[In trang]
Đảm bảo an toàn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng
Thứ năm, 03/10/2019 - 14:51
Là Chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, anh Trần Văn Đương đã đưa ra nhiều cảnh báo cho các TCTD trên địa bàn qua đó góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Để đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, công tác thanh tra, giám sát là một phần không thể thiếu trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước. Là Chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, anh Trần Văn Đương đã đưa ra nhiều cảnh báo cho các TCTD trên địa bàn qua đó góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Không chỉ có vậy, trong công tác anh còn có nhiều sáng kiến để công tác thanh tra, giám sát cũng như cảnh báo đối với các TCTD được nhanh chóng, kịp thời hơn.
Anh Trần Văn Đương 
Trong 5 năm từ 2014 đến 2018, Thanh tra, giám sát Chi nhánh Sóc Trăng đã tiến hành tổng số 222/208 cuộc thanh tra, kiểm tra, thực hiện đạt 106,7% kế hoạch được duyệt. Qua thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra được nhiều sai sót vi phạm trong hoạt động của các TCTD được thanh tra, kiểm tra. Từ đó đã có tổng số 455 kiến nghị về các biện pháp xử lý chấn chỉnh, khắc phục sai phạm cho các TCTD thực hiện. Thanh tra NHNN chi nhánh Sóc Trăng cũng đã ban hành 07 quyết định xử phạt VPHC với các hình thức xử phạt như: phạt cảnh cáo, phạt tiền với tổng số tiền phạt là 190,5 triệu đồng; Kiến nghị xử lý kỷ luật 22 cán bộ có liên quan sai phạm với nhiều hình thức kỷ luật như: có Biên bản họp kiểm điểm rút kinh nghiệm; Quyết định khiển trách; Quyết định kéo dài thời hạn nâng lương 06 tháng; Quyết định chuyển công tác sang Tổ chuyên trách thu hồi nợ; Quyết định cảnh cáo; Quyết định sa thải; Chuyển 02 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Các nhiệm vụ trọng tâm thanh tra theo kế hoạch xây dựng  hàng năm đều được triển khai thực hiện có hiệu quả, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đảm bảo có chất lượng, đúng tiến độ, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng và của Ban lãnh đạo Chi nhánh đề ra.
Bên cạnh việc lãnh đạo, điều hành công tác thanh tra, kiểm tra tại chỗ anh Trần Văn Đương còn tích cực và chủ động tham mưu, đề xuất với Ban lãnh đạo Chi nhánh tăng cường công tác chỉ đạo đối với các TCTD trên địa bàn tập trung thu hồi nợ, tự xử lý nợ xấu bằng quỹ dự phòng rủi ro, đẩy mạnh việc bán nợ xấu cho VAMC; giám sát chặt chẽ việc thực hiện Phương án củng cố, chấn chỉnh theo nội dung chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, anh Trần Văn Đương còn tích cực tham gia công tác liên ngành như: Tham gia với Đoàn ĐBQH đi tiếp xúc cử tri tại các xã, phường, thị trấn trước và sau khi kết thúc các kỳ họp Quốc hội; Tham gia Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng xét chọn Nhà đầu tư dự án Điện gió trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Tham gia Đoàn công tác liên ngành khác do UBND tỉnh có quyết định thành lập; Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên Môi trường tiến hành kiểm tra hoạt động của các Văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh và sau khi kết thúc kiểm tra đã tổ chức buổi tọa đàm nhằm cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc trong công tác đăng ký giao dịch bảo đảm cho các ngân hàng, QTDND trên địa bàn biết để thực hiện đúng quy định của pháp luật; Thường xuyên giữ mối liên hệ và phối hợp làm việc có hiệu quả với các cơ quan chức năng của tỉnh như: Cục Thi hành án Dân sự, Phòng CSĐT Hình sự, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh kết hợp với Công an các huyện, thị trấn tiến hành kiểm tra, khảo sát một số địa điểm hoạt động ngân hàng (BIDV, Agribank, Sacombank, ...) nhằm bảo đảm an ninh, an toàn các trụ sở, địa điểm làm việc của chi nhánh và PGD của TCTD trên địa bàn.
