[In trang]
Xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức công đoàn
Thứ sáu, 31/07/2020 - 09:31
Trong những năm qua, nguồn lực tài chính, tài sản của công đoàn đã được phát huy có hiệu quả, góp phần to lớn vào phục vụ hoạt động, đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
Trong những năm qua, nguồn lực tài chính, tài sản của công đoàn đã được phát huy có hiệu quả, góp phần to lớn vào phục vụ hoạt động, đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Cùng sự phát triển của tổ chức công đoàn, công tác tài chính, tài sản công đoàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, đổi mới mạnh mẽ, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. 
Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặt ra cho tổ chức công đoàn nhiều khó khăn và thách thức, yêu cầu tổ chức công đoàn phải đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động, trong đó xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới là vấn đề cấp bách và chiến lược.
Trước tình hình đó, ngày 22/7/2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Chương trình số 740/CTr-TLĐ về “Xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”, mục đích nhằm: Nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo bước chuyển biến tích cực của các cấp công đoàn trong việc xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh, nhằm đảm bảo cho hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.Nâng cao hiệu quả công tác thu, phân phối, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tài chính công đoàn được quản lý theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch, có phân công, phân cấp quản lý, gắn trách nhiệm của công đoàn các cấp. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị kinh tế, sự nghiệp công đoàn, tạo nguồn thu phục vụ tổ chức từ khu vực này.
Để triển khai hiệu quả và đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII là phấn đấu thu tài chính công đoàn đạt 90% trở lên so với số phải thu kinh phí và đoàn phí công đoàn theo qui định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chương trình đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm:Thu đúng, thu đủ, thu kịp thời kinh phí và đoàn phí công đoàn; Quản lý các nội dung chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; Phát huy hiệu quả tài chính công đoàn tích lũy; Thực hiện công khai tài chính công đoàn
Với 7 giải pháp thực hiện nhiệm vụ gồm: (1) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, học tập, nghiên cứu, quán triệt thực hiện chương trình; (2) Bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện Nghị quyết tài chính công đoàn và một số quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thu, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản công đoàn, sử dụng các cơ sở nhà đất của tổ chức công đoàn; (3) Tập trung, nâng cao hiệu quả công tác thu, chi tài chính công đoàn; (4) Mở rộng các loại hình dịch vụ có thu của tổ chức công đoàn; (5) Tăng cường quản lý, quản trị các đơn vị kinh tế, sự nghiệp, các thiết chế văn hóa của công đoàn, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại các đơn vị kinh tế công đoàn; (6) Đào tạo, quản lý, sử dụng lao động, bố trí, sử dụng cán bộ công chức; (7) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát tài chính tại các đơn vị
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn yêu cầu các cấp Công đoàn, các đơn vị kinh tế, sự nghiệp thuộc tổ chức Công đoàn căn cứ Chương trình của Công đoàn cấp trên xây dựng kế hoạch cụ thể của cấp mình; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cấp dưới và CĐCS để thực hiện có hiệu quả Chương trình.
Đặng Lợi