[In trang]
Tổng LĐLĐVN: Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý thu chi tài chính Công đoàn
Thứ năm, 08/10/2020 - 08:39
Để làm rõ hơn việc quản lý, sử dụng tài chính của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong thời gian qua và định hướng sắp tới, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Dũng - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tài chính Tổng LĐLĐVN.
Để làm rõ hơn việc quản lý, sử dụng tài chính của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) trong thời gian qua và định hướng sắp tới, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Dũng - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tài chính Tổng LĐLĐVN.
Tài chính Công đoàn là để chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Trong ảnh: Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh (thứ hai từ phải sang) tặng quà cho đoàn viên nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Ảnh: Lục Tùng
Thưa ông, tại sao Công đoàn (CĐ) lại có kết dư tài chính CĐ, vấn đề này có từ bao giờ?
- Ông Nguyễn Minh Dũng: Theo Quyết toán Tài chính CĐ được Kiểm toán Nhà nước xác nhận thì kết dư tài chính CĐ thực tế đến ngày 31.12.2019 là gần 29.000 tỉ đồng. Đây là số dư của toàn bộ hệ thống CĐ Việt Nam. Trong đó, số dư tại Công đoàn cơ sở (CĐCS) là gần 7,6 nghìn tỉ đồng; CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở là trên 6,6 nghìn tỉ; LĐLĐ tỉnh, thành phố; CĐ ngành Trung ương và tương đương; CĐ TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN là trên 10,3 nghìn tỉ đồng (trong đó kinh phí xây dựng thiết chế CĐ là 1,2 nghìn tỉ đồng); Tổng LĐLĐVN là gần 3,8 nghìn tỉ đồng (trong đó kinh phí xây dựng thiết chế CĐ là 1,5 nghìn tỉ đồng).
Số kết dư tài chính CĐ có được là tích luỹ của Tổ chức CĐ do:
Thứ nhất, CĐ Việt Nam được Nhà nước cho phép cân đối thu - chi, khi kết thúc năm ngân sách, nguồn thu kinh phí CĐ chưa sử dụng hết, được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng theo quy định và có từ khi thành lập tổ chức CĐ năm 1929 đến nay.
Thứ hai, hằng năm, Tổng LĐLĐVN trong quá trình giao dự toán có yêu cầu: Đối với CĐCS không phải trích lập kinh phí dự phòng, đối với CĐ cấp trên cơ sở thực hiện trích lập kinh phí dự phòng trước đây là 5%/tổng chi và sau khi có Luật CĐ là 10%/tổng chi.
Thứ ba, trong những năm vừa qua, Tổng LĐLĐVN đã chủ động chỉ đạo CĐ cấp trên cơ sở tiết kiệm chi tiêu, sử dụng nguồn tài chính một cách thiết thực, hiệu quả, từng bước thực hiện tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhằm tạo nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ), thu hút NLĐ tham gia tổ chức CĐ.
Thứ tư, thực hiện Quyết định 655/QĐ-TTg ngày 12.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX)”, Tổng LĐLĐVN đã ban hành Nghị quyết số 09c/NQ-BCH ngày 18.10.2016 về điều chỉnh giảm tỉ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp CĐ để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế CĐ tại các KCN, KCX. Chính vì vậy, số kết dư tài chính để thực hiện đề án cũng nằm trong số kết dư của toàn hệ thống.
Nếu số kết dư này chia đều cho các đơn vị thuộc hệ thống CĐ Việt Nam (122.178 đơn vị), số dư bình quân là khoảng 232 triệu đồng/1 đơn vị.
Thưa ông, trong thời gian qua, kết dư tài chính CĐ được sử dụng như thế nào?
- Kết dư tài chính CĐ được sử dụng tại 4 cấp của hệ thống CĐ, cụ thể như sau:
Kết dư tài chính tại CĐCS tại thời điểm 31.12 hằng năm là nguồn mà CĐCS chưa chi, để dành cho việc chăm lo, thăm hỏi đoàn viên NLĐ vào dịp Tết âm lịch (Tết Sum vầy). Theo phản ánh của các đơn vị, nguồn tài chính này cơ bản được chi hết sau thời điểm Tết âm lịch.
Tại CĐ cấp trên cơ sở đến Tổng LĐLĐVN, số kết dư tài chính được sử dụng cho các hoạt động chi thường xuyên, tổ chức chăm lo cho đoàn viên NLĐ ở giai đoạn đầu năm tài chính (khi đơn vị chưa thu được kinh phí CĐ, đoàn phí CĐ); cấp kinh phí cho các đơn vị cấp dưới trong trường hợp cấp dưới không cân đối được thu chi.
Đối với nguồn tài chính CĐ tạm thời chưa sử dụng, trong nhiều năm qua, các cấp CĐ đã chủ động gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước như NHTM CP Ngoại thương Việt Nam, Công Thương Việt Nam, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có Công văn số 16838/BTC-TCT chấp thuận khoản lãi tiền gửi ngân hàng từ quỹ CĐ theo quy định của Luật CĐ không phải nộp thuế TNDN. Toàn bộ khoản tiền lãi này được bổ sung vào nguồn tài chính CĐ.
Khi soạn thảo Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp (HCSN) trong các cơ quan CĐ theo Thông tư 107/2017/TT-BTC, Tổng LĐLĐVN đã xin ý kiến và được Bộ Tài chính đồng ý bổ sung các tài khoản để theo dõi các nguồn quỹ của Tổng LĐLĐVN. Theo đó, nguồn kết dư tài chính CĐ sẽ được phân bổ cho 4 quỹ, bao gồm: Quỹ Hoạt động thường xuyên, Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ bảo vệ NLĐ, Quỹ Xã hội từ thiện. Trên cơ sở đó, Tổng LĐLĐVN sẽ xây dựng và ban hành quy chế quản lý và sử dụng từng loại quỹ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng kết dư tài chính CĐ đồng thời phù hợp với quy định của pháp luật.