Với chức trách là Chánh thanh tra, anh Trần Văn Đương luôn quan tâm đến chất lượng của các cuộc thanh tra, kiểm tra tại chỗ. Không ngừng nghiên cứu để cải tiến phương pháp thanh, kiểm tra đạt hiệu quả ngày càng cao. Năm 2014 anh có đề tài, “Hệ thống hóa các sai phạm của TCTD”. Theo đó chỉ cần ghi nhớ các nội dung vi phạm của TCTD và phương thức xử lý các sai phạm qua thanh tra, kiểm tra thì các cán bộ thanh tra (đặc biệt là đối với số cán bộ mới vào làm công tác thanh tra) sẽ thấy tự tin hơn khi thực hiện nghiệp vụ kiểm tra tại các TCTD. Một khi phát hiện có tình huống nghi ngờ sẽ đối chiếu với “Hệ thống hóa các sai phạm của TCTD” để mở rộng phạm vi thanh tra,  kiểm tra từ đó sẽ phát hiện được các tình huống sai phạm tương tự. Từ khi vận dụng sáng kiến này vào công tác  thanh tra tại chỗ đối với các TCTD trên địa bàn đã giúp các Đoàn thanh tra (trong đó bao gồm một số cán bộ mới tham gia công tác lần đầu tiên) phát hiện được nhiều sai sót, vi phạm của TCTD. Qua đó đã kiến nghị xử lý tổng số tiền có sai phạm là 862 tỷ 592 triệu đồng; ban hành 07 quyết định xử phạt VPHC.
Năm 2015 anh lại có sáng kiến “Bảng cơ sở dữ liệu tình hình dư nợ tín dụng của các Doanh nghiệp lớn trên địa bàn”. Bảng này, giúp cho Lãnh đạo Chi nhánh nắm bắt kịp thời thông tin về quan hệ vay vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn (đặc biệt là các doanh nghiệp lớn có quan hệ tín dụng tại nhiều ngân hàng) có cơ sở khách quan để báo cáo và tham mưu đề xuất với Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân đân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trong việc chỉ đạo đối với các ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước tỉnh thông tin, cảnh báo sớm các ngân hàng, TCTD trên địa bàn về khả năng rủi ro trong cho vay đối với một số đối tượng doanh nghiệp.
Sau khi có “Bảng cơ sở dữ liệu tình hình dư nợ tín dụng của các Doanh nghiệp lớn trên địa bàn” việc kiểm tra, theo dõi hồ sơ vay vốn của từng doanh nghiệp tại các TCTD được các thành viên Đoàn thanh tra rút ngắn, vì đã nắm bắt được cơ bản các thông tin, số liệu về tình hình hoạt động chung của doanh nghiệp. Vì vậy, công tác kiểm tra giám sát không mất nhiều thời gian nhưng đem lại hiệu quả là đưa ra cảnh báo sớm với các ngân hàng về thực trạng hoạt động hiện tại của doanh nghiệp vay vốn. Cải tiến được rất nhiều về thời gian và công sức tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp khi Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân đân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có yêu cầu như trước đây. Hiện nay, việc cập nhật theo dõi “Bảng cơ sở dữ liệu tình hình dư nợ tín dụng của các Doanh nghiệp lớn trên địa bàn”  được thực hiện định kỳ hàng quý và đều có báo cáo.
Năm 2018 vừa qua anh có Giải pháp “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn hoạt động QTDND”. Giải pháp đã tăng tính  chủ động cho các cán bộ  thanh tra trong việc tiếp xúc làm việc trực tiếp tại các QTDND được phân công chuyên quản. Qua đó, thúc đẩy tính tự giác tuân thủ, chấp hành nội quy, Quy chế làm việc của các cán bộ, nhân viên QTDND; Nâng cao khả năng phát hiện và xử lý sai phạm (nếu có) của các QTDND, giúp đơn vị nhanh chóng khắc phục, chấn chỉnh kịp thời theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN.VN tại Thông tư số 06/TT-NHNN; Giúp các QTDND trên địa bàn tự giác chấn chỉnh, nâng cao chất lượng các cuộc họp của HĐQT và BKS theo định kỳ; Cung cấp kịp thời những thông tin, số liệu hoạt động qua kết quả giám sát an toàn vi mô hàng tháng để QTDND biết và chủ động có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời các chỉ tiêu đã được NHNN cảnh báo.
Với sự nỗ lực của cả tập thể, liên tục trong 5 năm 2014 đến 2018, tập thể Thanh tra, giám sát Chi nhánh được Hội đồng thi đua khen thưởng cơ quan xét công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; cá nhân anh Trần Văn Đương được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Và mới đây nhất tại Hội nghị Điển hình tiên tiến ngành Ngân hàng anh đã được Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tặng Bằng khen. 
TT