PAR INDEX 2020: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm thứ 6 liên tiếp xếp thứ nhất
Thứ sáu, 25/06/2021 - 09:21
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số CCHC năm 2020 cao nhất ở năm thứ 6 liên tiếp với kết quả là 95,88%.
Chiều ngày 24/6/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 (PAR INDEX 2020) của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Par-Index các bộ và cơ quan ngang bộ lập kỷ lục mới
Theo Báo cáo PAR INDEX 2020, kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục tập trung vào 2 nhóm điểm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, tiếp tục là 3 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp. Nhóm thứ hai, đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị: Bộ Ngoại giao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không có đơn vị nào có Chỉ số CCHC dưới 80%.
Chỉ số CCHC năm 2020 của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt giá trị trung bình cao nhất trong 9 năm triển khai xác định Chỉ số CCHC đạt được là 87,56%, tăng 1,93% so với năm 2019 (chỉ đạt 85,63%), đồng thời tăng 12,18% so với năm 2012, năm đầu tiên sử dụng công cụ Chỉ số để đánh giá CCHC của các bộ, các tỉnh (chỉ đạt 75,38%).
15/17 bộ đạt Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2019, trong số đó, tăng nhiều nhất là Bộ Giao thông vận tải (+5,40%); 2 bộ có kết quả Chỉ số CCHC giảm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (-2,19%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (-1%).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số CCHC năm 2020 cao nhất ở năm thứ 6 liên tiếp với kết quả là 95,88%. Đây cũng là năm thứ 3, chỉ số CCHC của NHNN tăng liên tiếp từ 90,57% năm 2018 lên 95,40% năm 2019 và đạt 95,88% trong năm 2020. Mặc dù chỉ tăng 0,48% song đây là một sự nỗ lực bền bỉ và không ngừng nghỉ của NHNN trong năm 2020 trong bối cảnh các bộ, ngành cùng quyết liệt thực hiện CCHC đạt hiệu quả cao và nhiều chỉ số đã dần tới điểm tối đa.
Khoảng cách giữa đơn vị đứng đầu là NHNN và với đơn vị có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất - Bộ Giáo dục và Đào tạo với giá trị 83,24% tiếp tục được rút ngắn về 12,64% trong khi khoảng cách này năm 2019 là 14,87%, năm 2018 là 15,44% và năm 2017 là 20,23%. Khoảng cách giữa giá trị chỉ số của NHNN so trung bình của các cơ quan bộ, ngang bộ thu hẹp về 8,32% trong khi năm 2019 là 9,77%.
5/7 chỉ số cải cách thành phần của NHNN tiếp tục xếp thứ nhất là: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đạt điểm tối đa 100%; Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ đạt 93,07%; Cải cách thủ tục hành chính đạt 96,01%; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đạt 94,64%; Xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức 96,67%. Không có chỉ số thành phần nào dưới 93 điểm cho thấy chất lượng cải cách của NHNN đồng đều trên tất cả các trụ cột. Điểm điều tra xã hội học tiếp tục đứng đầu các bộ, ngành với 33,2%/ thang điểm tối đa 35% cho thấy hiệu quả tích cực từ CCHC của NHNN trong đời sống kinh tế - xã hội.
So với năm 2019, có 5/7 chỉ số thành phần PAR INDEX 2020 của 17 bộ, cơ quan ngang bộ có giá trị trung bình tăng. Trong đó Chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC” tăng 0,43% lên 95,14%. Chỉ số thành phần “Hiện đại hóa hành chính” tăng 0,9% lên 90,54%.
Chỉ số thành phần “Cải cách tài chính công” có giá trị trung bình tăng cao nhất với giá trị tăng là 7,63%, lên 87,96% năm 2020. Chỉ số thành phần “Cải cách thủ tục hành chính” có giá trị tăng cao thứ hai thêm 5,03%, đạt giá trị 89,72%. Đây cũng là năm thứ hai đánh giá việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông và 17/17 bộ đạt tỷ lệ 100% điểm số tại tiêu chí này.
Dù vẫn trong nhóm tăng điểm song chỉ số thành phần “Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ” tiếp tục có giá trị trung bình thấp nhất, với giá trị trung bình 79,77%, tuy có tăng hơn so với năm 2019, tuy nhiên, giá trị tăng chỉ là 0,61%.