Các cấp sử dụng nguồn kết dư tài chính này phải được cấp trên phê duyệt như bổ sung chi hoạt động trong năm kế hoạch, sử dụng trong trường hợp các đột xuất. Như trong năm 2020, trước sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tổng LĐLĐVN đã có Quyết định số 643/QĐ-Tổng LĐLĐVN ngày 22.5.2020 cho phép sử dụng nguồn kết dư tài chính khoảng 500 tỉ đồng để chi về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, các cấp CĐ cũng đã chủ động thực hiện chi hỗ trợ, động viên đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với mức chi từ 500.000 đồng/người đến 1.000.000 đồng/người.
Có thông tin cho rằng, mức lương chi cho cán bộ CĐ cao hơn rất nhiều so với định mức chi hành chính của biên chế nhà nước khác. Vậy, thực tế có đúng như vậy không, thưa ông?
- Tôi khẳng định: Chế độ tiền lương của cán bộ CĐ hiện được thực hiện đúng theo các quy định của Nhà nước về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể.
Việc lấy tổng số chi của từng ngành, từng địa phương chia cho số biên chế của từng ngành, địa phương để nhận định định mức chi cho 1 biên chế của tổ chức CĐ cao là không đúng với đặc thù hoạt động của tổ chức CĐ.
CĐ chi lương, quản lý hành chính theo đúng quy định của Nhà nước và hoàn toàn tương tự như các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội khác. Tuy nhiên, khác với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội khác, CĐ còn thực hiện chi các hoạt động phong trào, đặc biệt phần lớn nguồn kinh phí này là để chi chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên và NLĐ. Vì vậy, việc gộp chi chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên, NLĐ; chi hoạt động phong trào chung vào định mức cho 1 biên chế đã làm người đọc dễ hiểu nhầm là chi cho cán bộ CĐ, do đó có phản ánh không đúng bản chất của sự việc.
Thực tế năm 2019, tại cấp Tổng LĐLĐVN, tổng số chi theo quyết toán là 76 tỉ đồng/175 cán bộ và lao động hợp đồng = 434 triệu đồng/người, trong đó tiền lương 152 triệu đồng/người, chi quản lý hành chính 65 triệu đồng/người. Như vậy, phần chi hoạt động chăm lo, bảo vệ đoàn viên, NLĐ là 217 triệu đồng/người. Tại cấp trên trực tiếp cơ sở và Liên đoàn tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương và tương đương, CĐ TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN, tổng số chi theo quyết toán là 3.241 tỉ đồng/6.754 cán bộ và lao động hợp đồng = 479 triệu đồng/người, trong đó tiền lương 153 triệu đồng/người, chi quản lý hành chính 65 triệu đồng/người. Như vậy, phần chi hoạt động phong trào (chăm lo, bảo vệ đoàn viên, NLĐ) là 261 triệu đồng/người. Việc chênh lệch giữa các đơn vị về mức chi cho 1 biên chế do có sự khác nhau về số NLĐ trong mỗi đơn vị (số NLĐ nhiều thì chi chăm lo nhiều hơn).
Xin ông cho biết, tài chính CĐ đang được công khai như thế nào?
- Trong những năm qua, ngoài công tác kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra thuộc các cấp CĐ, thì Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính, Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ, Tỉnh uỷ đã thực hiện kiểm toán, kiểm tra, giám sát công tác tài chính CĐ. Qua kiểm tra, giám sát đều đánh giá, tài chính CĐ đã đảm bảo hoạt động của tổ chức CĐ trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Đồng thời, một số những hạn chế trong công tác quản lý tài chính, tài sản CĐ cũng được chỉ ra. Tổng LĐLĐVN tiếp thu ý kiến của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính, cùng các cơ quan chức năng để hoàn thiện các quy định về quản lý tài chính, tài sản CĐ; chỉ đạo các cấp CĐ nghiêm túc thực hiện những ý kiến, kiến nghị của các cơ quan chức năng…
Tổng LĐLĐVN cũng đã ban hành hướng dẫn công khai tài chính CĐ số 460/HD-TLĐ ngày 17.4.2014, trong đó đã cụ thể hoá nội dung công khai thu chi tài chính CĐ, công khai chi đầu tư xây dựng, công khai thu chi quỹ xã hội. Việc công khai thực hiện từ cấp Tổng LĐLĐVN đến CĐCS. Đối tượng được công khai là đoàn viên, NLĐ…
Tuy nhiên, để việc công khai phát huy hiệu quả, đảm bảo công tác tài chính CĐ luôn được minh bạch, Tổng LĐLĐVN đang dự thảo sửa đổi và bổ sung thêm các hình thức công khai. Đối với CĐCS sẽ có hình thức công khai thu chi tài chính tại bảng tin đơn vị, hoặc chuyển tới tổ trưởng CĐ của CĐCS. Đặc biệt, đối với các cơ quan CĐ (CĐ cấp trên cơ sở), Tổng LĐLĐVN chỉ đạo bổ sung hình thức công khai là đăng tải trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan CĐ - như hình thức công khai ngân sách nhà nước.
- Xin cảm ơn ông!
Việt Lâm thực hiện (Báo Lao động)