Kinh phí công đoàn dùng để công đoàn cơ sở chăm lo người lao động tốt hơn
Thứ hai, 24/08/2020 - 08:14
Chiều 21.8, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo về sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012, chuyên đề về tài chính công đoàn.
Chiều 21.8, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo về sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012, chuyên đề về tài chính công đoàn. Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chủ trì.
Kinh phí công đoàn để chăm lo cho đoàn viên, người lao động
Để làm rõ hơn hiệu quả của kinh phí công đoàn trong chăm lo cho đoàn viên, người lao động tại cơ sở, ông Phan Thanh Hải – Chủ tịch Công đoàn cơ cở Công ty Meiko (Hà Nội) cho biết: “Với số tiền từ kinh phí công đoàn và đoàn phí được giữ lại, chúng tôi đang chăm lo cho đoàn viên, thực hiện tổ chức các hoạt động thăm hỏi, các hoạt động phong trào thể dục thể thao, hỗ trợ khó khăn... Bên cạnh các hoạt động chăm lo tập thể, chúng tôi còn có các hoạt động chăm lo các người lao động, đoàn viên sinh sống tại khu ký túc xá của công ty, với số lượng hiện nay trên 1.500 người. Tại ký túc xá, đã thành lập điểm sinh hoạt cộng đồng để NLĐ có cuộc sống thoải mái sau giờ làm việc và bớt đi cảm giác xa nhà...”.
Từ thực tế hoạt động công đoàn của mình, ông Hải nhấn mạnh, nguồn kinh phí công đoàn 2% là nguồn cơ bản quyết định hoạt động của công đoàn hiện tại. Việc sử dụng khoản kinh phí này luôn được công đoàn cơ sở công khai, minh bạch. Theo đó, hoạt động công đoàn sử dụng tài chính này đều thể hiện bằng văn bản; 6 tháng mỗi lần, công đoàn cơ sở thực hiện quyết toán và công khai trên bảng tin của nhà máy. Người lao động, các cấp quản lý có thể biết được chi tiêu của công đoàn cơ sở, từ đó tạo niềm tin của đoàn viên, người lao động.
Ông Đỗ Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (Hà Nam) – cũng bày tỏ mong muốn duy trì quy định về kinh phí công đoàn 2%.
“Trong nhiều năm qua, công ty đã thực hiện tốt việc trích nộp kinh phí công đoàn 2% cùng với nguồn thu đoàn phí. Công đoàn cơ sở đã sử dụng hợp lý, tiết kiệm và làm tốt nghĩa vụ trích nộp tài chính hàng tháng lên công đoàn cấp trên theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn và tiết giảm chi hoạt động để trích nộp theo Nghị quyết 9C đầy đủ.
Khi tham gia công đoàn, người lao động được thăm hỏi, chia sẻ, khi ốm đau hoạn nạn, tai nạn lao động; được tham gia các hoạt động văn hoá thể thao, nâng cao đời sống tinh thần, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm” – ông Bình cho biết.
“Hoàn toàn nhất trí duy trì kinh phí công đoàn 2%”
Ở góc độ người sử dụng lao động, ông Yamazaki Takayuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SWCC SHOWA (Hà Nội) – cho biết, khi hoạt động ở Việt Nam, Công ty luôn tuân thủ luật pháp, quy định của Việt Nam. “Hàng năm, công đoàn và công ty đều tổ chức cuộc họp về dự toán kinh phí công đoàn và đoàn phí. Khi nghe các hoạt động của tổ chức công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp rất ủng hộ. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn nhất trí duy trì kinh phí công đoàn 2%”.
Ông Yamazaki Takayuki đề nghị trích lại nhiều hơn kinh phí công đoàn cho công đoàn cơ sở để cấp này có nhiều hơn các hoạt động phúc lợi cho công nhân lao động.
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh và xã hội… đều ủng hộ duy trì kinh phí công đoàn 2%, tuy nhiên góp ý phải làm sao cho doanh nghiệp thấy được ích lợi của việc đóng khoản kinh phí, từ đó họ sẽ ủng hộ. Các ý kiến cũng nhấn mạnh tăng cường tính công khai, minh bạch trong sử dụng kinh phí công đoàn 2%.
Các đại biểu còn đóng góp các ý kiến về vấn đề phân chia nguồn kinh phí công đoàn, miễn giảm đóng kinh phí công đoàn, các quy định về quản lý tài sản công đoàn…
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, kinh phí công đoàn 2% chủ yếu để xây dựng hệ thống phúc lợi cho đoàn viên công đoàn, người lao động, kể cả người lao động tại doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Vì vậy, theo ông Bùi Sỹ Lợi, dứt khoát không thể bỏ kinh phí công đoàn 2%, mà làm sao phải sử dụng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển của tổ chức công đoàn, người lao động trong bối cảnh xuất hiện tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn, đồng thời cho rằng, phân chia nguồn kinh phí công đoàn để đảm bảo sự bình đẳng trong quan hệ lao động, nhưng phải đảm bảo tổ chức công đoàn là tổ chức chính trị xã hội rộng lớn của công nhân lao động.
“Mục tiêu cuối cùng của sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn là để tổ chức công đoàn phải mạnh lên, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn được hiến định trong điều 10 của Hiến pháp, cũng như những mong muốn trong các Nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn, giai cấp công nhân” - đồng chí Nguyễn Đình Khang nói.
***
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau 7 năm triển khai thực hiện Luật Công đoàn 2012, công tác tài chính công đoàn có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác tài chính công đoàn, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Nhờ đó, Công đoàn Việt Nam đã có một nguồn lực cần thiết để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, thu hút ngày càng đông đảo người lao động tham gia công đoàn, góp phần quan trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, đóng góp trực tiếp vào các thành tựu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Thực thi Luật Công đoàn năm 2012, việc quản lý, phân phối nguồn tài chính công đoàn từng bước được công khai, minh bạch và công bằng theo hướng tăng dần cho công đoàn cấp dưới, đặc biệt là công đoàn cơ sở. Từ năm 2012 đến nay, tỉ lệ kinh phí công đoàn phân phối cho công đoàn cơ sở tăng dần từng năm từ 65% lên 73% như hiện nay. Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn thường xuyên quan tâm, thực hiện công tác quản lý, chi tiêu đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân sai phạm, qua đó nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động.
Quế Chi (Báo Lao động)