Đáng chú ý có 2/7 chỉ số thành phần có giá trị trung bình giảm so với năm 2019. Trong đó, Chỉ số thành phần “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước” giảm 1,80%, từ 84,38% của năm 2019 xuống còn 82,58% năm 2020. Tương tự, Chỉ số thành phần “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức” giảm 0,25% xuống còn 89,51%.
58/63 địa phương đạt Chỉ số cải cách hành chính trên 80%
Kết quả Chỉ số CCHC 2020 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên gồm 2 tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng); Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90% gồm 56 tỉnh, thành phố; Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 80%, gồm 5 tỉnh, thành phố.
Theo đánh giá, Chỉ số CCHC 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 83,72%, cao hơn 2,57% so với giá trị trung bình năm 2019 (đạt 81,15%) và đạt giá trị cao nhất trong 5 năm gần đây.
So sánh kết quả của 63 địa phương cho thấy, có 38 đơn vị đạt Chỉ số CCHC cao hơn giá trị trung bình của cả nước. Đáng chú ý, năm 2020 có 58 địa phương đạt Chỉ số CCHC trên 80%, trong khi đó, năm 2019 chỉ có 44 đơn vị và năm 2018 chỉ có 9 đơn vị thuộc nhóm này; không có địa phương nào đạt kết quả dưới 70%.
Có 58 tỉnh, thành phố có kết quả Chỉ số tăng cao hơn so với năm 2019. Địa phương tăng điểm cao nhất là Bến Tre (+9,42%), tăng thấp nhất là Thái Bình (+0,7%). Vẫn còn 5 địa phương có kết quả Chỉ số CCHC giảm so với năm 2019 là Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bắc Kạn, Kiên Giang, trong đó, đơn vị giảm nhiều nhất là Phú Yên (-3.94%).
Về kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC 2020, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương xếp vị trí thứ nhất bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2020 với kết quả đạt 91,04%. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh đạt ngôi vị quán quân về Chỉ số CCHC của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hải Phòng đã vượt Hà Nội, xếp vị trí thứ hai với kết quả sát nút đạt 90,51%. Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2020, với kết quả đạt 73,25%.
So sánh giá trị trung bình Chỉ số CCHC giữa các vùng kinh tế, trong năm 2020, cả 6 vùng kinh tế đều có giá trị trung bình Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2019 và đều đạt giá trị trên 80%. Giá trị trung bình cao nhất là vùng kinh tế Đông Nam Bộ với kết quả đạt 85,88%; tiếp theo là khu vực Đồng bằng sông Hồng, đạt 85,51%. Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là vùng kinh tế đạt giá trị thấp nhất, với kết quả là 81,41%.
So sánh sự tăng trưởng giữa các vùng kinh tế thì Đông Nam Bộ cũng là vùng có sự tăng trưởng cao nhất trong năm 2020, giá trị trung bình cao hơn 3,86% so với năm 2019. Khu vực Tây Nguyên đã có sự tăng trưởng đáng kể, giá trị trung bình khu vực này đạt 82,20% cao hơn 2,57% so với năm 2019 nhờ sự bứt phá cả về điểm số và thứ hạng của các địa phương thuộc khu vực này. Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có giá trị tăng trưởng thấp nhất so với 5 vùng kinh tế còn lại, chỉ cao hơn 0,63% so với năm 2019.
Phân tích các chỉ số thành phần cho thấy giá trị trung bình của các chỉ số thành phần đều có sự cải thiện đáng kể với 7/8 chỉ số thành phần đạt giá trị trung bình tăng cao hơn so với năm 2019. Đáng chú ý, năm 2020 có 6/8 chỉ số thành phần đạt giá trị trung bình trên 80%, trong khi đó năm 2019 có 5 chỉ số thành phần và năm 2018 có 3 chỉ số thành phần thuộc nhóm này.
Chỉ số thành phần “Cải cách TTHC” đạt giá trị trung bình xếp thứ nhất, với kết quả là 94,11%. Xếp thứ hai là Chỉ số thành phần “Chỉ đạo điều hành CCHC” đạt 89,71%, cao hơn 6,07% so với năm 2019.
Tiếp theo là Chỉ số thành phần “Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh”, đạt giá trị trung bình là 87,82%. Chỉ số thành phần “Hiện đại hóa hành chính” năm 2020 tiếp tục có nhiều cải thiện, cả về thứ hạng và điểm số, đạt 85,15%, cao hơn 5,04% so với năm 2019, xếp vị trí thứ 4/8 chỉ số thành phần (năm 2019 xếp vị trí thứ 5/8).
