Sóng Covid-19 mới “đổ bộ”, ngân hàng tăng cường trợ lực cho doanh nghiệp
Thứ tư, 29/07/2020 - 11:32
Đại dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp tại Việt Nam và thế giới, được dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng đáng kể lên các ngành nghề. Trong bối cảnh này, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục cam kết đồng hành, trợ lực cho doanh nghiệp sớm khắc phục khó khăn từ dịch bệnh.
Đại dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp tại Việt Nam và thế giới, được dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng đáng kể lên các ngành nghề. Trong bối cảnh này, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục cam kết đồng hành, trợ lực cho doanh nghiệp sớm khắc phục khó khăn từ dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã hai lần giảm lãi suất điều hành, từ đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” Covid-19.
Mặt bằng lãi suất cho vay đã được các ngân hàng giảm từ 2-2,5% một năm so với đầu năm 2020 kể từ khi đại dịch bùng phát trong quý I.
Theo số liệu thống kê của NHNN, đã có khoảng 250.000 tỷ đồng vốn ưu đãi được các NHTM tung ra để tháo gỡ nút thắt cho nền kinh tế. Trong thời gian này, một số nhà băng vẫn theo xu hướng giảm lãi suất để kích cầu sản xuất và tiêu dùng.
Kiên trì gỡ khó cho doanh nghiệp
Thời gian qua, nhằm chia sẻ gánh nặng với người dân và các doanh nghiệp, nhiều gói vay nghìn tỷ từ các ngân hàng TMCP đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh và kích cầu tiêu dùng.
Tiếp tục chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay có chi phí hợp lý trong bối cảnh khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, từ ngày 1/7/2020, BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành.
Như vậy kể từ đầu năm đến nay, BIDV đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng với mức giảm từ 2,5-3,0%/năm so thời điểm truớc dịch Covid-19.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Vietinbank thường xuyên triển khai các chương trình tín dụng giảm sâu lãi suất cho vay, giảm mạnh phí dịch vụ, đưa ra các giải pháp phù hợp với từng khách hàng, nhóm khách hàng để cơ cấu lại hoạt động, khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động...
Vietinbank đã gia hạn Gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng không giới hạn quy mô như “Đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp”, “Ưu đãi lãi suất cho vay cố định”, “Vay ưu đãi lãi tri ân dành cho khách hàng bán lẻ”...
Đồng thời, VietinBank triển khai Gói ưu đãi lãi suất quý III/2020 với quy mô 60.000 tỷ đồng và 600 triệu USD - trong đó mức lãi suất cho vay từ 4,3%/năm đối với VND và 2,0%/năm đối với USD (giảm tiếp 0,2-0,5%/năm so với gói ưu đãi lãi suất quý II/2020).
Tính từ thời điểm 23/1/2020 tới 19/6/2020, VietinBank đã giải ngân cho gần 7.000 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 với doanh số giải ngân mới là khoảng 180.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, VietinBank đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ cho gần 1.700 khách hàng với dư nợ khách hàng là hơn 60.000 tỷ đồng, số dư nợ gốc lãi đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 8.000 tỷ đồng.
Hình thức gói vay đa dạng
Không chỉ ưu tiên giảm lãi suất, hình thức các gói vay cũng rất đa dạng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu khác nhau của nhiều đối tượng khách hàng.
Từ tháng Tư, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) đã triển khai gói 7.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay tín chấp và vay thế chấp. Đối với vay tín chấp, nhà băng này áp dụng lãi suất 12,99% trong 12 tháng đầu. Đối với vay thế chấp, khách hàng được lựa chọn lãi suất ưu đãi 6,99% một năm trong 6 tháng, 7,99% một năm trong 12 tháng hoặc 8,75% một năm trong 18 tháng đầu. Với gói vay mua ôtô, lãi suất là 8,99% một năm trong 24 tháng.
Bên cạnh đó, MSB cũng ra mắt gói tín dụng siêu tốc cho doanh nghiệp với lãi suất cạnh tranh, hạn mức lên đến 10 tỷ đồng, thời gian phê duyệt nhanh từ 2-5 ngày. Gói tín dụng này bao gồm hai hình thức cho doanh nghiệp lựa chọn: cấp tín dụng siêu tốc bảo đảm bằng bất động sản và cấp tín dụng nhanh không tài sản bảo đảm.
Trong đó, cấp tín dụng siêu tốc bảo đảm bằng bất động sản với hạn mức lên đến 100% giá trị cấp tín dụng trên tài sản bảo đảm, thời hạn cấp tín dụng đến 12 tháng, riêng hình thức bảo lãnh có thời hạn lên đến 39 tháng. Cấp tín dụng nhanh không tài sản bảo đảm đến 5 tỷ đồng, thời hạn cho vay đến 9 tháng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng tung loạt chương trình tiếp vốn kinh doanh, ưu đãi lãi suất... nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do đại dịch.
Cụ thể, chương trình “Tiếp vốn kinh doanh - Vững mạnh tài chính” áp dụng lãi suất từ 5,99% một năm, thời gian ưu đãi lên đến 12 tháng. Đối tượng khách hàng được hỗ trợ là chủ cơ sở kinh doanh cần vốn để mua hàng hóa, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ kinh doanh hoặc cần bổ sung vốn lưu động đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong giai đoạn mới.
Còn chương trình “Ưu đãi lãi vay - An tâm phát triển” áp dụng cho doanh nghiệp hoặc lãnh đạo, chủ doanh nghiệp mua bảo hiểm Manulife tại SCB sẽ hưởng mức lãi 8,9% một năm (cố định 6 tháng đầu) với thời gian vay từ 36 tháng trở lên. Kỳ hạn từ 48 tháng trở lên lãi vay sẽ là 9,5% một năm (cố định 12 tháng đầu).
Trong khi đó, sản phẩm “Tăng ưu đãi, thêm phát tài” được triển khai nhằm tối đa hóa lợi ích tài chính cho doanh nghiệp. Với kỳ hạn gửi 6, 9 và 12 tháng, doanh nghiệp được cộng thêm tối đa đến 0,5% lãi suất một năm so với tiền gửi có kỳ hạn tại quầy. Khách hàng còn nhận thêm ưu đãi giảm 0,2% một năm lãi suất cho vay đảm bảo bằng hợp đồng tiền gửi so với lãi suất cho vay, điều kiện áp dụng là số dư tài khoản tiền gửi tại SCB.
Đồng thời, SCB đã triển khai hàng loạt các ưu đãi khác như giảm 0,5% một năm lãi suất cho vay với khoản giải ngân mới, giảm 10-20% phí thanh toán quốc tế (chương trình “Giao dịch siêu nhanh - Hoàn tiền siêu lớn”), giảm 20% phí dịch vụ (chuyển tiền qua Internet Banking, giao dịch qua Fax, nhận sổ phụ qua Email)...
Ngoài ra, SCB còn cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với khách chịu ảnh hưởng bởi dịch, trong đó gồm khoản nợ có nguồn trả đến từ ngành du lịch, dịch vụ vận tải, nhà hàng, khách sạn. Khách hàng có doanh thu sụt giảm, ảnh hưởng tới khả năng thanh toán đủ và đúng hạn cũng được xem xét. Ngân hàng đưa ra thêm phương án phục hồi khả thi cho khách hàng đủ khả năng trả nợ.
Thái Hoàng (TBNH)