Đẩy mạnh hoạt động kết nối sau dịch
Thứ ba, 02/11/2021 - 16:28
Ngay sau khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương dần mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, hệ thống ngân hàng tại các tỉnh thành phía Nam cũng lập tức nối lại các hội nghị kết nối doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng cường cung ứng vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngay sau khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương dần mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, hệ thống ngân hàng tại các tỉnh thành phía Nam cũng lập tức nối lại các hội nghị kết nối doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng cường cung ứng vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.
Chẳng hạn, ngay sau khi TP.HCM nới lỏng dần các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch, ngay trung tuần tháng 10 vừa qua, NHNN chi nhánh TP.HCM đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và ký kết gần 15.500 tỷ đồng hỗ trợ 64 doanh nghiệp.
Tương tự, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như Bình Dương, Đồng Nai cũng nhanh chóng nối lại các hội nghị kết nối này để tháo gỡ khó khăn cho dòng chảy vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ông Tạ Thành Long - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho hay, ngay sau khi UBND tỉnh Đồng Nai cho phép thành phố Biên Hòa và các huyện nối lại hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã tổ chức hội nghị kết nối với cộng đồng doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiện tất cả các NHTM trên địa bàn đều cam kết sẽ tiếp tục triển khai mạnh các gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp. Đơn cử Agribank cam kết sẽ làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh để giải ngân hết gói vay 20.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp FDI và 30.000 tỷ đồng dành cho DNNVV; trong khi đó, BIDV tập trung giải ngân gói vay trung, dài hạn dành cho doanh nghiệp đến hết năm 2021; MB và SeABank cũng cam kết hoàn thành nốt các gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 5-7%/năm (đối với vay VND) và 2,5-3%/năm (đối với vay USD)…
Tại Bình Dương, đại diện nhóm doanh nghiệp ngành Cơ điện trên địa bàn cho biết, với khoảng gần 70.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh tại Bình Dương được miễn giảm lãi, hạ lãi suất từ đầu năm đến nay, đóng góp của các NHTM trong việc duy trì sản xuất kinh doanh tại địa phương là rất lớn. “Việc nối lại hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ngay trong thời điểm này sẽ giúp hàng trăm doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để chuẩn bị các đơn hàng cho dịp cuối năm. Bởi hiện nay các khu chế xuất, khu công nghiệp được phép mở cửa trở lại và nhu cầu vốn của các doanh nghiệp nhất là các công ty trong nước thu mua nguyên liệu, trả lương, giữ chân công nhân trong mùa kinh doanh cao điểm tăng cao”, ông Trần Thành Trọng - Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương cho biết.
Trong khi tại các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL, hiện hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cũng đang được nối lại. Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, ngân hàng đã làm việc với các sở, ngành và hiệp hội doanh nghiệp các ngành nghề, đề nghị hỗ trợ các ngân hàng trên địa bàn bằng cách giới thiệu doanh nghiệp cho ngân hàng; gửi danh sách doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh đến các NHTM. “Hiện ngành Ngân hàng An Giang vẫn duy trì đường dây nóng tiếp tục nhận thông tin kiến nghị, đề nghị hỗ trợ của khách hàng và dự kiến đến ngày 10/11/2021 sẽ tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn”, ông Dũng cho biết.
Trước đó, NHNN chi nhánh Bến Tre và Sở Công Thương đã ký kết quy chế phối hợp cung ứng vốn tín dụng phục vụ phát triển lĩnh vực công thương. Tại đây, các NHTM như Agribank, VietinBank đều đã cam kết tài trợ hàng trăm tỷ đồng vốn ưu đãi cho các lĩnh vực như chế biến nông thủy sản, phát triển năng lượng sạch và đầu tư cho các mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản. Đại diện Agribank chi nhánh Bến Tre cho biết, ngay đầu tháng 10 ngân hàng này đã kết nối, ký kết tài trợ vốn thành công cho chuỗi liên kết ngành dừa của CTCP đầu tư dừa Bến Tre. Sắp tới đây sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi tài trợ vốn cho nhiều mô hình khác, bao gồm cả cây dừa và các loại nông sản Bến Tre có thế mạnh.
Ghi nhận tại các địa phương khác như Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, hiện ngành Ngân hàng cũng đã được UBND các tỉnh, thành đề nghị phối hợp với các sở, ngành và Hiệp hội doanh nghiệp để tổ chức các hội nghị đối thoại, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp. Điều này cho thấy, hoạt động gắn kết khách hàng đã và đang được hệ thống ngân hàng tại các địa phương khu vực phía Nam nối lại rất mạnh mẽ trong các tháng còn lại của năm 2021. Sự chủ động của các ngân hàng trong thời điểm cuối năm hiện nay, chắc chắn sẽ tạo ra cơ hội tốt tăng trưởng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên và các ngành nghề có thế mạnh khôi phục lại sau dịch bệnh ở các khu vực kinh tế trọng điểm.
Đỗ Cường (TBNH)