Đứng ở vị trí thứ năm là Chỉ số thành phần “Xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ công chức viên chức”, đạt 85,10%. Đáng chú ý, Chỉ số thành phần “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính” xếp vị trí thứ sáu nhưng lại là chỉ số có sự tăng trưởng lớn nhất, đạt 84,41%, cao hơn 8,12% so với năm 2019.
Xếp vị trí thứ bảy là Chỉ số thành phần “Cải cách tài chính công”, đạt 78,34%. Mặc dù cũng có cải thiện đáng kể về điểm số, thể hiện ở mức tăng trưởng cao hơn 3,85% so với năm 2019. Tuy nhiên, chỉ số này còn khá thấp so với các nội dung đánh giá còn lại, trong 3 năm liên tiếp đều có giá trị trung bình đạt dưới 80%.
Chỉ số thành phần duy nhất có giá trị trung bình giảm là “Đánh giá tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, đạt 70,25%, thấp hơn 7,64% so với năm 2019. Đây cũng là chỉ số thành phần có giá trị trung bình thấp nhất trong 8 chỉ số thành phần. Thực tế cho thấy, năm vừa qua do có sự tác động mạnh mẽ từ dịch bệnh COVID-19 nên hầu hết các địa phương đều đạt các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, dẫn đến các tiêu chí đánh giá về nội dung này đạt tỷ lệ điểm rất thấp.
Còn nhiều dư địa để cải cách
Trong 9 năm vừa qua, Chỉ số CCHC luôn được khẳng định qua thực tiễn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
Tuy nhiên, qua xác định Chỉ số CCHC năm 2020, Báo cáo cũng đã chỉ ra cụ thể những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh cần khắc phục như: Công tác cải cách thể chế của các bộ còn một số hạn chế, bất cập, tiếp tục có giá trị trung bình thấp nhất trong 7 lĩnh vực đánh giá; năm 2020 còn một số bộ chưa hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật đã được phê duyệt.
Cổng dịch vụ công của một số bộ chưa đáp ứng yêu cầu về chức năng kỹ thuật theo quy định. Sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các đơn vị trực thuộc; ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm và định mức biên chế công chức theo quy định; ban hành văn bản để hoàn thiện quy định về vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý chưa đạt yêu cầu. Một số bộ còn những hạn chế nhất định trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức...
Một số địa phương xây dựng, ban hành Kế hoạch CCHC năm chưa sát với thực tiễn, đặt mục tiêu, nhiệm vụ quá cao, không bố trí đủ nguồn lực để thực hiện dẫn đến vẫn còn những mục tiêu, nhiệm vụ không hoàn thành hoặc thực hiện còn hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; công tác kiểm tra đã có nhiều đổi mới tích cực, nhưng vẫn còn một số địa phương thực hiện chưa đạt hiệu quả cao, chưa xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra CCHC;
Vẫn còn một số địa phương chưa hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2020 hoặc hoàn thành nhưng chưa đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định. Về cải cách thể chế, tình trạng chậm xử lý các văn bản trái pháp luật vẫn còn chậm trễ ở một số địa phương; qua khảo sát cho thấy, tính khả thi và tính kịp thời trong xử lý vướng mắc, bất cập khi tổ chức triển khai các văn bản pháp luật vẫn là những vấn đề có tỷ lệ điểm đánh giá khá thấp so với các nội dung khác.
Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ vẫn còn tồn tại ở cả 3 cấp chính quyền tại hầu hết các địa phương và kéo dài trong nhiều năm, nhất là các lĩnh vực về đất đai, xây dựng, chính sách người có công,...
Còn khá nhiều địa phương không hoàn thành giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước; tình trạng sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính ngân sách vẫn còn xảy ra ở một số nơi, đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận và kiến nghị xử lý; việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc, kết quả đạt được còn chậm so với tiến độ đề ra.
Kết quả thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn ở mức khiêm tốn; tỷ lệ thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 34,20%; tỷ lệ số hồ sơ được xử lý trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt bình quân 23,03% so với tổng số hồ sơ đã tiếp nhận (cả trực tiếp và trực tuyến) của các thủ tục hành chính thuộc phạm vi đánh giá.
Minh Ngọc (TBNH)