Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN lần thứ 7: các cấp công đoàn chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ
Thứ sáu, 11/12/2020 - 13:57
Sáng 11/12, tại Hà Nội, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam lần thứ 7 khai mạc.
Sáng 11/12, tại Hà Nội, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam lần thứ 7 khai mạc. Tới dự Hội nghị có các đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân Vận Trung ương, Trần Thanh Mẫn – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện lãnh đạo các ban xây dựng Đảng Trung ương.
Với chủ đề “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở”, năm 2020 các cấp công đoàn đã có những chuyển biến quan trọng trong chỉ đạo hoạt động công đoàn cơ sở, chú trọng hơn chất lượng hoạt động. Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid - 19, tổ chức công đoàn đãphát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc chuyển hướng nội dung hoạt động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Cùng với đó, động viên công nhân, viên chức, lao động tích cực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đ/c Trương Thị Mai - Trưởng Ban Dân vận TW phát biểu tại hội nghị
Tổng Liên đoàn đã kịp thời hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai các hoạt động theo từng giai đoạn cụ thể của cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19; tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Kết quả, các cấp công đoàn đã chi tổng số tiền hơn 656,937 tỷ đồng đễ hỗ trợ, chăm lo cho 658.989 người lao động, trong đó nguồn tài chính công đoàn là chủ yếu (chiếm hơn 65,2%). Đồng thời tích cực đề xuất, tham gia ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng gói hỗ trợ lần 2; sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết các vướng mắc về Bảo hiểm y tế cho người lao động phải tạm dừng hợp đồng lao động.
Tổng Liên đoàn chủ trì xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn năm 2012; tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia; tham gia ý kiến góp ý dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành thi hành Bộ luật Lao động năm 2019 về chính sách đối với lao động nữ và bình đẳng giới; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; giải quyết tranh chấp lao động… Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của Tổng Liên đoàn, Thủ tướng Chính phủ ban hành đã ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TLĐ ngày 04/11/2020 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất", tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án xây dựng các thiết chế công đoàn.
Đ/c Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch TLĐ phát biểu tại hội nghị
Trước tình hình thiên tai liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền Trung, với sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn các địa phương bị lũ lụt đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, góp phần khắc phục hậu quả lũ lụt, chăm lo, động viên, thăm hỏi đoàn viên, người lao động và nhân dân bị nạn. Tổng Liên đoàn đã tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đi thăm, hỗ trợ, tặng quà nhân dân và đoàn viên, người lao động các tỉnh bị ảnh hưởng bởi mưa lũ với tổng số tiền hơn 6 tỉ đồng từ nguồn tài chính công đoàn và ủng hộ của cán bộ, đoàn viên, người lao động…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân Vận Trung ươngghi nhận những kết quả đáng khích lệ của các cấp Công đoàn trong năm 2020. Theo đó, hoạt động công đoàn trong những năm qua đã đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Trong hoàn cảnh năm 2020 rất đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 và thiên tai đã tác động lớn đến đời sống, việc làm, thu nhập, an toàn sức khỏe của NLĐ, tổ chức Công đoàn đã tham gia với Nhà nước để xây dựng chính sách, phối hợp với doanh nghiệp để chăm lo cho NLĐ… Trong bối cảnh khó khăn, nhưng công tác phát triển đoàn viên được tổ chức Công đoàn nỗ lực thực hiện với việc kết nạp mới được hơn 777 nghìn đoàn viên. Công đoàn cũng đã tham gia giám sát, phản biện nhằm xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Theo đồng chí Trương Thị Mai, đối với tổ chức công đoàn việc cần ưu tiên số một là làm tốt đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Năm 2021, Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải thể hiện rõ vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật, nhất là các nội dung liên quan đến quan hệ lao động... Cùng với đó tổ chức Công đoàn cần thực hiện được vai trò rất quan trọng là cầu nối giữa Đảng với người lao động, chú trọng công tác phát triển đảng tại doanh nghiệp... Đồng chí cũng đề nghị, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN tiếp tục thảo luận, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong thời gian tới để đề xuất các giải pháp gắn liền với những vấn đề liên quan đến tổ chức Công đoàn, đến người lao động trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII…
Nhấn mạnh tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ 2016 - 2021 và là năm có nhiều yếu tố tác động đến việc làm, đời sống của công nhân lao động, trong đó có hoạt động công đoàn. Trên cơ sở chủ đề công tác năm 2020 “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở”, dự thảo các nội dung trình Ban Chấp hành và đối chiếu với tình hình thực tiễn tại các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các đại biểu dự Hội nghị phân tích, thảo luận những giải pháp, cách làm hay trong việc triển khai, cụ thể hóa chủ đề công tác năm ở các cấp công đoàn, hoạt động của công đoàn cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn, đó là chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động…Đồng chí cũng đề nghị, cần phân tích, dự báo tình hình trong thời gian tới đặc biệt là năm 2021 là năm mà Bộ luật Lao động 2019, và nhiều chủ trương, chính sách mới liên quan đến người lao động có hiệu lực, qua đó đề xuất các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả phong trào công nhân, hoạt động công đoàn năm 2021 và trong thời gian tiếp theo.
Kỳ họp lần thứ 7Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN diễn ra trong hai ngày 11 và 12/12. Tại kỳ họp, Ban Chấp hànhthảo luận, quyết nghị các nội dung: Báo cáo hoạt động công đoàn năm 2020, xác định nhiệm vụ công tác công đoàn năm 2021;kết quả triển khai Chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 6a/NQ-TLĐ ngày 06/01/2011 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa X về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở; báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 4a/NQ-TLĐ ngày 04/3/2010 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa X về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn giai đoạn 2010-2020; báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH và Chỉ thị 03/TLĐ và ban hành kết luận của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động nữ CNVCLĐ và phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong tình hình mới; báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết 06b/NQ-TLĐ ngày 03/8/2015 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI về nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn; báo cáo công tác kiểm tra, giám sát của công đoàn các cấp năm 2020 và chương trình công tác năm 2021; dự thảo đề cương Báo cáo sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và một số nội dung về công tác tổ chức, cán bộ.
Đặng Lợi