Nguyện được san sẻ nỗi đau…
Thứ năm, 22/07/2021 - 12:49
Phong trào nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng là một phong trào có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện "Đạo lý uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam, Agribank chi nhánh tỉnh Đăk Lăk là một trong số đơn vị đầu tiên trên địa bàn tích cực hưởng ứng phong trào này.
Phong trào nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) là một phong trào có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện "Đạo lý uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh tỉnh Đăk Lăk là một trong số đơn vị đầu tiên trên địa bàn tích cực hưởng ứng phong trào này.
Ông Nguyễn Tố, nguyên Phó Giám đốc, nguyên Chủ tịch Công đoàn cơ sở Agribank tỉnh Đăk Lăk, nay tuổi đã ở ngưỡng “cổ lai hy”, nhưng khi nhắc đến những người Mẹ VNAH mà Agribank Đăk Lăk nhận phụng dưỡng, ông vẫn nhớ như in thời điểm nhận phụng dưỡng, hoàn cảnh từng Mẹ.
Ông Tố kể, năm 1995 triển khai thực hiện Nghị định số 28/CP của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng; Nghị định số 167/CP, ngày 20/10/1994 của Chính phủ về thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ VNAH" và hưởng ứng cuộc vận động của Ủy ban MTTQ, UBND các cấp và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH, từ những ngày đầu chi nhánh đã tích cực đăng ký nhận phụng dưỡng các Mẹ trên địa bàn.
Vào ngày 1/10/1995, Agribank Đăk Lăk đăng ký nhận phụng dưỡng Mẹ Huỳnh Thị Qua. Mẹ Qua quê ở Bình Giang, Thăng Bình (Quảng Nam), có chồng và 2 con là liệt sỹ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Lúc bấy giờ, Mẹ đang ở cùng với cô con gái út Võ Thị Vân, tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), giờ chị Vân đã lấy chồng, nhưng cả 2 vợ chồng chị Vân và 2 đứa con ở chung với Mẹ để chăm sóc đỡ đần mẹ khi tuổi già.
Với niềm thương yêu, kính trọng Mẹ VNAH, từ năm 1995 đến nay, Agribank Đăk Lăk đã và đang nhận phụng dưỡng suốt đời 4 Mẹ VNAH (đến thời điểm hiện tại, chỉ còn Mẹ Huỳnh Thi Qua 103 tuổi; Mẹ Nguyễn Thị Thương 87 tuổi).
Ngoài mức phụng dưỡng hàng tháng với số tiền từ 200.000 đồng/tháng/Mẹ vào những năm 90 của thế kỷ trước, nay số tiền phụng dưỡng mỗi tháng tăng lên 1,5 triệu đồng/Mẹ/tháng. Ngoài ra, hàng năm đơn vị thường xuyên tổ chức thăm hỏi các Mẹ vào các dịp lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sỹ; thăm hỏi, chăm sóc mỗi khi Mẹ đau yếu để động viên các Mẹ sống vui, sống khỏe cùng với gia đình; đơn vị cũng thường xuyên giữ liên lạc với gia đình người thân và chính quyền địa phương nắm tình hình sức khỏe, đời sống của các mẹ để thăm hỏi, động viên kịp thời.
Ông Đỗ Đăng Khoảnh, con trai mẹ VNAH Nguyễn Thị Thương rất xúc động khi được Agribank Đăk Lăk quan tâm nhận phụng dưỡng, chăm sóc mẹ đến cuối đời. Hàng tháng, hàng quý đơn vị đều tổ chức đoàn đến thăm mẹ, mua quà và trao tiền phụng dưỡng cho Mẹ, cùng động viên sức khỏe Mẹ những lúc ốm đau, bệnh tật. Đồng thời, luôn giữ mối liên lạc thường xuyên với gia đình để nắm tình hình sức khỏe của mẹ... Đây là tình cảm rất đáng trân quý của tập thể cán bộ, người lao động dành cho các Mẹ VNAH.
“Dẫu rằng những món quà, sự quan tâm của Agribank Đăk Lăk, không đủ bù đắp hết những mất mát, đau thương to lớn của các Mẹ, nhưng tập thể cán bộ, người lao động của Agirbank Đăk Lăk nguyện được san sẻ nỗi đau, mất mát cùng các Mẹ. Chúng tôi sẽ mãi khắc ghi công ơn của thế hệ cha anh ngã xuống vì độc lập cho dân tộc và tự nhắc nhở bản thân phải sống hết mình và có ích xứng đáng với sự hy sinh to lớn ấy” - ông Phan Thông Thái, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Agribank Đăk Lăk chia sẻ.
Việc nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời các Mẹ VNAH thể hiện sự tri ân đối với công lao to lớn và sự hy sinh thầm lặng của các Mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của đơn vị đối với hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, là hành động đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc.
Để tiếp nối hành trình 26 năm qua, ông Thái cho hay, những năm tới, Agribank Đăk Lăk tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội có ý nghĩa này. Một mặt, chung sức cùng các ngành các cấp trong thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Mặt khác, qua hoạt động này giúp cho cán bộ, đoàn viên, người lao động trong toàn đơn vị nhận thức đầy đủ hơn về mục đích, ý nghĩa của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, từ đó góp phần giáo dục về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn" - truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Quốc Lương (TBNH)