Người cán bộ tận tâm với nghề
Thứ tư, 04/03/2020 - 13:55
Mỗi ngày chị thường dậy từ 5h sáng, vượt hơn 20km để đến cơ quan đúng giờ làm việc, và cũng luôn là người cuối cùng rời cơ quan khi phải kiểm soát ngân quỹ cuối ngày.
Mỗi ngày chị thường dậy từ 5h sáng, vượt hơn 20km để đến cơ quan đúng giờ làm việc, và cũng luôn là người cuối cùng rời cơ quan khi phải kiểm soát ngân quỹ cuối ngày. Ngày cao điểm, chị phải kiểm soát tới 200 tỷ đồng và trung bình hàng ngày là 30 tỷ đồng tiền mặt. Chị là Nguyễn Thị Kim Liên, thủ kho, thủ quỹ hội sở Agribank Tây Đô (Hà Nội) với hơn 20 năm trong ngành, 10 năm làm công tác kiểm ngân.
Trong suốt hơn 2 thập kỷ ấy, đồng nghiệp, khách hàng luôn dành cho chị một sự thán phục bởi phẩm chất trung thực, thật thà, liêm khiết. Mỗi khi khách hàng nộp tiền, chị luôn kiểm đếm cẩn thận, nếu phát hiện tiền thừa chị trả khách hàng ngay, vừa qua chị đã trả thừa cho khách hàng tổng số 5 món, tương đương 81 triệu đồng. Nhờ những việc làm thiết thực và ý nghĩa đó, chị Liên luôn được Ban lãnh đạo, Ban chấp hành Công đoàn đánh giá là cán bộ kiểm ngân trung thực, liêm khiết có phẩm chất đạo đức tốt.
Cán bộ phòng kế toán Nguyễn Thị Trang chia sẻ về người đồng nghiệp yêu mến của mình: “Tôi luôn luôn cảm phục tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của chị Liên. Chị luôn được anh chị em trong phòng yêu quý. Nhiều năm liền chị đạt danh hiệu Lao động tiến tiến. Ở chị hội tụ đủ những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đó là tính tuân thủ, sự cẩn trọng, sự liêm chính, sự tận tâm và chuyên cần, tính chủ động, ý thức bảo mật thông tin. Không chỉ có vậy, trong công việc, chị thường xuyên chỉ bảo chúng tôi về nghiệp vụ. Chị không bao giờ “giấu nghề”, từ đó, chúng tôi cùng nhau làm tốt hơn công việc được giao”.
Chị Phạm Thị Hồng Hạnh - một khách hàng thân thiết của Agribank thì khẳng định, ngân hàng luôn hết lòng phục vụ khách hàng. Ngân hàng luôn đưa ra các sản phẩm dịch vụ ngân hàng rất đa dạng và phong phú, đáp ứng các nhu cầu từ dịch vụ truyền thống với huy động vốn, cho vay, thu, chi tiền tại chỗ… đến các dịch vụ ngân hàng hiện đại hơn như SMS Banking, Ngân hàng điện tử, trả lương qua tài khoản, internet banking, mobile banking… Đặc biệt, chị Liên là một người rất gần gũi, thân thiện, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Có nhiều khi đơn vị nộp tiền rất muộn, hết giờ giao dịch nhưng chị vẫn vui vẻ kiểm đếm phục vụ.
Về phần mình, chị Liên chia sẻ, năm 1994, chị bắt đầu bước những bước chân đầu tiên vào ngành và làm tại Tổng công ty vàng bạc đá quý thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến năm 2008, chuyển công tác sang Agribank. Chị đã từng là thủ quỹ, kiểm ngân, giao dịch viên quỹ chính và hiện nay làm thủ kho, thủ quỹ hội sở Agribank chi nhánh Tây Đô. Dù ở bất cứ vị trí nào, chị cũng luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được ban lãnh đạo giao phó, chấp hành đầy đủ, nội quy, quy chế, thực hiện các quy định về an toàn kho quỹ chấp hành công tác an toàn tuyệt đối tài sản chung của toàn chi nhánh. Riêng thu chi tiền hàng ngày của khách hàng, chị luôn kiểm đếm cẩn thận, minh bạch. Trong quá trình đó, chị đã không ít lần phát hiện tiền thừa của khách hàng, lần cao nhất là 80.000.000đ (tám mươi triệu đồng) và hoàn trả kịp thời.
Phó giám đốc Agribank chi nhánh Tây Đô, ông Cao Đình Tuấn chia sẻ, Ban lãnh đạo chi nhánh luôn quan tâm đến việc thúc đẩy động cơ làm việc; có cơ chế động viên, khen thưởng thỏa đáng, kịp thời. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm kích thích, thúc đẩy cán bộ hăng say làm việc gắn bó với công việc được giao. Ngoài khen thưởng bằng vật chất, Ban lãnh đạo còn thường xuyên quan tâm tới môi trường, điều kiện làm việc để các cán bộ, thân thiện, đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ nhau trong công việc, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ yên tâm công tác.
Ban giám đốc cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng người; đồng thời đã chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ nhanh chóng sửa đổi cơ chế khoán gắn với kết quả tài chính, công tác tín dụng, kế hoạch, dịch vụ, kiểm tra kiểm soát nội bộ... đảm bảo sự thống nhất xuyên suốt từ Hội sở đến chi nhánh loại II và Phòng giao dịch trực thuộc. Qua đó đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người lao động, tạo sự đồng thuận trong toàn chi nhánh, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh được giao, nhất là chỉ tiêu tài chính. Cùng với đó, chi nhánh xác định khu vực nông nghiệp nông thôn và kinh tế hộ, doanh nghiệp nhỏ và vừa làm ăn có hiệu quả, đối tượng hưởng lương... là đối tượng phục vụ chính; gắn việc đẩy mạnh chất lượng phục vụ của giao dịch viên, của cán bộ tín dụng với phát triển các dịch vụ ngân hàng; tập trung khai thác các sản phẩm dịch vụ là thế mạnh của chi nhánh, phòng giao dịch.
Chi nhánh cũng định hướng mở rộng dư nợ gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao năng lực kiểm soát và quản lý khoản vay. Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Ban Giám đốc đã có các biện pháp điều hành kế hoạch tín dụng hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại chi nhánh; yêu cầu các đơn vị xây dựng lộ trình kế hoạch tăng trưởng dư nợ ngay từ đầu năm. Tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển cho vay tiêu dùng vay đối với khách hàng cá nhân, cho vay cá nhân thông qua tổ vay vốn, tổ liên kết đối với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ. Triển khai phát triển dịch vụ thẻ gắn với cho vay thấu chi trên tài khoản thanh toán, góp phần đấu tranh, đẩy lùi tín dụng đen.
Ban lãnh đạo Agribank chi nhánh Tây Đô cũng đã chỉ đạo các bộ phận làm công tác tín dụng luôn tuân thủ nghiêm túc quy chế, quy trình nghiệp vụ theo quy định hiện hành của pháp luật và của Agribank; Kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, đảm bảo hiệu quả, an toàn vốn; Quán triệt trong toàn đơn vị về tăng trưởng dư nợ phải gắn với chất lượng tín dụng và tăng cường bán chéo sản phẩm dịch vụ; Phát triển các sản phẩm thanh toán quốc tế và các sản phẩm thanh toán trong nước; Nâng cao doanh thu ngoài tín dụng toàn chi nhánh.
Thanh Thủy