biến chuyển mới, Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn đang được xem xét sửa đổi.
Các giải pháp, biện pháp trong 2 chương trình được các bên triển khai đồng bộ, quyết liệt sẽ giúp quan hệ lao động ngày càng hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần to lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, ổn định chính trị, xã hội, giúp nâng cao lực năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo điều kiện chăm lo nhiều hơn, tốt hơn cho người lao động.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội ký Chương trình phối hợp giữa hai bên. Ảnh: Hải Nguyễn.
Đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu ngay sau buổi ký kết mỗi bên cần tuyên truyền, phổ biến nội dung chương trình trong toàn hệ thống, để cả hệ thống phải thống nhất nhận thức và cùng chung hành động phối hợp Chương trình ở tất cả các cấp. Hằng năm phải cụ thể hóa các nội dung trong Chương trình thành các hoạt động cụ thể của từng bên, của cả hai bên. Phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và có đánh giá kết quả hàng năm để kịp thời rút kinh nghiệm quá trình triển khai.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đồng chí Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ký chương trình hợp tác giữa hai bên. Ảnh: Hải Nguyễn.
Đồng chí cũng giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, từng ngành. Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí đề nghị toàn hệ thống tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp công đoàn; chủ động trong việc giám sát, tham gia thanh tra, kiểm tra nhằm giúp đảm bảo việc thực thi pháp luật đối với người lao động; tổ chức và phát động các phong trào thi đua nhằm tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp tục có hình thức bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm, kỷ luật lao động, trình độ tay nghề cho người lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Laodong.vn